Góc nhìn tuần 10-14/12: Tăng điểm nhẹ
Theo dự báo của SHS, trong tuần giao dịch tiếp theo (10-14/12), kịch bản tích cực nhất của VN-Index sẽ là vượt qua ngưỡng 960 điểm để tăng tới khoảng giá 970-990 điểm.
Hạn chế mua đuổi
CTCK Sài Gòn-Hà Nội (SHS): Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có chiều hướng tạm lắng dịu sau phiên họp G20 đã giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam có tuần thứ 3 tăng điểm liên tiếp.
Thanh khoản được cải thiện mạnh mẽ trong tuần và hiện ở gần xấp xỉ với mức trung bình 20 tuần cho thấy dòng tiền đang có sự trở lại thị trường cơ sở sau gần 2 tháng giao dịch ảm đạm. Khối ngoại bán ròng nhẹ trong tuần qua là một điểm trừ nhưng việc mua ròng mạnh 2.6 triệu chứng chỉ quỹ E1VFVN30 lại là một điểm cộng.
Trên thị trường phái sinh, chênh lệch giữa hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 với chỉ số VN30 tiếp tục được nới rộng trong phiên cuối tuần lên -15.5 điểm cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn nghiêng về những nhịp rung lắc có thể sớm xảy ra trong ngắn hạn. Trên góc độ kỹ thuật, ngưỡng 960 điểm (tạo bởi trendline giảm từ tháng 4 và đường MA100 ngày) là kháng cự mạnh và VN-Index đã thất bại trong cả 4 phiên cuối tuần.
Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (10/12-14/12), kịch bản tích cực nhất của VN-Index sẽ là vượt ngưỡng 960 điểm để tăng tới khoảng giá 970-990 điểm tương ứng với gap down giữa phiên 10/10 và 11/10.
SHS duy trì khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục hạn chế mua đuổi trong vùng giá này và nên tích cực quan sát thị trường, có thể cân nhắc chốt lời dần nếu như VN-Index có những nhịp kéo lên trên ngưỡng 960 điểm (theo phân tích kỹ thuật thì target của VN-Index theo mô hình 2 đáy trước đó là khoảng giá 960-980 điểm).
Vùng kháng cự gần 960-965
CTCK Asean (Asean Securities): Phiên giao dịch thứ Sáu (07/12), chỉ số VN-Index có lúc vượt mốc 960 điểm, tuy nhiên, áp lực chốt lời cuối phiên làm thu hẹp đáng kể đà tăng của chỉ số. Trong đó, VNM, GAS, VCB, MSN, PLX, VPB và ROS là những mã vốn hóa lớn tăng điểm, bù đắp cho sự suy yếu của VHM, TCB và EIB.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 3.77 điểm (tăng 0.39%), đóng cửa ở mức 958.59. Thanh khoản HOSE ở mức hơn 190 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 4,300 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (180 mã tăng/107 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ bán ròng hơn 51 tỷ đồng trên HOSE.
Về kỹ thuật, đồ thị VN-Index vượt thành công ngưỡng kháng cự 958.3, tương ứng MA(100), là khá tích cực. Do đó, Asean Securities cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 960-965, đây được xem là vùng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 950-955, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 940-945.
Tăng điểm nhẹ
CTCK Bảo Việt (BVS): Trong tuần tới, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm nhẹ. Chỉ số có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh trong một vài phiên đầu tuần tới, trước khi quay trở lại với xu hướng tăng điểm ngắn hạn.
VN-Index tăng 0.39% lên 958.59 điểm. Đà tăng của thị trường được duy trì trong suốt phiên giao dịch với sự lan tỏa khá tốt ở các nhóm cổ phiếu.
Thanh khoản đạt 152 triệu cổ phiếu, tăng nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình. Độ rộng thị trường tích cực khi số mã tăng chiếm thế áp đảo. Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục có sự lạc quan vào xu hướng thị trường. Dù vậy, áp lực chốt lời có thể sẽ gia tăng trong những phiên đầu tuần tới.
Mặt khác, chỉ số hiện đang bị kẹp giữa 2 đường SMA50 và SMA100. Đồng thời, vùng kháng cự 959-965 điểm vẫn được xem là ngưỡng cản đáng lưu ý đối với chỉ số trong tuần tới.
Do đó, BVS cho rằng, thị trường có thể sẽ cần thêm thời gian dao động tích lũy quanh đường trung bình này, trước khi phát đi những tín hiệu rõ nét hơn về mặt xu hướng trong thời gian tới.
Tỷ trọng danh mục tổng có thể nâng lên mức tối đa 70-75% cổ phiếu trong giai đoạn này. Nhà đầu tư có thể thực hiện các hoạt động bán trading trong các nhịp tăng điểm của thị trường trong tuần tới.
Vùng kháng cự của chỉ số nằm tại 959-965 điểm và 976-991 điểm. Vùng hỗ trợ của chỉ số nằm tại 932-936 điểm và 920-925 điểm.
Tăng tỷ trọng nếu chỉ số vượt cản thành công
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Trong tuần từ 03-07/12, thị trường giao dịch trong biên độ hẹp 3 phiên liên tiếp với thanh khoản cao hơn so với vùng đáy nhưng chưa có sự bứt phá rõ rệt, chỉ số VN-Index chịu áp lực bán mạnh ở các nhịp tăng điểm trong phiên. Trong tình trạng các cổ phiếu vốn hoá lớn trụ cột đều đang ở vùng kháng cự ngắn hạn, đây là một tín hiệu kỹ thuật khá tiêu cực cho thấy có khả năng thị trường đang tiến hành phân phối ngắn hạn.
Nhà đầu tư chỉ nên nắm giữ một tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp hoặc thực hiện cơ cấu lại danh mục theo hướng tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Việc gia tăng tỷ trọng chỉ nên được thực hiện trong kịch bản vượt cản thành công và tại các nhịp điều chỉnh sau đó của thị trường.
Nguyên Ngọc
FILI
|