Chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu đà giảm ở châu Á
Chứng khoán châu Á giảm trên diện rộng vào chiều ngày thứ Sáu (21/12), trong đó chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu đà giảm, sau phiên “tắm máu” trên Phố Wall đêm qua.
Tính tới lúc 13h30 ngày thứ Sáu (21/12 – giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 226.39 điểm (tương ứng 1.11%), sau khi rớt hơn 2.5% trong phiên trước.
Cổ phiếu của nhóm ngân hàng Nhật Bản giảm sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) hôm thứ Năm (20/12). Trong đó, cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group rớt 2.8%, còn Sumitomo Mitsui Financial Group hạ 2.56%.
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm nhẹ 4.54 điểm (tương ứng 0.22%) khi cổ phiếu của ông lớn Samsung Electronics hạ 0.65%.
Ở Australia, chỉ số ASX 200 đã xóa bớt đà lao dốc trước đó và chỉ còn giảm 38.2 điểm (tương ứng 0.69%), trong đó phần lớn lĩnh vực đều nhuốm sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu Big4 ngân hàng (bao gồm ANZ, Commonwealth Bank, Westpac) đều giảm hơn 1%.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh hơn vào phiên chiều, trong đó chỉ số Shanghai Composite sụt 33.88 điểm (tương ứng 1.34%) và Shenzhen Composite mất 0.96%.
Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lùi nhẹ 33.73 điểm (tương ứng 0.33%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 13h30 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Hôm thứ Năm (20/12), Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố cáo buộc hai người mang quốc tịch Trung Quốc vì tham gia vào chiến dịch hack toàn cầu. Hai cá nhân Zhu Hua và Zhang Shilong bị buộc tội âm mưu thực hiện hành vi xâm nhập máy tính và gian lận, cũng như hành vi đánh cắp danh tính.
Phố Wall giảm mạnh 2 phiên liên tiếp
Đêm qua, chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ ngày thứ 2 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất chuẩn và cho biết sẽ tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán khổng lồ với tốc độ hiện tại. Lo ngại về việc đóng cửa Chính phủ cùng khiến chứng khoán lao dốc xuống đáy mới vào chiều ngày thứ Năm.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones sụt 464.06 điểm xuống 22,859.6 điểm, qua đó góp phần nâng tổng mức giảm trong 2 phiên lên hơn 800 điểm và đà lao dốc trong 5 ngày lên hơn 1,700 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 1.5% xuống 2,467.41 điểm khi nhóm cổ phiếu công nghệ suy yếu. Chỉ số Nasdaq Composite mất 1.6% còn 6,528.41 điểm, tích tắc rơi vào thị trường con gấu trong bối cảnh cổ phiếu Amazon và Apple giảm mạnh. Nasdaq Composite đã lao dốc 19.7% so với mức đỉnh gần đây.
Vốn hóa thị trường của các công ty thuộc S&P 500 đã mất tổng cộng 2.39 tỷ USD trong tháng này. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, tăng trên mốc 30.
Cả Dow Jones và S&P 500, vốn đang trong khu vực điều chỉnh, đều hướng đến thành quả tháng 12 tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1931, đều sụt hơn 10% từ đầu tháng đến nay. Hiện S&P 500 đang chìm vào sắc đỏ trong năm 2018, mất 7.7%.
Chứng khoán rơi xuống mức đáy trong phiên sau khi Phát ngôn viên Hạ viện, Paul Ryan, tuyên bố Tổng thống Donald Trump sẽ không ký vào giải pháp tài trợ Chính phủ tạm thời. Và kế đó là thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis, từ chức vì bất đồng với ông Trump.
Trước đó trong ngày thứ Tư, Dow Jones xóa sạch đà tăng trong phiên và quay đầu giảm hơn 350 điểm sau quyết định nâng lãi suất của Fed.
Giá dầu trở mình sau đà tụt dốc đêm qua
Bên cạnh đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ trong ngày thứ Năm (20/12), giá dầu cũng lao xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm, nối dài chuỗi bán tháo do lo ngại về tình trạng dư cung.
Đêm qua, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2 trên sàn Nymex mất 2.29 USD (tương đương 4.8%) còn 45.88 USD/thùng, sau khi vọt 3.4% hôm thứ Tư (19/12). Giá dầu giảm sau khi Fed quyết định nâng lãi suất lần thứ 4 trong năm nay vào chiều ngày thứ Tư (19/12). Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 trên sàn Luân Đôn sụt 2.89 USD (tương đương 5.1%) xuống 54.35 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 12/09/2017.
Giá dầu đã nỗ lực hồi phục trở lại trong phiên chiều ngày thứ Sáu (21/12) khi giá dầu Brent tăng 0.7% lên 54.73 USD/thùng và giá dầu WTI tiến 0.94% lên 46.31 USD/thùng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|