Việt Nam chính thức thông qua CPTPP
Với tỉ lệ 96,7% đại biểu tán thành, chiều 12-11 Quốc hội đã chính thức thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Kết quả biểu quyết CPTPP chiều 12-11 - Ảnh: B.D.
|
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định nước ta chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó với tác động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do khác.
Đã lấy ý kiến các nhóm đối tượng dễ tổn thương
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Hiệp định CPTPP kế thừa các nội dung của Hiệp định TPP trước đây, đã được chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, đã qua 8 năm đàm phán. Đến thời điểm hiện tại, đã có 6 nước phê chuẩn thông qua và hiệp định đủ điều kiện có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày 30-10-2018.
"Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại kỳ họp lần này là thời điểm phù hợp, thể hiện cam kết chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực và thế giới", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định.
Trước đó, trong hồ sơ trình và báo cáo thuyết minh, Chính phủ cho biết đã đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP toàn diện về chính trị, an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại, kinh tế, xã hội.
Trong quá trình đàm phán hiệp định, bằng các hình thức khác nhau, Chính phủ đã lấy ý kiến rộng rãi các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp; các bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo để cung cấp thông tin và tiếp thu ý kiến góp ý từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Sau khi kết thúc đàm phán, Chính phủ đã chủ động nghiên cứu, đánh giá định lượng về tác động của hiệp định đối với các chỉ số kinh tế cơ bản và tổng quát. Ngay sau khi ký kết Hiệp định CPTPP, Chính phủ chỉ đạo đăng tải nội dung của hiệp định trên cổng thông tin của Bộ Công thương.
Dự thảo nghị quyết phê chuẩn hiệp định của Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hiệp định và theo khoản 3 Điều 77 Luật điều ước quốc tế năm 2016, Chính phủ báo cáo Quốc hội hằng năm về tình hình thực hiện các điều ước quốc tế.
Tổ chức của người lao động không được xâm hại an ninh quốc gia
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có một số ý kiến liên quan việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Chính phủ, các quốc gia thành viên CPTPP đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi các tiêu chuẩn lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, trong đó có việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Các tổ chức này phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật của nước sở tại, phải đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ, mục đích và điều lệ hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo Chính phủ, việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh hệ thống của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có thể tạo ra một số thách thức, đồng thời là cơ hội, động lực cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đổi mới mạnh mẽ hơn.
THÁI BÁ DŨNG
TUỔI TRẺ
|