Shanghai Composite tụt dốc hơn 2% sau biên bản họp của Fed
Sắc đỏ lại trở về với thị trường chứng khoán châu Á vào buổi sáng ngày thứ Năm (18/10), khi biên bản họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ám chỉ họ sẽ nâng lãi suất thêm trong thời gian tới.
Tính tới lúc 9h30 ngày thứ Năm (18/10 – giờ Việt Nam), ở Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tụt 51.44 điểm (tương ứng 2.01%), còn Shenzhen Composite lùi 1.914%. Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 29.95 điểm (tương ứng 0.12%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 9h30 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 104.99 điểm (tương ứng 0.46%) vào phiên buổi sáng, còn chỉ số Topix lùi 0.19%. Trước đó trong ngày hôm nay, dữ liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2018 của Nhật Bản suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016, khi lượng hàng xuất khẩu tới Mỹ và Trung Quốc giảm, qua đó làm gia tăng lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc hạ 16.07 điểm (tương ứng 0.74%), trong đó cổ phiếu của nhà sản xuất chip điện tử, SK Hynix, giảm 1.42%. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) trước đó đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ.
Trên thị trường Australia, chỉ số ASX 200 hạ 16.5 điểm (tương ứng 0.28%), trong đó chỉ số tài chính xóa sạch đà tăng đầu phiên và chỉ còn đi ngang, trong khi lĩnh vực năng lượng giảm 0.85% và nguyên vật liệu lùi 0.52%.
Dư liệu việc làm ở Australia cho thấy, số lượng người có việc làm trong tháng 9/2018 chưa đạt kỳ vọng. Tỷ lệ thất nghiệp giảm 0.3% so với mức 5% của tháng trước.
Dữ liệu có việc làm “biến động và có thể có tác động ngắn hạn tới tiền tệ, trích từ báo cáo của ANZ Research trong buổi sáng.
Mỹ chưa gắn nhãn “thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc
Trong một báo cáo công bố vào ngày thứ Tư (17/10), Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ chưa tìm ra đối tác thương mại nào đáp ứng các tiêu chí để gắn nhãn “thao túng tiền tệ”. Thế nhưng, họ vẫn giữ Trung Quốc trong danh sách theo dõi, cùng với Đức, Nhật Bản, Thụy Sỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và rà soát các hành vi về tiền tệ của Trung Quốc, bao gồm cả việc thông qua thảo luận với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC)”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, cho hay.
“Báo cáo này củng cố thêm cho quan điểm của chúng tôi rằng chính quyền Mỹ có thể nỗ lực tập trung vào hành vi thao túng tiền tệ như là hành vi thương mại không công bằng và tại thời điểm này, họ sẽ phải đối phó với nó bên cạnh các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại”, Cesar Rojas, Chuyên gia kinh tế tại Citi, cho biết trong một báo cáo.
Biên bản họp của Fed ám chỉ còn có thêm nhiều đợt nâng lãi suất
Các chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall quay đầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Tư (17/10), sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy sự đồng thuận rộng rãi về sự cần thiết phải nâng lãi suất thêm, qua đó củng cố lo ngại của nhà đầu tư, vốn dẫn đến đợt bán tháo mạnh hồi tuần trước.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones lùi 91.74 điểm (tương đương 0.36%) xuống 25,706.68 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 0.71 điểm (tương đương 0.03%) xuống 2,809.21 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 2.79 điểm (tương đương 0.04%) còn 7,642.70 điểm.
Trong ngày thứ Tư (17/10), biên bản họp tháng 9 của Fed cho thấy cam kết thắt chặt chính sách tiền tệ để giữ nền kinh tế ổn định.
“Về phần triển vọng về chính sách tiền tệ sau cuộc họp này (tháng 9/2018), các thành viên tham gia nhìn chung dự báo rằng việc nâng thêm lãi suất một cách từ từ nhiều khả năng sẽ phù hợp với đà tăng trưởng kinh tế bền vững, các điều kiện thị trường lao động mạnh và lạm phát gần 2% trong trung hạn”, trích từ biên bản họp của Fed.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 95.664 vào buổi sáng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|