Phố Wall sắp được tiếp cận tới ngành trị giá 45 ngàn tỷ USD của Trung Quốc?
Tuần trước, trong một bài phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, cho biết Bắc Kinh “đang dần dần mở cửa” lĩnh vực tài chính nước nhà.
Đối với những cá nhân quan sát Trung Quốc, “dần dần” là từ khóa vô cùng quan trọng. Gần một năm sau khi Trung Quốc tuyên bố kế hoạch nới lỏng quy định sở hữu trong nước và các rào cản gia nhập vào ngành trị giá 45 ngàn tỷ USD này, tốc độ thay đổi cứ diễn ra một cách chậm rãi chứ không hề nhanh chóng. Mặc dù ông Tập báo hiệu rằng quá trình mở cửa của Trung Quốc vẫn đúng lộ trình mặc cho cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhưng cũng nói rõ là các nhà hoạch định chính sách sẽ hành động cẩn trọng.
Các công ty tài chính lớn nhất trên thế giới cũng đưa ra lập trường khá tương tự. Ngay cả khi họ hoan nghênh quá trình mở cửa, nhiều người vẫn tỏ ra thận trọng, cân nhắc giữa tiềm năng dài hạn to lớn của Trung Quốc với những thách thức trong ngắn hạn, từ chiến tranh thương mại cho tới đà giảm giá cổ phiếu và số lượng công ty vỡ nợ ngày càng tăng.
Mark Austen, Giám đốc điều hành tại Hiệp hội Ngành Chứng khoán & Thị trường Tài chính châu Á (ASIFMA), cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Các công ty đang chờ xem liệu họ có thể cạnh tranh một cách công bằng ở Trung Quốc hay không”.
Cho tới nay, phần lớn động thái đều diễn ra trong ngành chứng khoán. Cụ thể, UBS Group AG, JPMorgan Chase & Co. và Nomura Holdings Inc. đều đã nộp đơn đăng ký mua lượng lớn cổ phần để kiểm soát công ty liên doanh tại Trung Quốc của họ, dựa trên hồ sơ pháp lý. Ngoài ra, Morgan Stanley và Credit Suisse Group AG có thể cũng sẽ làm điều tương tự.
Dường như cũng không quá khó hiểu khi Trung Quốc thu hút các ngân hàng đầu tư toàn cầu. Với mức vốn hóa tương ứng 5.6 ngàn tỷ USD và 11 ngàn tỷ USD, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba trên thế giới. Và tầm quan trọng của chúng chỉ có gia tăng khi các nhà hoạch định chính sách muốn giảm bớt độ lệ thuộc của nền kinh tế vào hoạt động cho vay của ngân hàng. Về phần các công ty chứng khoán toàn cầu, điều này mang lại nhiều cơ hội môi giới, tư vấn và bảo lãnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng háo hức muốn nhảy vào thị trường này. Chẳng hạn, Goldman Sachs Group Inc. không nộp đơn đăng ký một phần là do sự không chắc chắn xoay quanh cách thức triển khai các quy định mới và môi trường kinh doanh giữa lúc căng thẳng thương mại xảy ra. Chưa hết, Citigroup Inc. và Bank of America Corp. cũng không tỏ ý định muốn nộp đơn đăng ký.
Các công ty nước ngoài vẫn chưa thể hiện động thái gì trong ngành quỹ tương hỗ, mặc dù các chuyên gia phân tích dự báo sẽ có một lượng lớn công ty nước ngoài nộp đơn đăng ký mua cổ phần tại các công ty quản lý quỹ trong nước. Các quỹ tương hỗ đã quản lý khoảng 2 ngàn tỷ USD ở Trung Quốc và có nhiều tiềm năng tăng trưởng khi tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có hơn.
Đối với ngành bảo hiểm, Bloomberg vẫn chưa tìm thấy bất kỳ công ty nước ngoài nào dự tính đăng ký mua lượng lớn cổ phần để kiểm soát công ty Trung Quốc. Ngoài ra, các công ty nước ngoài còn phải đối mặt với rào cản khá lớn vì đây là ngành duy nhất trong lĩnh vực tài chính mà các nhà hoạch định chính sách chưa hoàn tất các quy định mới.
Mặc dù đã hoàn toàn loại bỏ mức giới hạn sở hữu đối với các ngân hàng thương mại trong các quy định mới, nhưng không một ai công khai tỏ ý muốn tăng lượng cổ phần nắm giữ. Điều này một phần là do các yếu cầu vốn tối thiểu cao của Trung Quốc làm chi phí gia nhập ngành trở nên quá đắt đỏ đối với các công ty nước ngoài. Về phần các ngân hàng nhỏ hơn, đây là nơi các chính quyền địa phương của Trung Quốc thường sở hữu phần lớn và không muốn bán ra cổ phần.
Lian Ping, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Bank of Communications Co. ở Thượng Hải, cho hay: “Trung Quốc sẽ không bỏ đi quyền kiểm soát của họ tại các ngân hàng Nhà nước lớn hoặc quyền kiểm soát đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng”.
Thế nhưng, rào cản lớn nhất đối với các nhà ngân hàng quốc tế, có lẽ là không có cơ hội tăng trưởng trong ngắn hạn. Trung Quốc hiện đang đối mặt với rất nhiều vấn đề khó nhằn. Gánh nặng nợ tăng lên tới 266% GDP (lớn hơn cả tỷ lệ của Mỹ trước thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008), số lượng công ty vỡ nợ trên trái phiếu tại nước này thì chạm mức kỷ lục và tăng trưởng kinh tế giảm tốc xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Trước tình cảnh đó, các cơ quan điều hành đã và đang cố gắng thúc đẩy các ngân hàng nội địa hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân.
“Nhiều ngân hàng nước ngoài đã sở hữu cổ phần tại các công ty Trung Quốc và cần phải có lượng vốn lớn thì mới có thể tăng lượng cổ phần đó”, Logan Wright, Giám đốc tại công ty nghiên cứu Rhodium Group LLC, cho hay. “Tôi không biết động lực nào đủ mạnh để thôi thúc công ty nước ngoài nghĩ về chuyện gia tăng cổ phần ở công ty Trung Quốc trong vài năm tới”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|