Chính sách TTCK 2018 (Kỳ 1): Những điều còn dang dở
Không chỉ những chính sách được đưa ra từ những năm trước, đâu đó vẫn còn một vài chính sách được đề xuất trong năm 2018 nhưng vẫn chưa được thực hiện hay đang trong quá trình thực hiện.
Hợp nhất 2 Sở giao dịch
Để bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động, hiệu quả trong việc nâng cao năng lực quản trị và thu hút vốn từ các thành viên thị trường, chủ trương hợp nhất hai Sở Giao dịch Chứng khoán (SGCK) hiện tại để thành lập một SGDCK duy nhất tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 18/7/2018, báo cáo tại Hội nghị Sơ kết công tác tài chính ngân sách 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết đã trình Chính phủ cho ý kiến về đề án hợp nhất 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Song, cho đến nay, khi năm 2018 khép lại thì việc hợp nhất hai Sở vẫn chưa thể thực hiện.
Chứng quyền có đảm bảo: Nhiều lần lỡ hẹn
Ngày 26/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ 01/09/2015, trong đó đã bổ sung thêm định nghĩa về sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm (CW) và các điều kiện để trở thành tổ chức phát hành chứng quyền, tạo dựng hành lang pháp lý cho việc phát hành và giao dịch chứng quyền tại Việt Nam. Sang năm 2016, Bộ Tài chính ban hành thông tư số 107/2016/TT-BTC Hướng dẫn chào bán và giao dịch Chứng quyền có bảo đảm vào ngày 29/06/2016 và có hiệu lực vào ngày 01/01/2017.
Sản phẩm này được dự kiến ra mắt vào tháng 7/2017. Sau đó, lại có thông tin dự kiến chậm nhất trong tháng 9/2017 thì sản phẩm CW đầu tiên sẽ chính thức niêm yết và giao dịch trên HOSE. Tuy nhiên, HOSE hoãn lịch trình này.
Đến đầu năm 2018, theo thông tin từ HOSE, dự kiến sẽ chính thức “chạy” sản phẩm mới CW vào cuối tháng 3/2018. Song, tới cuối tháng 11/2018, sản phẩm này vẫn chưa xuất hiện trên thị trường, đồng thời, chưa có thêm thông tin về việc chính thức ra mắt sản phẩm này.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 và chương trình công tác 6 tháng cuối năm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã có chỉ đạo UBCKNN tiếp tục cùng với HOSE và VSD hoàn thiện để sẵn sàng đưa sản phẩm vào giao dịch.
Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết sẽ sẵn sàng triển khai cung cấp dịch vụ cho sản phẩm CW theo lộ trình chỉ đạo của UBCKNN.
Câu chuyện siết margin còn bỏ ngỏ
Theo nội dung gửi các công ty chứng khoán (CTCK), ngày 12/01/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho rằng, trước diễn biến thị trường chứng khoán thời gian qua có sự tăng trưởng mạnh về chỉ số và quy mô giao dịch, UBCK dự kiến đưa tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với hoạt động giao dịch ký quỹ trở về tỷ lệ ký quỹ đã áp dụng trước đây: do công ty chứng khoán quy định nhưng không được thấp hơn 60%.
Dự thảo mới đồng nghĩa với việc siết dòng vốn cho vay margin so theo quy chế giao dịch ký quỹ tại Quyết định 87/QĐ-UBCK, tỷ lệ ký quỹ ban đầu do công ty chứng khoán quy định nhưng không được thấp hơn 50%. Còn tỷ lệ ký quỹ duy trì do công ty chứng khoán quy định nhưng không được thấp hơn 30%.
Quy định về giao dịch ký quỹ bắt đầu được chính thức ban hành và áp dụng từ năm 2011 bằng Quyết định số 637/QĐ-UBCK với tỷ lệ ký quỹ ban đầu là 60%. Sau một thời gian áp dụng, nhằm hỗ trợ thanh khoản, tăng cầu cho thị trường, đầu năm 2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh giảm tỷ lệ ký quỹ ban đầu xuống 50%. Sau thời gian dài áp dụng, tới cuối năm 2017 đầu năm 2018, thanh khoản thị trường có sự cải thiện mạnh đạt bình quân 5,000 tỷ đồng/phiên. Đặc biệt những ngày đầu năm 2018, thanh khoản liên tục tăng mạnh, có ngày giao dịch đạt trên 10,000 tỷ đồng. Nhận thấy mục tiêu điều chỉnh giảm tỷ lệ ký quỹ đã đặt được, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đồng thời, để hỗ trợ sự tăng trưởng bền vững của thị trường chứng khoán, tăng cường vị thế quản trị rủi ro cho các công ty chứng khoán, Ủy ban xét thấy cần điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ ban đầu trở lại mức 60% như trước.
Tuy vậy, tới cuối tháng 11/2018, việc siết margin vẫn chưa được áp dụng trên thị trường.
Chí Kiên
FILI
|