Nhịp đập Thị trường 13/11: Ảm đạm tới cuối phiên
Ngoại trừ dấu hiệu tích cực từ thanh khoản và đà tăng của cổ phiếu thủy sản, dệt may, phiên chiều ngày 13/11 không ghi nhận biến động nào đáng kể.
Thị trường chứng khoán Việt Nam kết phiên chiều ảm đạm với kết quả không có gì đột biến. VN-Index giảm 12.74 điểm về mức 905.38, HNX-Index giảm nhẹ 0.9 điểm về 102.47.
Nhóm vốn hóa lớn không có nhiều biến động trong phiên hôm nay, trừ trường hợp đảo chiều của SAB, hầu hết đều chìm trong sắc đỏ từ đầu phiên.
Nhóm ngân hàng và dầu khí không cho thấy diễn biến khả quan nào trong phiên. Trong khi đó, phần lớn cổ phiếu thủy sản và dệt may đều đi ngược lại với diễn biến chung của thị trường. CMX, AGM, TVT tăng trần trong phiên hôm nay.
Thanh khoản thị trường đang cho thấy những dấu hiệu tích cực. Giá trị giao dịch trong phiên hôm nay đạt gần 4,477 tỷ đồng, tăng khoảng 34% so với hôm qua. Khối ngoại bán ròng mạnh ròng phiên sáng, tuy nhiên về cuối phiên chiều, họ cũng mua vào mạnh. Do đó, phiên hôm nay khối ngoại chỉ bán ròng khoảng 50 tỷ đồng.
13h30: Shanghai gọi, VN-Index có trả lời?
Mở cửa phiên chiều, diễn biến thị trường vẫn không biến động so với chốt phiên sáng. Thị trường châu Á chứng kiến pha lội ngược dòng của Shanghai và Hang Seng, liệu chỉ số trên 2 sàn ở Việt Nam có hưởng ứng thông tin này?
Tính tới 13h30, VN-Index đang ở mức 908.86 điểm, trong khi HNX đã về gần tham chiếu. Cuối phiên sáng, SAB đổi chiều tăng điểm nâng đỡ chỉ số. Ngoài ra vẫn chưa ghi nhận diễn biến đột biến nào khác trên thị trường.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, thị trường Trung Quốc đã lội ngược dòng thành công. Cụ thể, tính tới lúc 13h11 (giờ Việt Nam), Shanghai Composite quay đầu tăng 25.14 điểm (tương ứng 0.96%), còn Shenzhen Composite tiến 0.769%. Tương tự, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đảo chiều thành công và tăng 49.65 điểm (tương ứng 0.19%). Trước thông tin tốt này, liệu VN-Index có đảo chiều tăng điểm?
Phiên sáng: Bên bán vẫn đang thắng thế
Các chỉ số trên thị trường vẫn tiếp tục tình trạng giảm điểm trước đó nhưng đà giảm đã phần nào chững lại. Ngoài việc đã bớt tiêu cực hơn, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho xác nhận xu hướng thị trường sẽ tăng điểm trở lại.
Lực mua bán trên thị trường đã dần cân bằng hơn tuy nhiên ưu thế vẫn đang thuộc về bên bán. Toàn thị trường có 181 mã tăng điểm so với 332 mã giảm điểm.
Thanh khoản vẫn tăng đều trong phiên sáng, chốt phiên, khối lượng giao dịch trên toàn thị trường đạt trên 109 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 1,960 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn đang bán ròng trong phiên sáng. Trong đó, HPG, PVD, KBC đang được tập trung bán ròng.
Nhóm ngân hàng giảm điểm xuyên suốt phiên sáng hôm nay. Trong khi đó, nhóm bất động sản lại đang trong tình trạng phân hóa mạnh. Song nhiều mã bất động sản vốn hóa lớn vẫn đang chìm trong sắc đỏ.
Trên HOSE, HNG và FLC đang là 2 mã được giao dịch nhiều nhất. Trong đó, FLC tăng điểm từ đầu phiên có lẽ là nhờ tác động tích cực từ thông tin Bamboo Airways đã được cấp phép vận chuyển kinh doanh hàng không.
Chốt phiên sáng, VN-Index dừng ở 906.98 điểm, giảm 1.21%; HNX-Index ở 102.49 điểm, giảm 0.85%.
10h20: Thủy sản và dệt may “bơi ngược dòng”
Phần nào hồi phục sau cú rớt mạnh thị trường đã phần nào hồi phục và đi vào vùng rung lắc. Thủy sản và dệt may là hai ngành đang làm nên chuyện với đà tăng được tiếp tục.
Tính đến 10h10, VN-Index đang ở mức 904.5 điểm, HNX-Index ở mức 102.27 điểm. Nhóm cổ phiếu trụ trên cả 2 sàn duy trì tiếp đà giảm điểm. Thêm vào đó, khối ngoai đang bán ròng trên thị trường đạo tạo nên áp lực lớn.
Điểm tích cực trong phiên sàng là thị trường đã bắt đầu nhận được lực đỡ từ dòng tiền. Tại thời điểm này khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 71 triệu cổ phiếu, ứng với giá trị giao dịch 1,240 tỷ đồng.
Giảm điểm là tình trạng chung của nhiều nhóm ngành trên thị trường. Trong đó, ngân hàng là nhóm có diễn biến tiêu cực nhất. Tuy nhiên, nhóm ngành nóng trong thời gian qua là thủy sản và dệt may lại đang trong đà tăng điểm. Thời gian qua đây là nhóm ngành được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh nhờ các diễn biến trên thị trường thương mại quốc tế. Đặc biệt, mới đây, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiệp định CPTPP càng tạo thêm động lực cho đà tăng trưởng của nhóm này. Theo đó, hàng loạt cổ phiếu thủy sản như ANV, MPC, FMC, IDI… và dệt may như TNG, TCM, VGT… đều đang tăng điểm trong phiên sáng 13/11.
Mở cửa: “Tắm máu” cùng thị trường thế giới
Thị trường bắt đầu phiên 13/11 với sắc đỏ tràn ngập. Khả năng diễn biến đỏ lửa tại các thị trường chứng khoán quốc tế là tác nhân lớn nhất của tình trạng này.
VN-Index rớt mạnh gần 20 điểm đầu phiên; về phía HNX-Index, chỉ số này giảm hơn 1.3 điểm. Áp lực bán mạnh ngay đầu phiên khiến thị trường tràn ngập trong sắc đỏ. Chỉ một lát sau thị trường nhanh chóng rơi vào tình trạng đỏ lửa.
Tình trạng tiêu cực diễn ra ở tất cả các nhóm ngành. Nhìn chung hầu hết đều đang tạo sức ép khiến chỉ số giảm điểm. Trên sàn HOSE, không tìm thấy nhóm ngành nào chống đỡ cho chỉ số trong khi bất động sản và ngân hàng đang là hai nhóm dìm chỉ số mạnh nhất.
Nhóm VN30 đầu phiên sáng hôm nay cũng không khá khẩm hơn khi chỉ có mình BMP ngược chiều giảm điểm.
Sau 15 phút đầu phiên, VN-Index hồi phục lại về mốc 905 điểm nhưng tình trạng vẫn chưa bớt tiêu cực. HNX-Index tiếp tục rung lắc ở vùng 102 điểm. Trên thị trường, số cổ phiếu giảm điểm vẫn đang chiếm ưu thế. Thống kê tại thời điểm 9h30, toàn thị trường có 104 mã tăng điểm và 281 mã giảm điểm. Riêng mã HTN tiếp tục kịch trần sau phiên chào sàn.
Nhiều khả năng đà giảm đầu phiên hôm nay đến từ áp lực từ việc giảm điểm của các thị trường chứng khoán quốc tế. Kết phiên 12/11, chỉ số Dow Jones giảm 602 điểm, xuống 25,387.18 điểm; chỉ số S&P 500 mất 54.79 điểm (tương ứng 1.97%) còn 2,726.22 điểm và chỉ số Nasdaq Composite “bốc hơi” 206.03 điểm (tương ứng 2.78%) xuống 7,200.87 điểm. Diễn biến ở thị trường chứng khoán châu Á cũng không mấy khá khẩm. Tính tới lúc 7h45 ngày 13/11 (giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản rớt 762.47 điểm (tương ứng 3.42%), còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc lao dốc 41.48 điểm (tương ứng 1.99%).
Chí Kiên
FILI
|