Chứng khoán châu Á “bay hơi” gần 5 ngàn tỷ USD và đà giảm vẫn chưa có hồi kết
Sau đà tụt dốc mạnh trên Phố Wall, chỉ số cổ phiếu chính của khu vực châu Á cuối cùng cũng gục ngã trước áp lực, bước vào thị trường con gấu trong đêm qua. Tính cho tới nay, chứng khoán châu Á đã “bốc hơi” hơn 4.9 ngàn tỷ USD vốn hóa trong năm 2018 và ngày hôm nay (25/10) cũng chẳng phải là ngày tươi đẹp.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương có lúc sụt tới 2.2% trong ngày thứ Năm (25/10) và do đó, đã giảm 21% so với mức đỉnh tháng 1/2018. Chỉ số Topix của Nhật Bản rớt 2.3%, chuẩn bị hướng tới mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 9/2017, còn chỉ số Nikkei 225 mất 2.8%. Chưa hết, chỉ số Kospi 100 lao dốc 2.3% và chính thức bước vào thị trường con gấu sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế tăng trưởng yếu hơn dự báo trong quý 3/2018. Thị trường Trung Quốc cũng lao dốc.
Sau khi “tụt áp” vào đầu phiên, các chỉ số chứng khoán châu Á đã phục hồi đôi chút, khi các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ ám chỉ Phố Wall có thể phục hồi vào đầu phiên 25/10. Các hợp đồng tháng 12 dựa trên S&P 500 tăng 0.3% vào lúc 12h27 (giờ Tokyo). Hợp đồng tương lai Nasdaq 100 và Dow Jones tăng tương ứng 0.5% và 0.2%.
Dù vậy, những phiên “đẫm máu” vẫn còn tiếp tục sau khi chỉ số Nasdaq Composite lao dốc 4.4%, giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2011 và bước vào trạng thái điều chỉnh trong ngày thứ Tư (24/10). Cả Dow Jones và S&P 500 đều xóa sạch đà tăng trong năm 2018, ngay cả khi thu nhập hoạt động của các công ty thuộc S&P 500 tăng vọt hơn gấp 2 lần so với mức trung bình lịch sử.
Kỷ nguyên biến động dữ dội đã trở lại và nhà đầu tư dự báo sẽ còn biến động mạnh hơn nữa trong tương lai. Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương dao động trung bình 0.9% mỗi ngày trong tháng 10/2018 (tính tới ngày 24/10), tháng biến động mạnh nhất kể từ tháng 6/2016, dựa trên dữ liệu từ Bloomberg. Khi thị trường mở cửa phiên ngày thứ Năm (25/10), sắc đỏ bao trùm trên diện rộng: Shanghai Composite của Trung Quốc có lúc mất 2.8%, Hang Seng của Hồng Kông sụt 2.4%, và ASX 200 của Australia cũng rớt hơn 2%.
Nguyên nhân đằng sau đà giảm trên thị trường châu Á đã được biết từ lâu: Đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, lo ngại về đà giảm tốc kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận, nhóm cổ phiếu công nghệ tụt dốc và đà tăng của lãi suất giữa lúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách. Thế nhưng, tuần này, nỗi lo lớn nhất đối với các nhà đầu tư là đồng USD – vừa chạm mức đỉnh mới trong ngày thứ Tư (24/10).
“Đồng USD đã và đang tăng giá trong năm nay và nhịp độ ngày càng nhanh”, Steven Leung, Giám đốc điều hành tại UOB ở Hồng Kông, cho hay. “Dòng vốn có thể tiếp tục trở lại Mỹ và khiến tình trạng rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi trở nên tồi tệ hơn trong khoảng thời gian còn lại của năm nay”.
Đà tăng của đồng bạc xanh đã khiến dòng vốn tháo chạy khỏi các quỹ cổ phiếu châu Á và buộc các ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ đang lao đao của họ. Từ đó, điều này tạo ra thêm áp lực cho các thị trường chứng khoán nội địa, ông Leung nhận định. Ông dự báo tình trạng biến động giá cổ phiếu sẽ còn tiếp diễn ở châu Á.
Những nhận định “diều hâu” của Fed trong tháng 10 này và việc chứng khoán Trung Quốc rơi xuống các mức nhạy cảm – Shanghai Composite dao động gần mức thấp nhất kể từ tháng 11/2014 – chỉ càng tạo thêm áp lực, Armand Yeung, Giám đốc quản lý tại Central Asset Investments ở Hồng Kông, cho hay.
“Liệu các thị trường châu Á có thể chịu nổi 4 đợt nâng lãi suất ở Mỹ vào năm tới? Mọi người nên nghĩ về chuyện đó đi là vừa”, Yeung cho hay. “Phần lớn mọi người – như chúng tôi đây – hiện đang rất lo ngại và đã giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu, hoặc chỉ tập trung vào các cổ phiếu phòng thủ hoặc mua trái phiếu”.
Với mức giảm 11% trong tháng 10/2018, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương sắp ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ lúc đỉnh điểm cuộc khủng hoảng tài chính 10 năm về trước. Chỉ số này giảm còn mạnh hơn cả S&P 500 và Stoxx 600, và phần lớn thị trường cổ phiếu có thành quả tệ nhất thế giới trong năm nay đều là ở châu Á. Nếu xu hướng suy giảm tiếp tục ở nhóm cổ phiếu công nghệ – chiếm tới 1/5 vốn hóa của chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương và là nhóm giảm mạnh nhất trong năm 2018, thì nhà đầu tư có lẽ nên chuẩn bị tinh thần cho giai đoạn biến động dữ dội trong tương lai.
“Chúng tôi vẫn không biết kết quả hoàn toàn của cuộc chiến thương mại này khi Mỹ và Trung Quốc hành động và đáp trả bằng lời nói”, Jim McCafferty, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu cổ phiếu châu Á (trừ Nhật Bản) ở Nomura Holdings, cho hay. “Các cổ phiếu công nghệ Mỹ đang biến động rất mạnh, vì vậy không thể tránh được việc tình trạng biến động sẽ lan sang châu Á”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|