Thứ Tư, 10/10/2018 07:25

IMF: Căng thẳng thương mại có thể châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu

Rủi ro đang dần gia tăng trong hệ thống tài chính toàn cầu và sự leo thang căng thẳng thương mại có thể đẩy tình hình thế giới vào tình thế nguy hiểm. Đây là lời cảnh báo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, theo Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu mới nhất của IMF công bố trong ngày thứ Tư (10/10), nhà đầu tư vẫn còn trong tâm lý tự mãn. Báo cáo này – vốn được công bố hai lần mỗi năm – chứa đựng những đánh giá của IMF về các điều kiện tài chính toàn cầu và nhấn mạnh tới các rủi ro trong hệ thống.

Giá chứng khoán – nhất là ở Mỹ – đã chạm mức cao kỷ lục nhiều lần trong 12 tháng vừa qua. Đây là một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư tiếp tục chấp nhận rủi ro. Thế nhưng, sự không chắc chắn về thương mại có thể khiến tâm lý nhà đầu tư xoay chiều nhanh chóng và châm ngòi cho một đợt bán tháo bất chợt trên thị trường tài chính, báo cáo này cho biết.

“Sự leo thang căng thẳng thương mại, cùng với các rủi ro địa chính trị và sự bất ổn chính sách ở các nền kinh tế lớn có thể làm tâm lý chấp nhận rủi ro xoay chiều, qua đó châm ngòi cho một đợt điều chỉnh diện rộng trên thị trường vốn toàn cầu và sự thắt chặt mạnh các điều kiện tài chính toàn cầu”, IMF cho biết trong báo cáo.

Trong ngày thứ Ba (09/10), IMF cho biết, sự gián đoạn của hoạt động thương mại toàn cầu đang đe dọa tới tăng trưởng kinh tế. Họ đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018 và 2019 bớt 0.2% xuống còn 3.7%, và hạ dự báo về mức tăng trưởng của hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ trên thế giới.

Các rủi ro từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác (nhất là Trung Quốc) xuất hiện trong lúc các thị trường mới nổi chịu nhiều áp lực vì đà tăng của đồng USD và lãi suất Mỹ, IMF lưu ý. Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina chứng kiến tình trạng rút vốn mạnh giữa lúc lãi suất tại Mỹ ngày càng tăng. Các đồng tiền ở khu vực này cũng tụt dốc so với đồng bạc xanh.

Các vấn đề ở thị trường mới nổi phần lớn là vấn đề của riêng từng quốc gia, IMF cho hay, nhưng nói thêm họ không loại bỏ khả năng khủng hoảng lan rộng ra nhiều quốc gia khác.

“Tâm lý chấp nhận rủi ro toàn cầu mạnh đã che giấu những thách thức mà cá thị trường mới nổi có thể đối mặt nếu điều kiện tài chính toàn cầu đột nhiên thắt chặt mạnh. Trong tình thế đó, rủi ro lan truyền tới toàn bộ thị trường mới nổi có thể gia tăng, qua đó nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tránh tâm lý tự mãn”, IMF cho hay.

Một báo cáo phân tích của IMF phát hiện ra, các nền kinh tế mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, có thể chứng kiến ít nhất 100 tỷ USD tháo chạy ra khỏi thị trường trong 12 tháng tới – tương tự với mức thoái vốn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các điều kiện tài chính của Trung Quốc vẫn ổn định

Các điều kiện tài chính ở Trung Quốc – quốc gia đang nằm trong tâm điểm của cuộc chiến thương mại với Mỹ – vẫn còn ổn định trên diện rộng nhờ việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), IMF cho hay.

PBoC đã 4 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, qua đó giải phóng thêm lượng vốn để cho vay tới các doanh nghiệp và hộ gia đình và từ đó hỗ trợ cho hoạt động kinh tế. Thế nhưng, NHTW Trung Quốc vẫn khẳng định rằng, chính sách tiền tệ vẫn còn “thận trọng và trung lập” chứ không phải mang tính “hỗ trợ”.

Tuy nhiên, những động thái của PBoC đã giúp giảm phần nào áp lực đang gia tăng trong hệ thống tài chính Trung Quốc, IMF nhận định. Bên cạnh xung đột thương mại, Trung Quốc cũng là tâm điểm chú ý vì ngành ngân hàng ngầm “khổng lồ” của họ và mức nợ cao ngất ngưởng của các doanh nghiệp – các vấn đề Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng giải quyết.

Dù vậy, IMF cho rằng, các cơ quan quản lý Trung Quốc không nên trì hoãn các nỗ lực cải tổ nền kinh tế, nhất là việc giảm nợ xấu.

“Mặc dù những bước đi gần đây đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn khi đối mặt với áp lực bên ngoài, nhưng chúng cũng có thể làm gia tăng rủi ro tác động tới sự ổn định tài chính trong trung hạn, nếu họ trì hoãn tiến trình giảm bớt đòn bẩy trong nền kinh tế”, Quỹ này cho biết trong báo cáo.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Donald Trump lại dọa áp thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (10/10/2018)

>   Donald Trump: Fed đang nâng lãi suất quá nhanh (10/10/2018)

>   Tuyên bố không sợ chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng Bắc Kinh lại hành động khác? (09/10/2018)

>   IMF: Lạm phát Venezuela có thể lên 10 triệu phần trăm trong năm 2019 (09/10/2018)

>   Tencent bơm hàng tỷ USD vào... 300 công ty? (09/10/2018)

>   Mỹ lo ngại về đà giảm gần đây của đồng Nhân dân tệ (09/10/2018)

>   IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vì chiến tranh thương mại (09/10/2018)

>   William Nordhaus và Paul Romer đạt giải Nobel Kinh tế năm 2018 (08/10/2018)

>   Dự trữ ngoại hối Trung Quốc suy giảm vì căng thẳng thương mại và đồng Nhân dân tệ (08/10/2018)

>   Làn sóng thâu tóm ở nước ngoài của doanh nghiệp Singapore (07/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật