IMF: Lạm phát Venezuela có thể lên 10 triệu phần trăm trong năm 2019
Tỷ lệ lạm phát của Venezuela sẽ tăng lên mức 1.37 triệu phần trăm vào cuối năm 2018, khi Chính phủ không thể bù đắp thâm hụt ngân sách bằng cách in tiền, theo một báo cáo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong ngày thứ Ba (09/10).
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF đã nâng tỷ lệ lạm phát của Venezuela lên 1.37 triệu phần trăm trong năm 2018, cao hơn nhiều so với dự báo 1 triệu phần trăm từ tháng 7/2018 và chỉ 13,000% từ hồi đầu năm 2018. Nhìn về phía trước, giá tiêu dùng sẽ tăng lên 10 triệu phần trăm trong năm 2019, theo báo cáo trên.
IMF vẫn giữ nguyên dự báo kinh tế của Venezuela, duy trì ước tính GDP Venezuela sẽ giảm 18% trong năm 2018 – đánh dấu năm thứ ba GDP nước này lao dốc ở mức hai con số, trong bối cảnh sản lượng dầu giảm và bất ổn chính trị gia tăng.
Nhiều năm sai lầm về chính sách cùng với đà sụt giảm về sản lượng dầu xuống đáy 7 năm đã đẩy nền kinh tế Venezuela vào vòng xoáy khủng hoảng. Tuy nhiên, giữa lúc dự trữ ngoại hối sụt giảm nhanh chóng và người dân đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về thực phẩm và thuốc men, chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro vẫn giữ nguyên các biện pháp kiểm soát giá cả và tỷ giá – một điều mà giới chuyên gia kinh tế cho là nguy nhân khiến Venezuela lún sâu hơn vào khủng hoảng.
Để chống chọi với lạm phát, ông Maduro đã nâng tiền lương tối thiểu 24 lần kể từ khi nhậm chức Tổng thống Venezuela trong năm 2013, bao gồm cả đợt tăng hơn 3,000% lên 1,800 Bolivare (gần 20 USD/tháng) trong tháng 8/2018. Trước tình cảnh đó, nhiều công ty đã phải sa thải người lao động vì không có tiền trả lương.
Chỉ số Cafe Con Leche Index của Bloomberg – vốn theo dõi giá của một ly cà phê ở một tiệm bánh ở phía Đông Caracas – ước tính tỷ lệ lạm phát lên tới 340,000% chỉ trong vòng 6 tháng.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|