Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho nhà đầu tư?
Trong Dự thảo Luật chứng khoán, quy định về thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán đã được bổ sung vào. Tại Hội thảo đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Chứng khoán khu vực phía Nam, tổ chức ngày 14/11/2018, vấn đề này cũng dấy lên nhiều sự quan tâm của đơn vị tham gia đóng góp.
* Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán: Doanh nghiệp đang khúc mắc ở điểm nào?
Việc thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư là một trong những vấn đề thu hút nhiều chú ý tại Hội thảo.
|
Theo các điều khoản trong Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán hình thành từ sự đóng góp của các công ty chứng khoán (CTCK) là thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán để hoàn trả một phần cho nhà đầu tư trong trường hợp công ty chứng khoán mất khả năng hoàn trả tài sản của nhà đầu tư đã nhận quản lý hoặc phá sản. Hình thức đóng góp, mức đóng góp, phương thức hoàn trả, phương thức quản lý quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán do Sở Giao dịch Chứng khoán quản lý và phải được tách bạch với tài sản của Sở Giao dịch Chứng khoán.
Công ty Quản lý quỹ Manulife cho rằng Quỹ bảo vệ nhà đầu tư là một ý tưởng tốt đẹp, tuy nhiên việc góp thành một quỹ chung do Sở Giao dịch Chứng khoán quản lý có thể làm cho việc quản lý và thực thi trở nên phức tạp, chồng chéo.
Ngoài ra, việc đóng góp quỹ này sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho công ty chứng khoán (hoặc cho bản thân nhà đầu tư nếu các công ty chứng khoán tính thêm phí bảo vệ cho khách hàng). Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty, hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư. Do vậy, Quản lý quỹ Manulife nghĩ rằng nên có cơ chế quản lý minh bạch, rõ ràng trước khi thực hiện để đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư và tạo được sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán.
Đại diện của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng đưa ra thắc mắc rằng các mức đóng góp của các CTCK vào quỹ này bao nhiêu là hợp lý vì nếu đóng góp ít thì không đủ mà đóng góp quá nhiều thì chi phí của các CTCK sẽ tăng lên dẫn tới phí thu từ nhà đầu tư chứng khoán sẽ phải tăng thêm. Mặt khác, trong trường hợp xảy ra sự cố thì mức bồi thường cho nhà đầu tư là bao nhiêu?
Trong phần trao đổi tại Hội thảo, đại diện của Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán cho biết, sau cuộc khủng hoảng 2008, nhiều công ty chứng khoán sụp đổ như CTCK Tràng An, SME. Đến nay, nhiều nhà đầu tư còn chưa lấy lại được tài sản từ sự đổ vỡ này. Hiện tượng này ít nhiều có tác động tới niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường. Trong khi, niềm tin của nhà đầu tư là yếu tố tối quan trọng đối với sự phát triển của thị trường. Do đó, cần có cơ chế để hỗ trợ việc này.
Vị này cũng dẫn ra rằng ở các thị trường xung quanh đều có định chế là Quỹ bảo vệ nhà đầu tư nhằm giúp lớp bảo vệ thêm cho nhà đầu tư bên cạnh việc tách bạch tài sản. Khi CTCK không thể chi trả cho nhà đầu tư thì quỹ sẽ thực hiện chi trả để giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Quỹ này cũng sẽ thay mặt nhà đầu tư thực hiện kiện tụng thu hồi tài sản giúp nhà đầu tư.
Đối với cơ chế đóng góp, đại diện Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán cho biết Vụ đang gấp rút nghiên cứu và đưa ra đề xuất cụ thể về cơ chế quản lý của quỹ. Các nội dung này sẽ được chỉ rõ hơn ở văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Chứng khoán.
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sau khi quỹ được thành lập thì mức đóng quỹ và đơn vị quản lý quỹ sẽ được xem xét kỹ càng hơn. Việc giao Quỹ này cho Sở Giao dịch Chứng khoán là hợp lý nhất, song, cơ chế chi trả là hoàn toàn do Luật quy định (hoặc các văn bản hướng dẫn thực hiện).
Chí Kiên
FILI
|