Từ năm 2019, chứng khoán Việt Nam sẽ được giám sát chặt chẽ hơn?
Ngày 05/11/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký Biên bản triển khai Dự án “Tăng cường năng lực nâng cao tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam”.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN và Ông Konaga Tetsuo, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam ký biên bản.
|
Dự án Hợp tác kỹ thuật này nhằm tăng cường năng lực của UBCKNN và 2 Sở GDCK Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh trong hoạt động giám sát thị trường và các trung gian thị trường, quản lý hoạt động niêm yết và phát hành cổ phiếu, đồng thời tăng cường nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp về bảo vệ nhà đầu tư.
Trong khuôn khổ Dự án, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản sẽ hỗ trợ UBCKNN và 2 Sở GDCK rà soát khuôn khổ quản lý giám sát, cung cấp tư vấn, triển khai các hoạt động nâng cao năng lực, cập nhật các hướng dẫn/sổ tay hoạt động nội bộ, và sửa đổi khung pháp lý liên quan. Dự kiến, dự án sẽ bắt đầu vào đầu năm 2019 và được triển khai trong 3 năm.
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN cho biết, TTCK Việt Nam phát triển tương đối nhanh nhưng khả năng quản lý, tính công khai minh bạch và năng lực quản trị của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đang gặp một số khó khăn. Chính vì thế thông qua dự án này sẽ giúp tăng cường năng lực quản lý, thanh tra giám sát của UBCK và các Sở GDCK cho sự phát triển của TTCK trong thời gian tới, đồng thời tạo lòng tin đối với các nhà đầu tư Nhật Bản khi đầu tư vào TTCK Việt Nam.
Ông Konaga Tetsuo - Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho rằng, với sự phát triển của TTCK Việt Nam gần đây, thị trường có khả năng thu hút được nhiều nhà đầu tư, đáp ứng được nhu cầu huy động vốn càng ngày càng tăng cao. Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao tính công bằng, minh bạch và hiệu quả của thị trường, do đó ông cũng kì vọng, thông qua Dự án tăng cường năng lực nâng cao tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam, cả hai bên sẽ hướng tới nâng cao hơn nữa năng lực quản lý của UBCKNN và hai Sở Giao dịch trong việc giám sát thị trường, giám sát các trung gian thị trường, quản lý công tác niêm yết, phát hành cũng như tăng cường nhận thức về bảo vệ nhà đầu tư. Điều này cũng phù hợp với chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển thị trường đến năm 2020. Ông mong rằng hai bên sẽ có sự phối hợp hài hòa để đạt được mục đích cuối cùng là nâng cao tính công bằng, minh bạch và hiệu quả cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thái Hương
Fili
|