Thứ Tư, 24/10/2018 14:08

Trung Quốc lập kế hoạch 100 tỷ Nhân dân tệ để giải tỏa bớt áp lực bán giải chấp cổ phiếu

Hàng loạt nhận định từ các quan chức Trung Quốc trong vài ngày qua là nhằm cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân gặp vấn đề về nguồn tài trợ, khi Bắc Kinh muốn giải tỏa bớt nỗi lo sợ về làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán.

Sở dĩ, các quan chức lo ngại là do giá cổ phiếu lao dốc sẽ buộc các công ty chứng khoán bán giải chấp lượng cổ phiếu được sử dụng làm khoản thế chấp và từ đó, đẩy chỉ số chứng khoán chung giảm sâu hơn.

Trong một trong những nỗ lực can thiệp mới nhất của Bắc Kinh, Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc công bố vào đêm ngày thứ Hai (22/10) rằng 11 công ty chứng khoán sẽ thành lập quỹ quản lý tài sản 100 tỷ Nhân dân tệ (tương ứng 14.5 tỷ USD) để giải thoát áp lực về bán giải chấp cổ phiếu cho các công ty có triển vọng phát triển cao.

Về phần tài trợ bằng cách thế chấp cổ phiếu, các công ty sử dụng một lượng cổ phiếu của họ làm vật thế chấp để vay nợ. Nếu giá cổ phiếu rơi xuống dưới mức đã đồng ý trước đó, tổ chức cho vay sẽ bán giải chấp cổ phiếu để thu hồi vốn, qua đó làm gia tăng nguy cơ rối loạn cả thị trường cổ phiếu.

Bất chấp động thái mới nhất của Bắc Kinh và những biện pháp gần đây để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, chứng khoán Trung Quốc vẫn giảm mạnh trong ngày thứ Ba (23/10), xóa bớt đà tăng của hai phiên trước đó.

Chỉ số Shanghai Composite đã rớt hơn 20% trong năm nay, giữa lúc nhà đầu tư lo ngại về đà giảm tốc kinh tế và căng thẳng thương mại với Mỹ – đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Hiện chứng khoán Trung Quốc nằm trong số những thị trường có thành quả tệ nhất trên thế giới trong năm 2018.

Phần lớn các chuyên viên phân tích cho rằng, việc thế chấp cổ phiếu không gây ra rủi ro lan truyền ngay thời điểm này. Thế nhưng, vấn đề này lại tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp tư nhân – vốn đóng góp tới 80% lượng việc làm.

Trên thực tế, việc thế chấp cổ phiếu phổ biến một phần cũng là do chính những động thái của Bắc Kinh. Các ngân hàng Trung Quốc ưa thích cho vay tới các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trong khi Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt hoạt động ngân hàng ngầm – một phương án thay thế chủ yếu cho các doanh nghiệp tư nhân. Kết quả là nhiều công ty Trung Quốc – nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ – phải chuyển sang thế chấp cổ phiếu của mình để vay nợ.

Trong tổng vốn hóa của thị trường Trung Quốc đại lục, khoảng 10% (tương ứng 4 ngàn tỷ Nhân dân tệ) được sử dụng để làm tài sản thế chấp, theo ước tính của một vài chuyên viên phân tích tài chính.

Trong một báo cáo ngày thứ Bảy (20/10), Kinger Lau, Chiến lược gia Trung Quốc ở Goldman Sachs, cho biết, dựa trên dữ liệu tại thời điểm đó, khoản cho vay có thế chấp bằng cổ phiếu trị giá khoảng 1 ngàn tỷ Nhân dân tệ có thể đối mặt với nguy cơ bị bán giải chấp (margin call). Con số này sẽ tăng thêm 100 tỷ Nhân dân tệ nếu thị trường chứng khoán rớt thêm 5%, trích từ báo cáo của Goldman Sachs.

Tuần trước, các chính quyền ở Bắc Kinh, Thâm Quyến và Hàng Châu thông báo các quỹ sẽ được thành lập để hỗ trợ cho các công ty địa phương gặp khó khăn trong việc thế chấp cổ phiếu.

“Trong bối cảnh đòn bẩy cao và tâm lý bi quan về cả nền kinh tế thực và thị trường tài chính, việc Chính phủ khôi phục lại niềm tin ở người dân là rất quan trọng”, Marcella Chow và Chaoping Zhu, hai chiến lược gia thị trường toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management, cho biết trong báo cáo ngày thứ Hai (22/10).

Họ cho rằng, biện pháp nới lỏng tiền tệ và tăng đòn bẩy mà Bắc Kinh sử dụng trong lúc diễn ra cú đổ đèo năm 2015 có lẽ không còn có tác động, và cần phải thực hiện nhiều cuộc cải cách thuế.

Tuyên bố lập quỹ 100 tỷ Nhân dân tệ diễn ra vào ngày thứ Hai (22/10), một ngày sau khi Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính của của Hội đồng Nhà nước tổ chức họp.

Cũng trong tuần trước, một số tổ chức tài chính quan trọng thông báo kế hoạch tài trợ trái phiếu và các kênh tài trợ mới, Chính phủ công bố dự thảo cắt giảm thuế thu nhập cá nhân tạm thời và cơ quan quản lý tài chính hàng đầu cũng đưa ra tuyên bố sẽ hỗ trợ nền kinh tế và thị trường.

Trong một lá thư vào ngày Chủ nhật (21/10) do tờ Xinhua dẫn lại, Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, nói với các nhà khởi nghiệp rằng ông sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của họ và bất kỳ lời nói hoặc hành động nào làm suy yếu nền kinh tư tư nhân đều là sai trái.

“Phần lớn tuyên bố trên chẳng có gì mới lạ, nhưng chúng là một lời nhắc nhở", Thomas Gatley, Chuyên viên phân tích doanh nghiệp tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, cho biết trong một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại trong ngày thứ Hai (22/10).

Chỉ số Shanghai Composite tăng vọt hơn 4% trong ngày thứ Hai (22/10), tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2016, sau phiên leo dốc hơn 2% trong ngày thứ Sáu (19/10).

Nhưng nếu quan sát trong lịch sử, những đà tăng như thế thường không phải là chỉ báo cho thấy một xu hướng tích cực.

Theo Bespoke Investment Research, có khoảng 32 phiên giao dịch kể từ năm 2008, chỉ số Shanghai Composite tăng 4% hoặc hơn – và phần lớn đà tăng đó diễn ra trong lúc chỉ số giảm mạnh trong năm 2008 và năm 2015.

Vẫn chưa rõ là các chính sách mới của Chính phủ có thể kích thích kinh tế và tạo ra đà tăng cho thị trường trong ngắn hạn hay không, Yongyuan Yao, Chuyên gia nghiên cứu tại Nanhua Futures, cho biết trong một báo cáo ngày thứ Ba (23/10).

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Sắc xanh trở về, Shanghai Composite tăng hơn 1.5% (24/10/2018)

>   Quỹ quản lý tài sản lớn của Trung Quốc muốn bán ra cổ phiếu (24/10/2018)

>   Rớt 20% từ mức đỉnh, “con gấu” xâm chiếm thành công chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (24/10/2018)

>   Chứng khoán Mỹ sẽ có ngày “tồi tệ” nếu thị trường Trung Quốc “rơi tự do” một lần nữa? (24/10/2018)

>   S&P 500 giảm liền 5 phiên không ngừng nghỉ (24/10/2018)

>   Dow Jones rớt hơn 400 điểm sau các báo cáo tài chính đáng thất vọng từ Caterpillar và 3M (23/10/2018)

>   Dow Jones có thể giảm hơn 300 điểm vào đầu phiên 23/10? (23/10/2018)

>   Chứng khoán Trung Quốc quay đầu giảm hơn 2% sau hai phiên tăng mạnh (23/10/2018)

>   Chứng khoán Nhật Bản “bốc hơi” hơn 500 tỷ USD trong năm 2018 (23/10/2018)

>   Hang Seng “đi” hơn 800 điểm, Kospi rớt hơn 3% (23/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật