IMF: Tâm lý nhà đầu tư có thể chuyển xấu đột ngột
Tăng trưởng đang chậm lại ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lên tiếng cảnh báo, tâm lý nhà đầu tư có thể đột ngột chuyển xấu.
“Các điều kiện tài chính toàn cầu đã bắt đầu thắt chặt”, Quỹ này cho biết trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực (REC) mới nhất cho khu vực Trung Đông và Trung Á.
Đây là báo cáo được công bố hàng năm và đưa ra một cái nhìn tổng quan về diễn biến kinh tế gần đây, triển vọng và các vấn đề chính sách trong trung hạn.
“Các điều kiện toàn cầu đang dần thay đổi về phương diện rủi ro”, Jihad Azour, Giám đốc IMF khu vực Trung Đông và Trung Á, cho biết. “Mặc dù chúng ta đang có mức tăng trưởng cao, nhưng tăng trưởng đã gần chạm đỉnh”.
IMF cho biết, lãi suất Mỹ cao hơn, đồng USD mạnh hơn và tình trạng biến động trên thị trường tài chính có thể gây áp lực lên một số quốc gia thị trường mới nổi và đang phát triển.
“Diễn biến ngày càng xấu đi hoặc quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển diễn ra nhanh hơn dự kiến là những yếu tố làm gia tăng rủi ro tâm lý nhà đầu tư xoay chiều đột ngột”, trích từ báo cáo REC.
Một số nền kinh tế lớn đang giảm tốc
IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn 2018-2019 vẫn duy trì ổn định ở mức 3.7%, nhưng lại hạ triển vọng tăng trưởng của một số quốc gia lớn.
Ở Mỹ, mặc dù triển vọng tăng trưởng GDP thực năm 2018 vẫn giữ nguyên ở mức 2.9%, nhưng dự báo tăng trưởng năm 2019 đã bị điều chỉnh giảm xuống 2.5% sau khi tính tới các biện pháp thương mại gần đây.
Mỹ hiện đang mắc kẹt trong một cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc và vẫn chưa rõ xung đột bao giờ mới dứt.
Cả hai bên đã áp thêm thuế lên hàng tỷ USD hàng hóa lẫn nhau và mức thuế 10% áp bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ được nâng lên 25% từ tháng 1/2019 nếu Mỹ và Trung Quốc không có bước đột phá nào trong các cuộc đàm phán.
Triển vọng của các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển cũng yếu hơn, phản ánh qua sự điều chỉnh giảm dự báo đối với một số nền kinh tế lớn ở thị trường mới nổi vì các yếu tố riêng của từng quốc gia, điều kiện tài chính thắt chặt, căng thẳng địa chính trị và giá dầu cao hơn.
“GDP thực ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 1.9% trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 2.9% của năm 2018. Tăng trưởng cũng sẽ chậm lại ở Anh”, IMF cho biết.
IMF nhận định, sự leo thang về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã buộc Quỹ phải hạ dự báo tăng trưởng Trung Quốc. IMF dự báo, tăng trưởng Trung Quốc ở mức 6.6% trong năm 2018 và 6.2% trong năm 2019.
Lạc quan về Trung Đông
Mặc cho đà giảm gần đây của giá dầu, IMF vẫn lạc quan hơn về vùng Trung Đông, nhưng cũng cảnh báo về nhiều bất ổn trong khu vực này.
“Giá dầu đã tăng hơn 60% trong 2 năm, và mức hiện nay gần tương đương với mức trong năm 2015”, Azour cho biết.
IMF dự báo, các nhà xuất khẩu dầu ở Trung Đông, Bắc Mỹ, Afghanistan và Pakistan – hay còn gọi là nhóm MENAP – sẽ có cải thiện về cán cân nước ngoài và cán cân tài khóa trong giai đoạn 2018-2019.
“Hoạt động kinh tế ở các quốc gia xuất khẩu dầu thuộc MENAP được cho là sẽ cải thiện trong năm nay và năm tới. Tăng trưởng GDP thực được dự báo ở mức 1.4% trong năm 2018 và 2% trong năm 2019, tăng từ mức 1.2% trong năm 2017”, trích từ báo cáo REC.
“Tăng trưởng của các quốc gia nhập khẩu dầu thuộc MENAP được dự báo duy trì ở mức khiêm tốn trong năm 2018 và tăng thêm một chút trong trung hạn. Tăng trưởng ở khu vực này được dự báo chạm mức 4.5% trong năm 2018, tăng từ mức 4.1% trong năm 2017, trước khi giảm về 4% trong năm 2019”, IMF cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|