Thứ Năm, 13/12/2018 08:58

Chứng khoán - Đạo và đời

Chứng khoán giống như cuộc đời, thị trường giống như một xã hội thu nhỏ, cũng đầy những “hỉ nộ ái ố”. Chứng khoán cũng có thể xem là một tôn giáo ngày càng phổ biến, vì khi chúng ta mua vào một cổ phiếu, chúng ta đều có niềm tin tuyệt đối rằng mình đang sở hữu một phần giá trị doanh nghiệp và có thể kiếm được lợi nhuận trong tương lai.

Vô thường và vô ngã

Cái ngày mà cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) giao dịch gần vùng 30,000 đồng/cp cách đây 4 năm, với hàng loạt dự án nông nghiệp mới, trồng cây cao su được triển khai rầm rộ, cộng thêm một dự án bất động sản đầy tiềm năng ở thủ đô Yangon của Myanmar – đất nước đang bắt đầu giai đoạn mở cửa, chắc không ai nghĩ rằng có lúc cổ phiếu này sẽ chỉ còn quanh quẩn 5,000 đồng/cp như ngày hôm nay.

Hay một ông lớn dầu khí như Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HOSE: PVD) từng một thời đỉnh cao trên 80,000 đồng/cp hồi năm 2014 lại lao dốc chỉ còn quanh 16,000 đồng/cp như hiện nay, diễn biến trái ngược với xu hướng đi lên của thị trường chung trong cùng thời gian. Gần đây hơn, gã khổng lồ sản xuất tôn thép Hoa Sen (HOSE: HSG) chỉ trong vòng hơn 1 năm giá cổ phiếu đã mất đến 75%.

Còn rất nhiều cổ phiếu khác đã bốc hơi phần lớn giá trị dù thị trường đã tăng trưởng khá mạnh trong những năm vừa qua, thậm chí đã có những tên tuổi bị xóa sổ khỏi thị trường. Đáng lưu ý là sự sụt giảm tại nhiều cổ phiếu có thể vì tình hình kinh doanh khó khăn, giá nguyên nhiên liệu đầu vào hoặc sản phẩm đầu ra biến động không như kỳ vọng, nhưng cũng không ít cổ phiếu giảm giá mà nhiều khi chẳng phải do kết quả kinh doanh sút kém hay vì một lý do cụ thể gì. Dĩ nhiên bên cạnh đó vẫn có những cổ phiếu đã tăng giá mạnh mẽ và mang lại lợi nhuận khổng lồ cho không ít nhà đầu tư.

Nói như thế để thấy được tính chất vô thường của thị trường chứng khoán, cũng giống như cuộc đời, “lên voi xuống chó” nào ngờ, “một người về đỉnh cao, một người về vực sâu” chỉ trong tích tắc. Trong giáo lý Phật, vô thường nghĩa là không mãi mãi ở yên trong một trạng thái cố định, luôn luôn thay hình đổi dạng, biến đổi liên tục.

Điều này đặc biệt đúng trên thị trường chứng khoán, khi xu hướng tăng hay giảm không bao giờ duy trì mãi mãi. Mới ngày hôm qua đó mọi thứ còn rất lạc quan, hứng khởi thì hôm nay có thể quay ngoắt 180 độ, có thể do một sự kiện lớn tác động mạnh đến toàn cầu như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hay đơn giản chỉ là một sự vụ vô hại nào đó diễn ra ở “tận đẩu tận đâu” nhưng lại có sức lây lan, tàn phá và gây ra sự hỗn loạn không kém theo “hiệu ứng cánh bướm”.

Tính vô thường vốn được mô tả qua các giai đoạn hình thành, rồi tồn tại, sau đó đến biến đi và cuối cùng là tan rã. Đạo Phật gọi những giai đoạn đó là “thành, trụ, hoại, không” hay “sinh, trụ, dị, diệt”, và trong đời người chính là “sinh, lão, bệnh, tử”. Khái niệm này đem ứng vào hoạt động của một ngành hay một doanh nghiệp cụ thể cũng không hề sai, khi đã có không ít công ty ra đời, phát triển mạnh, niêm yết trên sàn với giá cổ phiếu tăng tốc lên mức cao và sau đó rơi rụng dần, doanh nghiệp bị hủy niêm yết rồi cũng lâm vào cảnh phá sản. Những Dược Viễn Đông (DVD), VSP, PVA hay KSS từng đình đám một thời nay gần như vô giá trị có lẽ là những bài học không bao giờ quên của nhiều nhà đầu tư trên thị trường.

Hiểu được cái vô thường để giúp chúng ta luôn tỉnh táo và bình thản đón nhận mọi thứ, khi thị trường tăng mạnh có lãi lớn hay khi thị trường giảm sốc cũng là điều thường tình, từ đó giữ vững được tâm lý và có những quyết định khôn ngoan, phù hợp nhất theo từng giai đoạn. Nếu nhìn thị trường chứng khoán trong một giai đoạn dài hạn, chúng ta sẽ thấy rằng mọi diễn biến giá luôn lặp lại theo một biểu đồ hình sin đều đặn, do đó xu hướng tăng có thể cũng chính là khởi đầu chuẩn bị cho một xu hướng giảm và ngược lại. Điều tồi tệ nhất đôi khi lại đến giữa lúc mọi thứ đang tốt đẹp nhất là vậy.

Nếu như vô thường giúp chúng ta đủ khôn ngoan để hiểu rõ chu kỳ thay đổi tất yếu của vạn vật, thì vô ngã lại giúp chúng ta đủ sáng suốt để hiểu rõ chính mình. Một cách đơn giản, vô ngã chính là việc từ bỏ cái tôi, cái bản ngã của mình để hòa hợp với mọi sự vật. Nếu đem áp dụng vào thị trường chứng khoán, vô ngã chính là cách mà chúng ta nên từ bỏ những định kiến, đánh giá chủ quan hay niềm tin mù quáng của chính mình, hoặc quá tin tưởng vào những khuyến nghị từ các chuyên gia, tổ chức, các số liệu báo cáo tài chính đôi khi bị xào nấu, mà chỉ đơn giản là nên đi theo xu hướng của thị trường.

Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn với một số lời khuyên kinh nghiệm của những nhà đầu tư tài ba, như Warren Buffet cũng từng nói: “Hãy tham lam khi mọi người sợ hãi và hãy biết sợ hãi khi mọi người tham lam”, tức nên đi ngược lại với xu thế của đám đông. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rõ sâu sắc rằng với những nhà đầu tư “tay to” có tiềm lực mạnh như Buffet, việc tận dụng giá thị trường giảm mạnh hay một doanh nghiệp nào đó đang gặp khó khăn để gom mua cổ phiếu dài hạn, chiếm quyền sở hữu, rồi từ đó tham gia điều hành, tái cấu trúc doanh nghiệp, dựa trên các mối quan hệ làm ăn kinh doanh để giúp doanh nghiệp phục hồi, giá cổ phiếu đi lên trở lại là điều bình thường. Nhưng với những nhà đầu tư nhỏ bé như chúng ta, phương pháp đầu tư như trên có vẻ là bất khả thi, vì tiềm lực tài chính, khả năng quản trị hay các mối quan hệ của chúng ta là không đáng kể.

Do đó, việc chống lại thị trường chưa bao giờ là điều đúng đắn. Chúng ta chỉ cần hiểu đơn giản thế này, dòng tiền như một cơn lũ, khi đã tham gia nhập cuộc hoặc quyết định tháo chạy, thì những nhà đầu tư nhỏ bé như chúng ta với sức lực hữu hạn không thể nào chống lại được cơn lũ, thay vào đó nên linh hoạt hòa vào dòng chảy để tránh bị tổn thương.

Tham, sân, si

Tam độc tham, sân, si là những nguyên nhân gây ra bất hạnh và phiền não, ưu tư cho con người, do đó ai trong đời cũng được khuyên nên kiểm soát, kiềm chế hoặc từ bỏ để có cuộc sống vui vẻ, mạnh khỏe và hạnh phúc hơn, tuy nhiên rất ít ai làm được. Trên thị trường chứng khoán, đây cũng là sai lầm mà nhiều nhà đầu tư thường mắc phải nhất.

Mua vào một cổ phiếu, đặt ra mục tiêu sinh lời 30%, đến khi giá cổ phiếu tăng đến mục tiêu đề ra vẫn không chịu thoát hàng vì tham lam, để rồi sau đó giá cổ phiếu rớt trở lại mất đi cơ hội chốt lời, thậm chí có nguy cơ thua lỗ. Hoặc nhìn thấy một cổ phiếu liên tiếp tăng trần, thanh khoản tăng vọt và biết rõ là có đội lái, nhưng không kiềm chế được lòng tham cũng tham gia đua trần để đầu cơ lướt sóng, cuối cùng hậu quả nhận về là những khoản thiệt hại đắng nghét. Đó chỉ là 2 trong số những chiến lược sai lầm do lòng tham gây ra khi tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.

“Sân” là cơn giận, lòng giận dữ, nóng nảy, thù hận khi không vừa lòng, không được thỏa thích như ý muốn. Khi rơi vào trạng thái “sân”, lời khuyên đúng đắn nhất là đừng nên làm gì mà cần tranh thủ thời gian để bình tâm trở lại. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư chứng khoán khi chứng kiến khoản đầu tư đang thua lỗ, vì không muốn thừa nhận mình đã nhận định, đánh giá sai, vẫn tiếp tục ngoan cố mua vào để bình quân giá xuống, hệ quả là lỗ càng lỗ thêm.

Hoặc khi thấy thị trường, cổ phiếu tăng giá mạnh mà chưa mua kịp, càng trở nên sốt ruột và tức giận nên tham gia đua trần bằng mọi giá, đây còn được biết đến với hiệu ứng FOMO (Fear of Missing Out - nỗi sợ bị bỏ lại), trong khi khả năng giá có thể còn điều chỉnh giảm trở lại, lấp gap và có được điểm mua tốt hơn. Thậm chí đã có không ít tình huống hài hước là nhiều nhà đầu tư trong cơn nóng giận, sốt ruột đã vô tình đặt nhầm lệnh mua thành lệnh bán hay ngược lại.

“Si” là si mê, vô minh, ngu tối. Người vô minh không sáng suốt, không suy xét hiểu biết đúng lẽ phải, đúng sự thật để phán đoán việc hay dở, tốt xấu, lợi hại,… Nhiều người mua cổ phiếu chỉ đơn giản là mua vì được phím, mua theo tin đồn hoặc thậm chí không vì bất kỳ lý do gì, chỉ đơn giản là thấy thích cổ phiếu, doanh nghiệp, lãnh đạo công ty đó. Thậm chí nhiều nhà đầu tư vì quá si mê, trung thành với một mã cổ phiếu nào đó mà cứ chăm chăm nắm giữ suốt năm này qua năm khác, lãi không chốt, lỗ không cắt khiến biết bao cơ hội đầu tư hấp dẫn khác bị trôi qua.

Hoặc có những nhà đầu tư chứng khoán mà cứ như đánh bạc, nhảy ra nhảy vào như chong chóng và cầu mong may rủi. Không ít người vì tham lam mua ngay đỉnh, hoặc do yếu bóng vía, thiếu kiên nhẫn bán đúng đáy. Rõ ràng những quyết định sai lầm như trên là do không kiềm chế được cảm xúc của mình, cũng như không biết rõ giá trị doanh nghiệp mà mình đầu tư, tức rơi vào trạng thái vô minh.

Từ bi hỉ xả - Đạo và đời

Chứng khoán giống như cuộc đời, thị trường giống như một xã hội thu nhỏ, cũng đầy những “hỉ nộ ái ố”. Chúng ta cứ lên thử những diễn đàn dành cho giới đầu tư chứng khoán trao đổi, chia sẻ thông tin sẽ thấy rõ nhất điều này. Khi mua vào một cổ phiếu, cố gắng bơm tin, nói tốt về doanh nghiệp, lôi kéo nhiều người mua theo, hả hê khi cổ phiếu tăng, chửi rủa khi cổ phiếu giảm hoặc chê bai khi có ai đó đưa ra một góc nhìn khác về hoạt động, triển vọng của doanh nghiệp hay giá cổ phiếu mình đang nắm giữ.

Đến lúc bán ra chốt lời hoặc phải cắt lỗ, thì lại dìm hàng cổ phiếu, ném những lời nhận định tiêu cực, bi quan, dọa dẫm vào những người còn ở trên “tàu”, thường là sai sự thật nhằm mục đích muốn cổ phiếu giảm giá trở lại để ăn thêm lần nữa. Khi mọi việc không như ý thì tức tối, càng cố tình đưa ra những thông tin trái sự thật, hoặc thông tin chỉ có một nửa là sự thật.

Nhiều người vì muốn kiếm lợi nhuận đã không ngần ngại đưa ra các tin đồn, gây rối loạn thị trường, có khi còn được sự tiếp tay của cổ đông nội bộ, quản lý, lãnh đạo của công ty. Thậm chí có những trường hợp tạo ra những doanh nghiệp vỏ bọc rồi đưa lên sàn bán cho nhà đầu tư thu lợi, mà cổ phiếu CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung (MTM) gần đây là ví dụ mới nhất.

Để có thể đầu tư chứng khoán không chỉ kiếm lợi nhuận mà còn được tận hưởng cảm xúc vui vẻ, ý nghĩa chiến thắng, có lẽ chúng ta nên hiểu thêm về tứ vô lượng tâm “từ bi hỉ xả” của nhà Phật. “Từ” là luôn giúp ích cho người khác, khi thấy một mã cổ phiếu thật sự tiềm năng thì chia sẻ cơ hội đầu tư cho nhiều người để ai cũng có thể kiếm lợi nhuận, mà cũng giúp mã cổ phiếu mình đầu tư có cơ hội tăng giá tốt hơn. “Bi” là lòng thương xót cứu khổ, khi đã thoát thị trường kịp lúc thì cũng đừng lấy làm hả hê, chê cười, ném đá những người còn mắc kẹt trên tàu.

“Hỷ” là vui cho mình mà cũng vui mừng giùm cho người khác, khi thấy ai cũng đầu tư có lời thì chúc mừng, học hỏi, chia sẻ niềm vui với họ chứ đừng nên ghen ghét, phá hoại, gièm pha. Và cuối cùng “xả” là bỏ đi, không chấp, không ghi giữ trong lòng, một phi vụ đầu tư nếu thất bại cũng xem đó là bài học kinh nghiệm, đừng cứ mãi nuối tiếc hay trút giận lên người khác. Mỗi người đã lớn để tự chịu trách nhiệm cho những quyết định đầu tư của chính mình.

Làm được như vậy thì chúng ta sẽ ngày càng gia tăng được các mối quan hệ, có thông tin chia sẻ cũng như luôn bình tâm để có các quyết định chính xác khi tham gia vào thị trường chứng khoán. Trong tác phẩm nổi tiếng gần đây là Sapien: Lược sử về loài người của Yuval Harari, ông này cho rằng nếu tôn giáo là nơi thể hiện niềm tin tuyệt đối của mọi người về một điều gì đó, thì tiền bạc chính là một tôn giáo thành công nhất trong lịch sử được tạo ra, vì tất cả mọi người trên thế giới hiện nay đều tin vào giá trị của đồng tiền, bất kỳ dưới hình thức nào, loại tiền tệ nào và đều chấp nhận sử dụng chúng để tích lũy và trao đổi mọi thứ.

Nếu hiểu như vậy, chứng khoán cũng có thể xem là một tôn giáo ngày càng phổ biến, vì khi chúng ta tham gia thị trường chứng khoán, mua vào một cổ phiếu, chỉ là một tờ giấy hoặc một ghi nhận điện tử không hơn không kém, nhưng chúng ta đều có niềm tin tuyệt đối rằng mình đang sở hữu một phần giá trị doanh nghiệp và có thể kiếm được lợi nhuận trong tương lai. Và là một tôn giáo thì ít nhất phải có những giáo lý cơ sở, nên với những nhà đầu tư, việc ứng dụng những triết lý sẵn có của đạo Phật vào chiến lược, quyết định đầu tư của mình có thể là một lựa chọn khả dĩ.

An Nhiên

FILI

Các tin tức khác

>   Quan trọng vẫn là tuân thủ kỷ luật (12/12/2018)

>   Những cuộc đi săn không hồi kết! (07/12/2018)

>   Hành trình của một tay ngang (11/12/2018)

>   “Bẫy” giá trị sổ sách (13/12/2018)

>   "Chơi" chứng khoán - môn thể thao trí tuệ (10/12/2018)

>   Nên làm gì khi thị trường chứng khoán tăng mạnh? (04/12/2018)

>   Thế hệ 9x và quan điểm về đầu tư chứng khoán (04/12/2018)

>   Kịch bản của các “tay to” và bài học kinh nghiệm (06/12/2018)

>   TTCK: Nơi những bài học chóng quên (05/12/2018)

>   Startup trên thị trường chứng khoán (03/12/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật