NÓI THẲNG: Số phận BOT Cai Lậy treo đến bao giờ?
Thủ tướng Chính phủ một lần nữa lại phải lên tiếng, chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải rốt ráo có phương án xử lý trạm thu phí BOT Cai Lậy bị "treo" suốt 1 năm qua.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) có thể nói là trạm thu phí BOT đạt nhiều kỷ lục nhất trong tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc từ trước tới nay: bị phản đối nhiều nhất; thời gian thực thu ngắn nhất; thời gian tạm ngưng thu phí lâu nhất; tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất; nhiều ý kiến tranh luận nhất và nhiều cuộc họp bàn về "số phận" nhất…
Chính thức thu phí từ 1-8-2017, chỉ sau vài ngày, trạm thu phí BOT Cai Lậy đã phải liên tục xả trạm, tái thu rồi xả trạm. Và, phải tạm dừng thu phí hẳn từ đầu tháng 12-2017 cho tới thời điểm này đã là 1 năm.
Trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ vào ngày 10-11-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải làm việc với địa phương để nhanh chóng thống nhất phương án thu phí, tránh ảnh hưởng dây chuyền đến các dự án khác.
Hiện tại, phương án được Bộ Giao thông Vận tải cho là tối ưu chính là giảm tiếp giá vé cho tất cả các loại phương tiện và mở rộng địa bàn được miễn thu phí xung quanh vị trí đặt trạm. Còn với phương án dùng ngân sách mua lại trạm thì không khả thi, hoặc phương án lập thêm trạm để thu riêng cho 2 hạng mục tuyến tránh và cải tạo quốc lộ cũng không khả dụng, do kéo dài thời gian thu phí cũng như vấp phải sự phản đối từ phía chủ đầu tư.
Suy cho cùng thì cả 3 phía Nhà nước, chủ đầu tư và chủ phương tiện đều cùng vì mục đích: Không ai muốn mình là người bị thiệt. Nhưng đứng trước khái niệm về người bị thiệt hại ở đây, thì chủ đầu tư là một đối tượng cụ thể, người có phương tiện tham gia lưu thông bị thu phí cũng là một đối tượng cụ thể, còn Nhà nước lại là một đối tượng không cụ thể mà bao gồm tất cả.
Nhà nước theo quy định trong Hiến Pháp là đại diện cho dân, của dân, do dân và vì dân. Hay nói cách khác, ngân sách nhà nước cũng là của dân đóng góp dù là cá nhân hay tập thể. Nên quan điểm mà Bộ Giao thông Vận tải cho rằng không thể mua lại dự án do không đủ ngân sách, là quan điểm dễ vấp phải sự phản đối nhất. Vì suy cho cùng, số tiền đó rồi cuối cùng cũng là người dân đóng góp vào để bù đắp.
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng nếu mua lại trạm thu phí BOT Cai Lậy sẽ trở thành tiền lệ, sau này trạm thu phí BOT nào bị phản đối cũng phải mua lại, mua trạm này thì phải mua trạm khác... Nhưng sao bộ chủ quản không tính tới một tiền lệ khác còn nguy hiểm hơn, đó là mặc sức làm sai, làm ẩu rồi sẽ có… Nhà nước lo!
Đến thời điểm hiện tại, thì về phía Nhà nước, những cá nhân có liên quan gián tiếp hay trực tiếp vẫn chưa một ai bị xử lý, mà toàn là nhận trách nhiệm chung. Vẫn an toàn, tại vị.
Và tới thời điểm này, người dân đang tự đặt câu hỏi tại sao vụ việc bị kéo dài một cách bất thường như vậy? Bởi vì, 1 năm tạm ngưng thu phí, số thiệt hại về phía chủ đầu tư sẽ tính cho ai? Hay là tính toán lại và kéo dài thêm thời gian thu phí, để cuối cùng người nhận hậu quả vẫn là các chủ phương tiện. Trước đó, chất lượng của dự án này đã được báo chí phản ánh là có vấn đề, vậy sau 1 năm gián đoạn không được duy tu, sửa chữa thì giờ có phải tiếp tục hoàn thiện nốt rồi mới tiếp tục thu phí lại hay cứ vừa thu, vừa sửa?
Hy vọng rằng, sau cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải với chính quyền địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sẽ sớm có câu trả lời dứt khoát và thống nhất về số phận của trạm thu phí BOT Cai Lậy, để sớm ổn định tình hình an ninh, trật tự địa phương, cũng như đáp ứng được nguyện vọng của cả 2 bên: Chủ đầu tư và người sử dụng dịch vụ BOT.
Và, cũng chỉ khi có một kết quả tốt đẹp nhất, hài hòa lợi ích giữa các bên, thì mới là tạo ra một tiền lệ tốt đẹp cho các dự án BOT giao thông trong tương lai.
Đoàn Quang Huy
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|