Chứng khoán tháng 12: Cơ hội không chia đều
Có nhiều tín hiệu kỹ thuật đã xác nhận cho xu hướng phục hồi của thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong các khung thời gian lớn sự điều chỉnh vẫn chi phối. Đặc biệt, rủi ro từ các sự kiện quan trọng quốc tế là hiện hữu nên cơ hội hiện tại không phải dành cho tất cả và mức độ tăng trưởng có sự khác biệt.
Nhiều khả năng phục hồi trong ngắn hạn
Nhận định về thị trường tháng 12, ông Trần Trương Mạnh Hiếu – Trưởng nhóm Phân tích thị trường của CTCK KIS Việt Nam (KIS) cho rằng khả năng thị trường bước vào nhịp hồi phục mới là khá lớn khi VN-Index đã cho thấy một số tín hiệu xác nhận.
Thứ nhất, thị trường nhận được thông tin hỗ trợ tích cực từ việc tạm dừng chiến tranh thương mại. Thứ hai, về mặt kỹ thuật chỉ số đang hình thành vùng đỉnh mới cao hơn sau khi lập đáy cuối tháng 10/2018. Thứ ba, các tín hiệu từ các nhóm chỉ báo đều hàm ý về sự tăng trưởng. Đặc biệt, chỉ số VN-Index đang được hỗ trợ tốt quanh vùng 880-900 điểm. Vùng này đã được kiểm định 2 lần nên có độ tin cậy cao.
Theo ông Hiếu, kháng cự mạnh trong ngắn hạn là ngưỡng tâm lý 1,000 điểm. Trong trường hợp xấu, thị trường có thể đi ngang và tiếp tục giai đoạn tích lũy như trong tháng 11.
Các sự kiện quốc tế sẽ chỉ tác động ngắn hạn tới dòng tiền ngoại
Các yếu tố hiện tại có tác động lớn đến thị trường có thể kể đến là diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, việc Fed nâng lãi suất, cuộc họp của OPEC, khả năng xuất hiện El Nino, xu hướng tỷ giá và lãi suất. Tùy vào diễn biến của các yếu tố này mà tác động tích cực hỗ trợ xu hướng hoặc bất lợi đối với thị trường. Hiện tại, sự tạm ngưng trong chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung là yếu tố hỗ trợ tốt với xu hướng.
Song song đó, đây chỉ là bước đầu cho thấy căng thẳng giữa Mỹ - Trung đã có dấu hiệu dịu bớt, dựa vào tiến triển trong các vòng đàm phán tiếp theo mà diễn biến chiến tranh thương mại có thể kết thúc hoặc kéo dài.
“Dù diễn biến như thế nào thì đây vẫn là yếu tố quan trọng tác động mạnh đến diễn biến thị trường trong thời gian tới”, ông Hiếu nhận xét.
Một sự kiện quốc tế khác Fed có khả năng tiếp tục nâng lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Việc này đã được nhà đầu tư dự báo trước và giá chứng khoán đã phản ánh một phần kỳ vọng này. Do đó, thông tin trên có thể chỉ tác động ngắn hạn, vài phiên với ảnh hưởng không lớn và không làm thay đổi xu hướng hiện tại của thị trường.
Bên cạnh đó, những sự kiện như kỳ đảo danh mục của các quỹ ETF hay cuộc họp OPEC cũng sẽ có tác động mang tính thời điểm và chỉ có tác động ngắn hạn đến diễn biến dòng tiền từ khối ngoại. Về cơ bản Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang phát triển với nhiều tiềm năng trong dài hạn nên dòng vốn quốc tế sẽ còn chảy vào nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Ông Hiếu chỉ ra rằng khối ngoại đang mua ròng 3 tháng liên tục và nếu tính từ đầu năm khối này đã mua ròng hơn 42,000 tỷ đồng trên HOSE. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam trong mắt của giới đầu tư thế giới.
Tập trung vào cổ phiếu dẫn dắt trong ngắn hạn
Với diễn biến hiện tại, ông Hiếu cho rằng ngân hàng và thực phẩm thiết yếu có thể trở thành nhóm dẫn dắt trong tháng 12 và đầu năm 2019. Hai nhóm này hiện đã điều chỉnh về vùng giá khá hấp dẫn. Đồng thời, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm nay có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Có nhiều tín hiệu kỹ thuật đã xác nhận cho xu hướng phục hồi quay lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong các khung thời gian lớn sự điều chỉnh vẫn chi phối. Đặc biệt, vẫn có rủi ro từ các sự kiện quan trọng như cuộc họp của Fed, ETF review danh mục, cuộc họp OPEC và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... nên cơ hội hiện tại không phải dành cho tất cả và mức độ tăng trưởng có sự khác biệt.
Theo đó, ông Hiếu khuyến nghị nhà đầu tư có thể giải ngân để tận dụng nhịp tăng ngắn hạn hiện tại, tập trung vào các cổ phiếu dẫn dắt xu hướng và ưu tiên việc quản trị rủi ro, hạn chế sử dụng margin trong giai đoạn này.
Chí Kiên
FILI
|