Kinh tế toàn cầu 2019 đối mặt những rủi ro chính trị nào?
Hành vi khó lường của các chính phủ, đặc biệt là các chính phủ dân túy, khiến quan hệ quốc tế xấu đi là một trong số những rủi ro chính trị lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới trong năm 2019 - theo hãng tin Bloomberg.
Kinh tế thế giới 2019 đối mặt không ít rủi ro chính trị.
|
Dưới đây là một vài rủi ro chính trị có thể gây trệch hướng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới:
Chiến tranh thương mại
Nếu có một vấn đề nào đó mà hai đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ có thể đạt được sự đồng thuận, thì đó là quan điểm cho rằng sự nổi lên của Trung Quốc là một thách thức đối với Mỹ.
Trong mắt Washington, những rủi ro từ phía Trung Quốc bao gồm nguy cơ đối với chuỗi cung ứng công nghệ, việc Bắc Kinh đầu tư mạnh cho quân sự, và những nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm suy yếu các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Đây là những rủi ro được nêu trong một báo cáo thường niên về quan hệ kinh tế và an ninh Mỹ-Trung do một ủy ban lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ thực hiện.
Trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xích mích, thì rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu vẫn là cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Cho dù thỏa thuận "đình chiến" thương mại Mỹ-Trung được giữ vững, thì mâu thuẫn hiện nay vẫn có thể chỉ là giai đoạn đầu của một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế kéo dài. Theo ước tính của Bloomberg Economics, nếu Tổng thống Donald Trump thực thi lời cảnh báo áp thuế quan bổ sung lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, thì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 2019 của Trung Quốc sẽ hụt 1,5 điểm phần trăm.
Trong trường hợp đó, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ còn khoảng 5%, dù phản ứng chính sách của Bắc Kinh được cho là sẽ có tác dụng làm dịu bớt cú sốc sụt giảm tăng trưởng.
Italy
Chính phủ dân túy của Italy đang mâu thuẫn với Liên minh châu Âu (EU) về kế hoạch ngân sách với những khoản chi tiêu mạnh tay. Mâu thuẫn này khiến giới đầu tư và các quan chức EU cảm thấy bất an. Năm 2019 có thể sẽ là một năm quyết định, không chỉ đối với Italy, và còn dối với cả khả năng của EU trong việc áp kỷ luật ngân sách đối với các quốc gia thành viên.
Trong báo cáo rà soat hàng năm về kế hoạch ngân sách của các nước khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), Ủy ban châu Âu (EC) nói rằng ngân sách Italy "đặc biệt không tuân thủ" các giới hạn của EU.
Mâu thuẫn hiện nay giữa các đảng trong liên minh cầm quyền của Italy có thể khiến liên minh này sụp đổ trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5 năm tới, đẩy Italy vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới. Cho dù nếu Chính phủ hiện nay của Italy tồn tại được, thì nước này vẫn đối mặt với sức ép lớn trên thị trường tài chính. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Italy hiện đang ở mức cao nhất 4 năm.
Brexit
Bức tranh chính trị có nhiều vết rạn của Anh hiện nay đã và đang cản trở tiến trình nước này rút khỏi EU, hay còn gọi là Brexit. Sau nhiều tranh cãi, nước Anh vẫn chưa thể thống nhất được một kế hoạch Brexit. Trong bối cảnh tình hình liên tục thanh đổi, London đứng trước nguy cơ thay đổi Thủ tướng, thậm chí là thay đổi chính phủ.
Một vụ Brexit "cứng", nghĩa là không có thỏa thuận nào cho mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU, có thể khiến GDP của Anh vào năm 2030 thấp hơn 7% so với trường hợp nước này vẫn là một thành viên của EU, theo ước tính của Bloomberg.
Cho dù Anh ra khỏi EU mà vẫn là một phần trong liên minh hải quan với EU, thì mức thiệt hại GDP sẽ là 3%.
Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát
Tại Mỹ, việc Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua có thể gây trở ngại cho chương trình nghị sự của ông Trump, mở đường cho những cuộc điều tra không hạn chế nhằm vào chính quyền ông, chiến dịch tranh cử của ông và cả "đế chế" kinh doanh của gia đình ông.
Điều này sẽ đồng nghĩa với hai năm bế tắc chính sách, nên sẽ khó có thêm những kế hoạch cắt giảm thuế hay tăng đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, nguy cơ đóng cửa Chính phủ Mỹ cũng nổi lên.
Chưa kể, Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát cũng có thể tìm cách đưa ông Trump ra luận tội, dù trong trường hợp đó, số phận cuối cùng của vị Tổng thống sẽ được quyết định bởi Thượng viện do Đảng Cộng hòa của ông kiểm soát.
Các cuộc bầu cử
Năm tới sẽ là năm mà bầu cử diễn ra ở một số nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, với ảnh hưởng sâu rộng đối với lập trường chính sách và sự ổn định thị trường. Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Nigeria là vài trong số những nước có bầu cử trong năm 2019. Cuộc bầu cử mới đây ở Brazil đã cho thấy, những chính trị gia với những chủ trương mới mẻ, phi truyền thống tiếp tục có sức hấp dẫn lớn đối với cử tri.
Trong số các nền kinh tế phát triển lớn, Canada và Australia là hai nước sẽ tổ chức bầu cử năm tới. Tuy nhiên, khả năng có sự dịch chuyển chính sách mạnh mẽ ở hai nước này sau bầu cử là thấp.
Giá dầu
Đợt giảm sâu gần đây của giá dầu đã đưa chính trị ở khu vực Trung Đông trở lại tâm điểm chú ý. Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran sẽ là một chìa khóa của vấn đề, tương tự như quyết tâm của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh trong việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu.
Mối quan hệ giữa Mỹ với Saudi Arabia cũng là một vấn đề đang được quan tâm. Ông Trump đã nói sẽ không để vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi gây tổn hại mối quan hệ giữa hai nước, cảnh báo rằng nếu Washington xa lánh Riyadh, thì giá dầu sẽ tăng vọt.
Rủi ro địa chính trị ở Đông Á
Năm nay, Triều Tiên đã dừng các hoạt động gây hấn và theo đuổi ngoại giao, nhưng khu vực Đông Á vẫn tiềm ẩn một số rủi ro như vấn đề Đài Loan, căng thẳng Biển Đông và tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông.
Sự kiện bất ngờ
Không thể loại trừ khả năng thế giới hứng chịu một vụ tấn công khủng bố quy mô lớn hoặc một vụ tấn công mạng gây ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu. Năm 2017, thế giới có tổng cộng 10.900 vụ tấn công khủng bố, khiến 26.400 người thiệt mạng. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Đại học Maryland, số vụ tấn công khủng bố trên toàn cầu đã giảm năm thứ 3 liên tiếp.
An Huy
VNEconomy
|