JPMorgan: 3 lý do nên mua chứng khoán châu Á
Chứng khoán châu Á đã có một năm đầy biến động, trong đó các chỉ số chính trong khu vực sắp khép lại năm vừa qua trong phạm vi giảm điểm. Dù vậy, J.P. Morgan Asset Management vẫn tỏ ra thích thú chứng khoán ở khu vực này.
Tại thời điểm này, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục nằm trong số những thị trường giảm mạnh nhất châu Á. Shenzhen Composite đã rớt khoảng 30% trong năm nay, còn Shanghai Composite lao dốc hơn 20%. Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm gần 15%.
Các thị trường châu Á khác cũng chẳng khá khẩm hơn bao nhiêu. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lao dốc hơn 10% trong năm nay, còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc rớt gần 17%.
Thị trường châu Á “gặp rất nhiều khó khăn trong năm nay nhưng chúng tôi vẫn lạc quan về châu Á trong dài hạn. Và chúng tôi nghĩ đây là lúc để thiết lập các vị thế chiến lược”, Janet Tsang, Chuyên gia đầu tư thị trường châu Á - Thái Bình Dương và thị trường mới nổi tại J.P. Morgan Asset management, trao đổi với CNBC trong ngày thứ Sáu (21/12).
Tsang không phải là chuyên gia duy nhất tỏ ra hứng thú với thị trường châu Á. Hôm thứ Năm (20/12), Jonathan Garner, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu châu Á và thị trường mới nổi tại Morgan Stanley, cho biết ông “hoàn toàn lạc quan” về thị trường ở châu Á.
Các chuyên gia đưa ra quan điểm lạc quan trong lúc nhà đầu tư ngày càng lo ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu. Chính nỗi lo này đã làm chao đảo thị trường tài chính trên khắp thế giới trong vài tháng vừa qua. Thế nhưng, Tsang cho biết vẫn còn 3 lý do giải thích tại sao mọi người nên tiếp tục đầu tư vào châu Á.
Đồng USD có thể tiếp tục suy yếu
Đà tăng của đồng USD đã gây tổn thương tới các thị trường châu Á trong năm nay. Điều này là do nhà đầu tư – vốn bị thu hút bởi bức tranh tươi sáng của nền kinh tế Mỹ và khả năng kiếm tỷ suất sinh lời cao hơn – đã chuyển vốn về Mỹ.
Thế nhưng, theo Tsang, có nhiều lý do cho thấy xu hướng tăng của đồng USD có thể bị đảo ngược. Đầu tiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm ngưng nâng lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm tới, khi nền kinh tế Mỹ giảm tốc – một diễn biến sẽ kìm hãm đà tăng của đồng bạc xanh.
Điều thứ hai là Mỹ đang đối mặt với thâm hụt kép (tài khóa và tài khoản vãng lai). Thâm hụt tài khóa có nghĩa là Chính phủ đang chi tiêu nhiều hơn nguồn thu và thâm hụt tài khoản vãng lai diễn ra khi giá trị nhập khẩu vượt qua giá trị xuất khẩu. Cả hai trường hợp trên đều tác động tiêu cực tới đồng bạc xanh, Tsang lưu ý.
“Với việc Fed có thể tạm ngưng nâng lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm 2019 và khả năng tăng trưởng Mỹ đã đạt đỉnh, cùng với thâm hụt kép, đồng USD có thể đảo chiều sang xu hướng giảm”, bà cho hay.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Nhiều nền kinh tế châu Á đang phụ thuộc nhiều vào thương mại và sở hữu chuỗi cung ứng có liên kết với Trung Quốc. Do đó, việc Mỹ áp thuế bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc cũng được xem là một mối đe dọa tới các quốc gia châu Á khác.
Thế nhưng, phần lớn tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã được phản ánh vào giá, Tsang cho hay. Điều này có nghĩa là giá cổ phiếu đã bao hàm phần lớn các yếu tố sẽ ảnh hưởng tới diễn biến tương lai của chúng. Vì vậy, bà cho là các thị trường châu Á có thể ổn định trở lại.
“Với thời gian đình chiến 90 ngày và việc Trung Quốc nhượng bộ nhiều hơn, chúng tôi tin là thị trường có thể ổn định phần nào”, Tsang nói.
Lợi nhuận cao
Bất chấp tâm lý bi quan đang bao trùm chứng khoán châu Á, lợi nhuận doanh nghiệp thực chất vẫn cao, Tsang nhận định.
Bên cạnh đó, hệ số P/B của chứng khoán châu Á đang ở dưới mức trung bình dài hạn. Hệ số P/B đo lường mức giá trị vốn hóa của công ty so với tổng tài sản ròng. Hệ số P/B thấp hơn thường có nghĩa là cổ phiếu đang bị định giá thấp. Bà Tsang cho biết, hệ số P/B của châu Á thể hiện các thị trường khu vực này có thể mang về tỷ suất sinh lợi “rất cao” trong vòng 12 tháng tới.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|