Kinh tế châu Á dần giảm tốc, Nhật bản tăng trưởng âm
Đà suy giảm của nền kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn 7-9/2018 là một biểu hiện cho thấy nền kinh tế châu Á đang tăng trưởng chậm lại, khi khu vực này phải vật lộn với lãi suất ngày càng tăng và cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong giai đoạn 7-9/2018, nền kinh tế Nhật Bản giảm 1.2% so với quý trước đó, dữ liệu ngày thứ Tư (14/11) cho thấy. Điều này một phần là do một loạt thảm họa thiên nhiên, nhưng cũng xuất phát từ chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu doanh nghiệp ảm đạm. Xét theo cơ sở hàng năm, tăng trưởng của Nhật Bản giảm xuống 0.3%.
Xu hướng giảm tốc được cho là sẽ tiếp tục ở châu Á trong năm tới.
Tăng trưởng của Trung Quốc giảm về 6.5% trong cùng quý, yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tăng trưởng ở Đài Loan giảm từ 3.3% xuống còn 2.3% và Hàn Quốc lùi từ 2.8% xuống còn 2%.
Dữ liệu trong ngày thứ Tư (14/11) cho thấy, doanh số bán lẻ ở Trung Quốc giảm tốc mạnh hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế và khoản đầu tư vào bất động sản rơi xuống đáy 10 năm, ngay cả khi sản lượng công nghiệp tăng nhe,
“Đà tăng trưởng dần dần chậm lại”, Izumi Devalier, Trưởng bộ phận kinh tế Nhật Bản tại Bank of America Merrill Lynch (BoAML), nhận định. Các nền kinh tế châu Á đang tăng trưởng nhờ vào chi tiêu tài khóa mạnh, sự gia tăng hàng tồn kho trong ngành thiết bị bán dẫn toàn cầu và lạm phát thấp, bà Izumi cho hay, đồng thời nói thêm “nhiều yếu tố tích cực trong năm 2017 đang dần phai nhạt”.
Mặc dù có nhiều rủi ro suy giảm, nhưng đà giảm tốc có lẽ không quá mạnh. Trong tháng 10/2018, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng ở các thị trường châu Á mới nổi và đang phát triển sẽ giảm về mức 6.3% trong năm tới, từ mức 6.5% trong năm 2018. Họ điều chỉnh giảm dự báo bớt 0.2% sau khi tính tới cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung.
Tăng trưởng kinh tế Philippines giảm về mức 6.1% trong quý 3/2018, từ mức 6.6% trong quý trước đó. Đà giảm của đồng nội tệ đã làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu, qua đó ảnh hưởng tới sức mua của các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Ở Indonesia, tăng trưởng kinh tế giảm từ 5.3% xuống 5.2%. Hai ngân hàng trung ương ở Indonesia và Philippines đã tích cực thắt chặt chính sách nhằm ngăn chặn làn sóng thoái vốn sau các đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Fed đã 3 lần nâng lãi suất trong năm nay và các chuyên viên phân tích đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng nâng lãi suất vào tháng 12/2018. Lãi suất Mỹ cao hơn thường làm cho các tài sản ở các thị trường mới nổi trở nên kém hấp dẫn hơn, qua đó thôi thúc các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ra khỏi các quốc gia này.
“Thắt chặt tiền tệ quyết liệt sẽ gây áp lực lên lượng tiêu thụ của hộ gia đình khi bước vào năm 2019”, Katrina Ell, Chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics, cho hay.
Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực châu Á cũng hành động trước để vực dậy nền kinh tế.
Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in, đã sa thải Bộ trưởng Tài chính và các nhà hoạch định chính sách kinh tế khác. Tân Bộ trưởng Tài chính được giao nhiệm vụ hồi sinh nền kinh tế và cải thiện tình hình việc làm cho giới trẻ khi tỷ lệ thất nghiệp gần mức cao nhất trong 8 năm tại 4.2%. Nhiều tập đoàn ở Hàn Quốc đang chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn sau khi một đợt nâng tiền lương tối thiểu vào đầu năm nay đã khiến các công ty phải xem xét lại việc tuyển dụng.
Ở Trung Quốc, Chính phủ đã chuyển trọng tâm chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng, với mục tiêu nâng đỡ tâm lý của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hồi tháng 10/2018, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ tư trong năm nay. Trước đó, Trung Quốc cũng công bố hàng loạt biện pháp tài khóa, như giảm thuế thu nhập cá nhân và thúc đẩy các chính quyền địa phương gia tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Sự chùn xuống của tâm lý doanh nghiệp và người tiêu dùng đang bắt đầu tác động tới lượng tiêu thụ ở Trung Quốc. Trong tháng 10/2018, doanh số bán xe hơi giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu 4 tháng giảm liên tiếp. Tâm lý yếu hơn cũng phản ánh qua giá chứng khoán, trong đó chỉ số Shanghai Composite giảm 20% trong năm nay, và niềm tin của các nhà sản xuất công nghiệp cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)
FiLi
|