Thứ Sáu, 21/12/2018 12:12

Chính sách TTCK năm 2018 (Kỳ 2): Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi với nhiều điểm mới

Một điểm nổi bật về chính sách trong năm 2018 là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai tiến hành lấy ý kiến Luật Chứng khoán sửa đổi. Bên cạnh đó, nhiều chính sách khác đã được thực hiện trên thị trường chứng khoán.

Góp ý Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi

Trong tháng 10/2018, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố nhằm lấy ý kiến đóng góp.

Dự thảo trình Chính phủ của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) bao gồm 10 chương và 137 điều, trong đó, tập trung sửa đổi ở một số vấn đề cơ bản như nâng điều kiện để trở thành công ty đại chúng, làm rõ điều kiện chào bán lần đầu ra công chúng và chào bán thêm ra công chúng; bổ sung đối tượng công bố thông tin; tăng mức phạt trong trường hợp vi phạm hành chính.

Về mặt cải cách hành chính, Dự thảo có các nội dung như sử đổi mô hình tổ chức của Sở Giao dịch Chứng khoán (hình thức công ty TNHH hoặc CTCP); đổi tên Trung tâm Lưu ký Chứng khoán hay quy định về việc thành lập Quỹ Bảo vệ Nhà đầu tư.

Nhìn chung, việc xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK. Trong đó, lợi ích của nhà đầu tư trên thị trường được chú trọng.

Sau khi công bố, Dự thảo đã nhận được nhiều đóng góp từ các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán. Tại hai cuộc Hội thảo đóng góp lấy ý kiến tại khu vực phía Bắc và phía Nam, các doanh nghiệp yết, công ty chứng khoán cùng các quỹ đầu tư đã có nhiều tham luận, góp ý đối với Dự thảo.

Nhiều ý kiến tham luận được đưa ra về một số quy định như mua cổ phiếu quỹ giảm vốn điều lệ, quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp hay quy định về công bố thông tin của người có liên quan.

Theo dự kiến kế hoạch, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội cho ý kiến vào quý 2/2019; và trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua vào quý 4/2019.

Đấu giá theo phương thức dựng sổ

Ngày 07/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố thông tin lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn Nhà nước theo phương thức dựng sổ.

Dự thảo gồm 36 điều hướng dẫn về trình tự, thủ tục của hoạt động bán cổ phần lần đầu của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Chính phủ về chuyển nhượng vốn doanh nghiệp Nhà nước và công ty TNHH Một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành CTCP theo phương thức dựng sổ; Chuyển nhượng vốn cổ phần của Nhà nước, của doanh nghiệp Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác theo phương thức dựng sổ.

Phương pháp dựng sổ là quá trình mà qua đó nhà bảo lãnh phát hành chính cố gắng xác định mức giá chào bán chứng khoán dựa trên nhu cầu của các nhà đầu tư tổ chức. Một công ty bảo lãnh phát hành chính dựng sổ dựa trên nhu cầu bằng cách nhận lệnh từ các công ty quản lý quỹ đầu tư, xác định số lượng cổ phần họ mong muốn và mức giá họ sẵn sàng trả.

Phương pháp này được cho là sẽ khắc phục được tình trạng cổ phiếu doanh nghiệp mang ra chào bán bị định giá quá cao. Việc định giá cổ phiếu với giá khởi điểm quá cao như hiện nay khiến nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu nghi ngờ và trong nhiều trường hợp, số lượng cổ phiếu đăng ký không đạt số lượng cổ phiếu bán ra.

Đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán

Ngày 07/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính (Nghị định) và có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Trong đó, nhóm điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán được cắt giảm, đơn giản hóa nhiều nhất. Điển hình là giảm điều kiện về mức vốn điều lệ tối thiểu đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán từ 100 tỷ đồng xuống 50 tỷ đồng. Bãi bỏ điều kiện tổ chức tham gia góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán không có lỗ lũy kế. Đồng thời, điều kiện đối với công ty chứng khoán thực hiện giao dịch ký quỹ cũng được nới ra.

Tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu của hợp đồng tương lai chỉ số VN30

Chính thức đi vào hoạt động kể từ 10/08/2017, thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) đã đạt được những kết quả khả quan về quy mô giao dịch cũng như sự quan tâm của công chúng đầu tư.

Ngày 13/07/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận điều chỉnh tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 từ mức 10% lên 13% với hiệu lực áp dụng kể từ ngày 18/07/2018. Tỷ lệ ký quỹ ban đầu tại VSD tăng lên, các CTCK cũng theo đó tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với sản phẩm phái sinh của công ty mình.

Kéo dài thời gian giao dịch trên HNX

Ngày 12/10/2018, Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã ký Quyết định số 655/QĐ-SGDHN về thời gian giao dịch chứng khoán niêm yết. Theo đó, ngoài phiên khớp lệnh liên tục và phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như hiện tại, HNX có thêm thời gian khớp lệnh sau giờ, từ 14h45-15h00. Theo đó, kể từ 05/11/2018, nhà đầu tư giao dịch trên sàn HNX sẽ có thêm 15 phút khớp lệnh sau giờ, từ 14h45-15h00.

Việc nới thêm thời gian giao dịch trên HNX được đánh giá sẽ tạo thêm thuận lợi cho nhà đầu tư. Có thể việc nới thời gian giao dịch là định hướng của cơ quan quản lý nhằm tiếp cận sát hơn với chuẩn mực của các thị trường chứng khoán phát triển, từ đó, nhắm tới mục tiêu nâng hạng thị trường Việt Nam. Mặt khác, thời gian giao dịch được nới rộng ra có thể sẽ giúp thị trường Việt Nam bớt lệch pha với một số thị trường lân cận hơn.

Về phía nhà đầu tư, có ý kiến cho rằng việc tăng thời lượng giao dịch là tích cực nhưng đi kèm với đó thì yếu tố chất lượng hàng hóa trên thị trường cũng phải được chú trọng vì đối với nhà đầu tư, đây mới là điểm chính yếu.

* Chính sách TTCK 2018 (Kỳ 1): Những điều còn dang dở

Chí Kiên

FILI

Các tin tức khác

>   Chính sách TTCK 2018 (Kỳ 1): Những điều còn dang dở (18/12/2018)

>   HOSE: Quy chế thành viên giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (13/12/2018)

>   MSH: Quyết định của HĐQT về ban hành Quy chế công bố thông tin (13/12/2018)

>   Quỹ bảo vệ nhà đầu tư sẽ tạo thêm lòng tin trên thị trường (10/12/2018)

>   Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12 (01/12/2018)

>   Có thực sự cần thiết thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư? (29/11/2018)

>   CBS: Quy chế nội bộ về quản trị công ty (21/11/2018)

>   Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho nhà đầu tư? (14/11/2018)

>   Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán: Doanh nghiệp đang khúc mắc ở điểm nào? (14/11/2018)

>   Nghị định 151: Nhóm điều kiện kinh doanh chứng khoán được cắt giảm nhiều nhất (13/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật