Ba bài học từ vụ phá sản của Enron
Đó là năm 2001. Sự bùng nổ công nghệ của những năm 1990 bắt đầu “xẹp” xuống khi hàng trăm công ty Internet mới nổi phá sản, kéo toàn bộ thị trường chứng khoán vào đợt suy giảm tồi tệ nhất kể từ vụ sụp đổ năm 1987. Trước đó không lâu, nước Mỹ đã phải hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố vào ngày 11/09. Giữa bối cảnh hỗn loạn đó, một trong số ít những câu chuyện thành công về kinh doanh của những năm 2000 đã có một kết thúc đáng buồn - gã khổng lồ năng lượng Enron tuyên bố phá sản.
Vào ngày 02/12/2001, vụ đệ đơn xin phá sản của Enron khiến cả thế giới đầu tư rúng động. Suốt nhiều năm trước đó, Enron đã tạo dựng được danh tiếng về sự đổi mới, khiến giá cổ phiếu của họ tăng vọt, nhưng rồi tất cả những thành tựu của công ty năng lượng này đã sụp đổ chỉ trong vài tháng. Các cổ phiếu có giá cao chót vót trước đây đột nhiên vô giá trị. Hàng ngàn công nhân không chỉ mất việc mà còn mất luôn cả giá trị của những cổ phiếu mà họ được phép sở hữu.
Ngay cả nhiều năm sau này, những gì đã xảy ra với Enron vẫn đáng được tìm hiểu vì sự thất bại của họ đã để lại cho nhà đầu tư các bài học quý giá.
Sự trỗi dậy và sụp đổ của Enron
Enron bắt đầu xuất hiện vào năm 1985 sau vụ sáp nhập của hai công ty khí đốt tự nhiên. Ban đầu, Enron tìm cách phát triển bằng cách mở rộng phạm vi ra ngoài khí đốt tự nhiên và di chuyển mạnh vào lĩnh vực điện năng với các nhà máy điện và những tài sản phát điện khác.
Tuy nhiên, dường như những gì mang lại động lực cho các giám đốc điều hành hàng đầu của Enron lại là những nỗ lực nhằm kiếm lời từ việc “giao dịch” năng lượng. Thay vì tập trung sản xuất và cung cấp các sản phẩm năng lượng cho khách hàng, Enron đã sử dụng những hợp đồng tương lai để cung cấp khí đốt hoặc điện tự nhiên vào những thời điểm cụ thể trong tương lai nhằm kiếm tiền từ những người tìm cách đầu cơ trên sự thay đổi giá cả hoặc là phòng vệ trước những rủi ro của biến động bất ngờ trong giá năng lượng.
Khi làm như vậy, Enron đã khoác lên mình những đặc điểm khiến họ giống như một công ty đầu tư trên Phố Wall hơn là một doanh nghiệp về năng lượng hoặc tiện ích. Công ty này cuối cùng đã tạo ra các thị trường hoàn toàn mới mà hầu như rất ít liên quan đến thị trường năng lượng, bao gồm các hợp đồng tương lai gắn liền với những sự kiện thời tiết và khả năng băng thông Internet. Mối liên hệ đó với sự bùng nổ công nghệ đặc biệt đúng lúc, và đến năm 2000, cổ phiếu đã tăng vọt, giúp Enron có được vị trí trong 10 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ.
Cuối cùng, nhiều thành công của Enron hóa ra lại là ảo ảnh. Công ty này đã tạo ra một loạt thực thể kinh doanh có quan hệ với nhau và sử dụng những mánh lới kế toán để che giấu những thua lỗ và khoản nợ khổng lồ. Những chiến thuật đó cuối cùng cũng hết tác dụng, và vào tháng 10/2001, Enron chính thức tiết lộ một khoản lỗ hàng quý khổng lồ và cho biết họ đã phóng đại thu nhập một cách có hệ thống trong suốt ít nhất bốn năm. Đối thủ Dynegy dự tính mua lại Enron vào tháng 11 năm đó, nhưng sau khi Dynegy chấm dứt các cuộc đàm phán sáp nhập vào cuối tháng đó, Enron không còn cách nào khác ngoài việc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11.
Hậu quả của việc xin phá sản cho thấy mức độ hành vi sai trái của Enron - công ty năng lượng này đã tiến hành một kế hoạch gian lận rất lớn. Arthur Andersen, vào thời điểm đó là một trong những công ty kế toán nổi tiếng của thế giới, cuối cùng tiết lộ rằng nhân viên của họ đã hủy các tài liệu Enron, mà nếu còn thì có thể được sử dụng để truy tố công ty này. Một giám đốc điều hành chủ chốt của Enron đã chết vì tự sát, còn hai cựu CEO Jeffrey Skilling và Ken Lay thì bị kết án vì tội âm mưu và gian lận.
Ngoài ra, một số giám đốc điều hành của Enron và các thành viên gia đình họ bị cáo buộc là giao dịch nội gián. Những người này đã bán tháo cổ phiếu ở mức giá cao trong khi một vài người trong số họ lại kêu gọi các nhân viên bình thường và nhà đầu tư bên ngoài tiếp tục mua cổ phiếu của Enron.
Ba bài học từ Enron
Vẫn còn một số bài học quan trọng cho nhà đầu tư từ vụ bê bối Enron. Đầu tiên, điều quan trọng là không dành quá nhiều tiền cho một cổ phiếu duy nhất trong danh mục đầu tư. Cho dù câu chuyện của công ty đó có hấp dẫn như thế nào thì mối đe dọa về sự đảo chiều mà bạn không bao giờ dự đoán có thể “xóa sổ” tài khoản của bạn nếu bạn bỏ quá nhiều tiền đầu tư vào nó.
Thứ hai, các nhân viên công ty nên đặc biệt thận trọng khi mua cổ phiếu của ông chủ mình. Thật hấp dẫn khi đầu tư vào một doanh nghiệp mà bạn biết rõ, nhưng nếu có gì đó trục trặc, bạn có nguy cơ vừa mất cả nguồn thu nhập chính vừa bị ảnh hưởng lớn trong danh mục đầu tư.
Cuối cùng, hãy đảm bảo là bạn hiểu được việc kinh doanh của công ty đang diễn ra như thế nào. Hầu hết các cổ đông đều không thể hiểu được chuyện giao dịch phức tạp của Enron, nhưng họ không thực sự quan tâm, miễn là cổ phiếu này tăng giá cao hơn. Điều đó khiến họ dễ bị tổn thương trước những thay đổi về “sức khỏe” cơ bản của việc kinh doanh mà Enron đang vận hành. Nợ “đầm đìa”, chứng khoán phái sinh phức tạp và sự quản lý mà hóa ra là có vấn đề về tính trung thực và toàn vẹn của nó, Enron rõ ràng đã cung cấp một số dấu hiệu cảnh báo cho những người sẵn sàng lắng nghe, và các cổ đông có thể đã tránh được một số thiệt hại từ vụ bê bối này nếu trước đó họ tránh xa công ty này.
Mười bảy năm sau khi Enron nộp đơn xin phá sản, vụ bê bối của công ty năng lượng này vẫn có ảnh hưởng đến thế giới đầu tư. Bằng cách nhận ra những rủi ro tương tự vẫn còn tồn tại ngày hôm nay, bạn có thể luôn cảnh giác và bảo vệ bản thân khỏi những vụ bê bối trong tương lai.
Nhã Thanh (Theo IBTimes)
FILI
|