Làn sóng bán tháo càn quét thị trường toàn cầu, "cuốn trôi" 6.7 ngàn tỷ USD vốn hóa
Dường như chẳng còn nơi nào để ẩn náu.
Cũng hợp lý khi nhà đầu tư cổ phiếu cảm thấy như vậy ngay lúc này, vì làn sóng bán tháo đã càn quét qua tất cả thị trường từ New York cho tới Thượng Hải. Nguyên nhân đằng sau làn sóng bán tháo này xuất phát từ một danh sách nỗi lo dài dẳng và tiếp tục gia tăng, từ các điều kiện tài chính thắt chặt hơn cho tới căng thẳng thương mại, lợi nhuận doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế và căng thẳng địa chính trị ở châu Âu và Trung Đông.
“Thị trường đang cố gắng quyết định xem liệu các yếu tố kinh tế cơ bản vững mạnh trên toàn cầu mà chúng ta có tại thời điểm này đang bắt đầu dọn đường cho một giai đoạn tăng trưởng yếu hơn”, Kelvin Tay, Giám đốc đầu tư khu vực tại UBS Wealth Management ở Singapore, cho hay. “Đà tăng lãi suất, kết quả lợi nhuận quý 3 yếu, căng thẳng ở Liên minh châu Âu về kế hoạch tài khóa của Italy và Brexit, và xung đột thương mại Mỹ - Trung đang khiến tâm lý nhà đầu tư ngày càng chùng xuống”.
Sau đây, Bloomberg cũng dẫn lại những diễn biến lớn nhất trong tháng 10 đầy biến động này:
Cuốn bay vốn hóa thị trường
Đây quả là một tháng đáng quên đối với thị trường cổ phiếu toàn cầu. Hơn 6.7 ngàn tỷ USD vốn hóa đã bị cuốn trôi ra khỏi thị trường toàn cầu kể từ cuối tháng 9/2018, dựa trên những ước tính của Bloomberg. Dù vậy, con số này vẫn còn thấp hơn mức 7.8 ngàn tỷ USD trong đợt điều chỉnh tháng 2/2018.
Mỹ chìm trong sắc đỏ
Thị trường con bò kéo dài cả thập kỷ qua trên Phố Wall cuối cùng đã mất đà. Chỉ số S&P 500 đã giảm 19 phiên trong số 24 phiên vừa qua kể từ khi đạt đỉnh trong tháng 9/2018, và cuối cùng đã xóa sạch toàn bộ thành quả trong năm nay vào ngày thứ Tư (24/10), và Dow Jones cũng vậy. Mùa báo cáo lợi nhuận chỉ mới trải qua 1/4 đoạn đường, các trader đang ngó lơ đi tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp và chuyển sự chú ý sang những yếu tố tác động tới triển vọng doanh nghiệp bao gồm chiến tranh thương mại ngày càng leo thang và lãi suất cao hơn.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào ngày thứ Tư (24/10), xác nhận giai đoạn điều chỉnh của Nasdaq Composite cũng như xóa hết đà tăng của Dow Jones và S&P 500 từ đầu năm đến nay, khi dự báo đáng thất vọng từ các hãng sản xuất con chip và dữ liệu doanh số bán nhà ở yếu kém đã làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận.
Cái “tát” con gấu ở châu Á
Đầu tiên là thị trường Việt Nam trong tháng 5/2018. Kế đó là Trung Quốc và Philippines trong tháng 6/2018, và Hồng Kông trong tháng 9/2018. Giờ là cả Hàn Quốc và chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương đều hóa “gấu”, trong đó chỉ số chứng khoán khu vực châu Á bước vào phạm vi thị trường con gấu lần đầu tiên kể từ năm 2016. Thị trường cổ phiếu châu Á đã mất hơn hơn 4.9 ngàn tỷ USD vốn hóa trong năm nay, và đà giảm vẫn còn chưa có hồi kết.
Một Hồng Kông đầy chán nản
Thành phố Hồng Kông bỗng nhận ra mình bị mắc kẹt giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Và thị trường cổ phiếu nước này đang gánh chịu tác động từ cuộc chiến này. Khi chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2018, chỉ số Hang Seng đã giảm hơn 2% trong 12 phiên, trong khi năm 2017 chỉ có 2 lần giảm mạnh như vậy.
Chu kỳ nâng lãi suất
Nhà đầu tư đang dự đoán thời điểm xảy ra cuộc suy thoái kế tiếp ở Mỹ, ít nhất là dựa trên thị trường Đôla châu Âu (eurodollar). Chênh lệch giữa hợp đồng Eurodollar tháng 12/2019 và tháng 12/2020 đã giảm xuống dưới mức 0, qua đó cho thấy những trader đang kỳ vọng về khả năng cắt giảm lãi suất sau năm 2019. Cùng với mức giảm gần 20 điểm cơ bản của chênh lệch hợp đồng 2018 và 2019, trader có lẽ đang dự báo khả năng chấm dứt chu kỳ nâng lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm 2019.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|