Cổ phiếu SoftBank lao dốc vì lo ngại Ả Rập Xê Út
Mối lo toàn cầu về việc một nhà báo Ả Rập Xê Út mất tích đang khiến một trong các hãng công nghệ lớn nhất Nhật Bản lao dốc.
CEO SoftBank Masayoshi Son. ẢNH: AFP/GETTY IMAGES
|
Theo CNBC, cổ phiếu SoftBank giảm hơn 6% hôm nay 15.10 ở Tokyo. SoftBank là hãng đã và đang tái định hình quan cảnh công nghệ toàn cầu qua việc đầu tư vào nhiều công ty như hãng điều hành không gian làm việc WeWork, hãng thương mại điện tử lớn Ấn Độ Flipkart, hãng gọi xe Uber, Grab, Didi Chuzing và Ola.
SoftBank có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Ả Rập Xê Út. Thực tế, một khoảng lớn số tiền đầu tư của SoftBank đến từ quốc gia Trung Đông, nơi đang đứng trước sự quan sát gắt gao của thế giới sau khi nhà báo Jamal Khashoggi biến mất và nghi bị giết. Ông Khashoggi là người hay phê bình Hoàng thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman và hoàng gia.
Các nhà phân tích cho rằng cổ phiếu SoftBank đi theo câu hỏi về việc các nước và nhà đầu tư sẽ phản ứng thế nào trước Ả Rập Xê Út. “Hiện chúng tôi thấy phản ứng dữ dội lên các hãng công nghệ và nhà đầu tư nhận tiền vốn từ chính phủ Ả Rập Xê Út. Chúng tôi xem điều này là trở ngại chính khiến cổ phiếu SoftBank hạ, song điều đó cũng xuất phát từ sức giảm nói chung của các hãng công nghệ”, nhà phân tích chính kiêm nhà sáng lập Ray Wang của hãng Constellation Research cho hay.
Ý kiến trên được nhà phân tích Dan Baker thuộc Morningstar đồng ý. Ông Baker lưu ý rằng cổ phần lớn của SoftBank trong Alibaba không có vẻ liên quan đến diễn biến cổ phiếu hôm nay 15.10. “Tác động lớn nhất khác lên định giá của SoftBank (thực tế là chiếm đến gần nửa định giá SoftBank) là cổ phần trong Alibaba, và phần đó thì tăng giá vào ngày giao dịch cuối cùng của tuần trước. Vậy nên tôi nghĩ là diễn biến cổ phiếu hôm nay chỉ chủ yếu liên quan đến mối quan hệ với Ả Rập Xê Út”, ông Baker nói.
Cổ phiếu SoftBank giảm giữa lúc nhiều người đồng loạt tẩy chay hội nghị đầu tư cấp cao sẽ diễn ra tại Ả Rập Xê Út vào cuối tháng này. Ông Wang cho hay hội nghị “Sáng kiến Đầu tư Tương lai”, vốn được xem là “Davos ở Sa mạc” bị "xem xét kỹ lưỡng”.
Một số người nổi tiếng đã nói rằng họ không tham gia sự kiện này, trong đó có CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon, Chủ tịch Ford Motor Bill Ford. Một số giám đốc điều hành cùng nhiều hãng truyền thông khác cũng rút khỏi sự kiện, trong đó có CNBC, Financial Times, CNN và The New York Times.
Thu Thảo
Thanh niên
|