Tăng 287 điểm nhưng Dow Jones vẫn giảm hơn 4%/tuần
Tuần qua, Dow sụt 4.2%, S&P giảm 4.1% và Nasdaq mất 3.7%
S&P 500 chấm dứt chuỗi 6 phiên lao dốc liên tiếp trong ngày thứ Sáu (12/10), khi nhóm cổ phiếu công nghệ phục hồi sau một tuần nhuốm sắc đỏ, giữa lúc nhà đầu tư đang tìm kiếm những thỏa thuận trước khi mùa báo cáo lợi nhuận quý 3 khởi động, Reuters đưa tin.
Ngay cả các lĩnh vực năng lượng và tài chính thuộc S&P 500 cũng khép phiên với đà tăng nhẹ sau khi đảo chiều vào cuối phiên.
Cụ thể, chỉ số công nghệ thuộc S&P 500 vọt 3.2%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 26/03/2018, mặc dù vẫn ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ ngày 23/03/2018.
Janna Sampson, đồng Giám đốc đầu tư tại OakBrook Investments LLC, nhận định: “Mọi người đang bắt đầu mua vào, nghĩ rằng những cổ phiếu tăng trưởng cao đã bị bán tháo quá mức. Họ muốn tham gia vào trước tuần tới, khi mùa báo cáo lợi nhuận khởi động”.
Tuy nhiên, cho đến khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại, đà phục hồi của thị trường chứng khoán có thể dễ bị biến động khi nhà đầu tư lo ngại về tác động của hàng rào thuế quan đối với lợi nhuận doanh nghiệp.
Tác động tích cực nhất đến lĩnh vực công nghệ là đà tăng hơn 3% của cổ phiếu Apple và Microsoft. Cổ phiếu Visa và Mastercard cũng vọt gần 5%, chủ yếu nhờ doanh số bán thẻ tín dụng tăng mạnh trong các báo cáo thu nhập của ngân hàng.
Lĩnh vực tài chính thuộc S&P 500 nhích 0.1% trong ngày thứ Sáu, trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng thuộc S&P 500 lùi 0.4%, rút khỏi đáy trong phiên. Tác động tiêu cực nhất đến nhóm ngành ngân hàng là cổ phiếu JPMorgan Chase với đà giảm 1% bất chấp báo cáo lợi nhuận quý 3 vượt qua kỳ vọng.
Cổ phiếu PNC Financial sụt 5.6% và giảm mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi công bố tăng trưởng cho vay quý 3 đáng thất vọng và cho biết Ngân hàng này dự kiến sẽ có sự cải thiện nhỏ trong hoạt động cho vay quý này.
Các cổ phiếu tăng điểm trong nhóm ngành ngân hàng là cổ phiếu Citigroup – tăng 2%, và cổ phiếu Wells Fargo – cộng 1.3% sau các báo cáo lợi nhuận tích cực.
Cổ phiếu Netflix và Amazon lần lượt bứt phá 5.7% và 4%.
Báo cáo lợi nhuận của các ngân hàng đã khởi động mùa báo cáo lợi nhuận quý 3, vốn sẽ mang đến bức tranh rõ ràng nhất về sự ảnh hưởng đến lợi nhuận từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Phố Wall dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý 3 của các công ty thuộc S&P 500 đạt 21.3%, dữ liệu từ Refinitiv cho thấy, thấp hơn so với 2 quý trước.
Lĩnh vực năng lượng tiến 0.3% khi giá dầu khởi sắc sau phiên giao dịch biến động giảm do triển vọng nhu cầu dầu suy yếu.
Lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ truyền thông đều tăng hơn 2%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tiến 287.16 điểm (tương đương 1.15%) lên 25,339.99 điểm, chỉ số S&P 500 cộng 38.76 điểm (tương đương 1.42%) lên 2,767.13 điểm và chỉ số Nasdaq Composite vọt 167.83 điểm (tương đương 2.29%) lên 7,496.89 điểm.
Dẫu vậy, tuần qua, Dow Jones sụt 4.2%, S&P 500 giảm 4.1% và Nasdaq Composite mất 3.7%, đánh dấu tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2018.
Cả Dow Jones và S&P 500 đã lao dốc 3 tuần liên tiếp, còn Nasdaq Composite giảm điểm liền 2 tuần.
Số cổ phiếu tăng vượt số cổ phiếu giảm trên sàn New York theo tỷ lệ 1.38:1. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 1.51:1.
Khoảng 8.91 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch của Mỹ, cao hơn mức bình quân phiên trong hơn 20 phiên vừa qua là 7.78 tỷ, dữ liệu của Thomson Reuters cho thấy.
An Trần
Fili
|