SCIC cùng hơn 41.000 tỉ đồng về "siêu ủy ban" quản lý vốn
Bộ Tài chính đã bàn giao Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với tổng tài sản tính đến cuối quý II/2018 hơn 41.000 tỉ đồng về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngày 12-11, Bộ Tài chính đã bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN - Ủy ban).
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong hơn 12 năm hoạt động, SCIC đã đạt được nhiều kết quả, trong đó hình thành một tổ chức kinh tế để triển khai đổi mới phương thức quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại DN theo mô hình DN.
SCIC chính thức chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
|
SCIC đã trở thành công cụ hữu hiệu của Chính phủ để tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa và cơ cấu lại vốn nhà nước. Đồng thời là một trong những tổng công ty đi đầu với công tác tổ chức thoái vốn chuyên nghiệp và đạt hiệu quả cao tại các DN trong danh mục nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tin tưởng khi chuyển về Ủy ban, SCIC sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước.
Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đánh giá trong số 19 DN chuyển giao về Ủy ban, SCIC là đơn vị có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quản lý, sử dụng và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại DN.
"Sau khi tiếp nhận SCIC, Uỷ ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chỉ đạo SCIC tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng được vị trí, vai trò và nhiệm vụ được giao"- ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hoàng Anh, trước thời điểm bàn giao, các công việc liên quan giữa hai cơ quan đã được làm rõ, trên tinh thần đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, tuân thủ các quy định hiện hành. Hai cơ quan xác định cơ chế phối hợp để tiếp tục chỉ đạo và quản lý DN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2018, thực hiện sắp xếp đổi mới DN theo phương án đã được phê duyệt.
Nội dung bàn giao ngày 12-11 bao gồm các tài liệu pháp lý của DN như: Quyết định thành lập DN; điều lệ tổ chức và hoạt động; quyết định phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm của DN; quyết định phê duyệt quy chế tài chính, vốn điều lệ; quyết định bổ nhiệm các chức danh; báo cáo tài chính hợp nhất.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2018, vốn điều lệ của SCIC được phê duyệt theo nghị định của Chính phủ là 50.000 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư đã góp tính đến ngày 30-6-2018 là hơn 22.000 tỉ đồng. Tổng tài sản của SCIC đến cuối quý II/2018 đạt hơn 41.000 tỉ đồng.
|
Tin-ảnh: Minh Chiến
Người Lao động
|