Vì sao chứng khoán Mỹ tụt dốc lại tác động mạnh tới thị trường toàn cầu?
Đà giảm mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ đang khiến các thị trường cách hàng ngàn dặm ở châu Á và châu Âu phải run rẩy.
Các chỉ số cổ phiếu lớn ở Anh, Đức và Pháp đều rớt hơn 1% vào đầu phiên giao dịch, sau phiên “tắm máu” trên thị trường chứng khoán Mỹ, trong đó Dow Jones bốc hơi hơn 800 điểm, tức hơn 3%.
Trong phiên giao dịch châu Á, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc rớt tới 5.2%, còn Nikkei 225 của Nhật Bản thì giảm gần 4%. Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông rớt hơn 3.5%.
Làn sóng bán tháo của chứng khoán Mỹ đã tác động tới niềm tin của các nhà đầu tư châu Á, Jingyi Pan, Chiến lược gia tại công ty giao dịch IG Markets, cho hay.
Một số thị trường lớn nhất châu Á đã rơi vào tình thế khó khăn từ trước đó. Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite và Hồng Kông đã bước vào thị trường con gấu từ lâu.
Hao Hong, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu tại ngân hàng đầu tư Bocom International, cho hay, nhà đầu tư rất bi quan về thị trường Trung Quốc – vốn đang lao đao vì đà giảm tốc của nền kinh tế và cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Cũng giống như Mỹ, nhóm cổ phiếu công nghệ nằm trong số lĩnh vực giảm mạnh nhất. Cổ phiếu của ông lớn Internet Trung Quốc, Tencent, sụt gần 6% trong ngày thứ Năm (11/10), còn cổ phiếu của nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi lao dốc hơn 8%.
Cũng chung cảnh ngộ với chứng khoán Mỹ, giá cổ phiếu châu Á đang chịu sức ép từ đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ – hiện đang dao động gần mức đỉnh 7 năm. Thị trường chứng khoán thường suy giảm sau khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh, vì điều này làm gia tăng tính hấp dẫn của trái phiếu – vốn được xem là một tài sản an toàn hơn. Thị trường chứng khoán châu Á bị tác động cực kỳ nặng nề vì các chuyên viên giao dịch (trader) xem chứng khoán ở khu vực này có rủi ro cao hơn so với Mỹ.
Nhóm cổ phiếu công nghệ bị ảnh hưởng nhiều vì chúng nằm trong số những cổ phiếu có giá trị vốn hóa cao nhất thị trường chứng khoán Mỹ. Khi nhà đầu tư tỏ ra lo lắng, nhiều khả năng họ sẽ bán ra cổ phiếu công nghệ và chuyển sang các tài sản ít rủi ro hơn, như cổ phiếu của công ty tiện ích hoặc trái phiếu.
Thị trường Hồng Kông cũng thường nhạy cảm với diễn biến của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vì cơ quan tiền tệ nước này thường hành động theo chân Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và họ có đồng nội tệ được neo theo đồng USD, Hong cho hay.
Nỗi lo về tăng trưởng và thương mại
Medha Samant, Giám đốc đầu tư phụ trách cổ phiếu châu Á tại công ty quản lý vốn Fidelity International, nhận định, nhà đầu tư châu Á vẫn còn nhiều lý do khác để lo sợ, bao gồm khả năng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, đồng USD ngày càng mạnh và cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhiều vào thương mại và gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều Chính phủ và các công ty châu Á cũng vay nợ bằng đồng USD và do đó, khi đồng USD tăng giá, họ gặp nhiều khó khăn hơn để trả nợ.
Thế nhưng, Fidelity cho rằng, châu Á vẫn còn “hấp dẫn” đối với nhà đầu tư, vì cổ phiếu khu vực này nhìn chung rẻ hơn so với Mỹ. Chúng có thể tăng trong dài hạn khi châu Á trở nên giàu có hơn. Fidelity đang khuyến nghị các nhà đầu tư xem xét cổ phiếu trong lĩnh vực bảo hiểm và y tế ở Trung Quốc và Đông Nam Á.
“Câu chuyện châu Á được dẫn dắt bởi lượng tiêu thụ nội địa ngày càng tăng trong dài hạn vẫn chưa hề thay đổi”, Samant khẳng định.
Vũ Hạo (Theo CNN)
FiLi
|