Sụt thêm hơn 500 điểm, Dow Jones “bốc hơi” gần 1,400 điểm trong 2 phiên
Các chỉ số chứng khoán trên Phố Wall tiếp tục đà lao dốc trong phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Năm (11/10), khi nhà đầu tư lo ngại về đà tăng của lãi suất và cân nhắc khả năng cuộc chiến thương mại ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp một ngày trước khi mùa báo cáo lợi nhuận quý 3 bắt đầu, Reuters đưa tin.
Trong phiên lao dốc thứ 6 liên tiếp, S&P 500 mất 2.1% sau khi sụt 3% trong ngày thứ Tư (10/10). Nasdaq Composite lại suýt soát tránh được việc xác nhận bước vào giai đoạn điều chỉnh. Trong suốt phiên ngày thứ Năm, chỉ số này sụt 10.3% so với mức đóng cửa cao kỷ lục đã xác lập vào ngày 29/08/2018, nhưng khép phiên giảm 9.6% dưới mức kỷ lục.
Nhà đầu tư lo ngại rằng thị trường chứng khoán sẽ gặp khó khăn trong việc phục hồi khi lãi suất tăng kết hợp cùng sự không chắc chắn về mức tăng trưởng lợi nhuận, vốn có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Sau khi chạm đỉnh trong phiên là 28.84, chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, khép phiên tăng 2 điểm lên 24.98, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 12/02/2018.
Lĩnh vực năng lượng sụt 3.1%, chịu sức ép từ đà sụt giảm xuống đáy 2 tuần của giá dầu, và dẫn đầu đà giảm điểm.
Trong khi đó, các công ty bảo hiểm là một trong những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất thuộc lĩnh vực tài chính một ngày sau khi cơn bão Michael đổ bộ bang Florida.
Lĩnh vực tài chính giảm 2.9%, cũng chịu tác động tiêu cực từ đà sụt giảm 2.7% của nhóm cổ phiếu ngân hàng một ngày trước khi 3 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ công bố báo cáo lợi nhuận quý 3.
Vào ngày thứ Năm, tất cả 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đều nhuốm sắc đỏ, trong đó chỉ lĩnh vực dịch vụ truyền thông giảm gần 1%.
Lĩnh vực công nghệ, vốn giảm mạnh nhất trong đợt bán tháo ngày thứ Tư, khép phiên lùi 1.3% trong ngày thứ Năm.
Phố Wall dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý 3 của các công ty thuộc S&P 500 đạt 21.3%, dữ liệu từ Refinitiv cho thấy.
Chứng khoán đã tìm thấy một số hỗ trợ vào đầu phiên từ dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ tăng thấp hơn dự báo, qua đó làm dịu lo ngại về áp lực lạm phát gia tăng.
Dữ liệu này cũng giúp đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ xuống đáy 1 tuần, xoa dịu tâm lý nhà đầu tư chứng khoán.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn phải đối mặt với hàng loạt lo lắng khác, bao gồm sự không chắc chắn trước khi các cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ diễn ra vào ngày 06/11/2018, cùng với những nhận định theo quan điểm “diều hâu” từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hồi tuần trước.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones sụt 545.91 điểm (tương đương 2.13%) xuống 25,052.83 điểm, chỉ số S&P 500 mất 57.31 điểm (tương đương 2.06%) còn 2,728.37 điểm và chỉ số Nasdaq Composite lùi 92.99 điểm (tương đương 1.25%) xuống 7,329.06 điểm.
Số cổ phiếu giảm vượt số cổ phiếu tăng trên sàn New York theo tỷ lệ 3.52:1. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 2.66:1.
Khoảng 11.44 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch của Mỹ, cao hơn mức bình quân phiên trong hơn 20 phiên vừa qua là 7.65 tỷ, dữ liệu của Thomson Reuters cho thấy.
An Trần
Fili
|