IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vì chiến tranh thương mại
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn ổn định, khi tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu lần đầu tiên trong hơn 2 năm vì căng thẳng thương mại ngày càng leo thang và áp lực từ các thị trường mới nổi.
Trong đêm trước ngày diễn ra cuộc họp thường niên ở Bali (Indonesia), IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3.7% trong năm nay và năm tới, giảm so với mức ước tính 3.9% từ 3 tháng trước đó. Đây là lần hạ dự báo đầu tiên kể từ tháng 7/2016.
Mặc dù nền kinh tế toàn cầu vẫn có khả năng đạt mức tăng trưởng của năm ngoái (2017) – mức mạnh nhất kể từ năm 2011, nhưng có lẽ giai đoạn “mệt mỏi” đang dần định hình và thành quả chung của nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đà suy yếu của các thị trường mới nổi, từ Brazil cho tới Thổ Nhĩ Kỳ.
IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2018, nhưng lại hạ dự báo tăng trưởng cho năm tới với lý do là tác động từ cuộc chiến thương mại.
“Triển vọng hiện nay là tăng trưởng kém cân bằng hơn và ít chắc chắn hơn những gì chúng tôi kỳ vọng hồi tháng 4/2018”, Chuyên gia kinh tế trưởng IMF, Maurice Obstfeld, cho biết trong một báo cáo.
Rủi ro tác động tới triển vọng toàn cầu ngày càng gia tăng trong 3 tháng vừa qua, IMF cho biết. Các mối đe dọa bao gồm khả năng leo thang chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các quốc gia (nhất là Trung Quốc) và đà tăng mạnh hơn dự báo của lãi suất – một điều có thể đẩy nhanh tình trạng thoái vốn ra khỏi các thị trường mới nổi.
IMF đưa ra lời cảnh báo khi các nhà lãnh đạo tài chính từ 189 quốc gia thành viên của IMF chuẩn bị họp nhóm tại cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần này ở Bali (Indonesia). Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là vấn đề trọng tâm, cũng như tác động từ quá trình thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới sau một thập kỷ duy trì chính sách tiền rẻ.
Nếu chiến tranh thương mại kéo dài thì nó sẽ tác động đáng kể tới tăng trưởng toàn cầu, IMF nhận định. Theo ước tính của IMF, trong kịch bản Donald Trump thực hiện tất cả lời đe dọa áp thuế của mình (bao gồm cả thuế lên xe hơi), sản lượng toàn cầu có thể giảm hơn 0.8% trong năm 2020 và thấp hơn khoảng 0.4% so với đường xu hướng trong dài hạn. Sản lượng có thể giảm 1.6% ở Trung Quốc và hơn 0.9% ở Mỹ trong năm 2019, theo kết quả từ các mô hình của IMF.
IMF hạ bớt dự báo tăng trưởng trên diện rộng. Quỹ này hạ dự báo tăng trưởng năm tới của Mỹ xuống 2.5%, giảm 0.2% so với dự báo tháng 7/2018, sau khi xét tới yếu tố tác động từ các hàng rào thuế quan từ chính quyền Trump và cả thuế quan trả đũa của các quốc gia khác. Tuy nhiên, họ lại giữ nguyên dự báo tăng trưởng Mỹ trong năm nay ở mức 2.9%.
Trong năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp hàng rào thuế quan lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng đã đáp trả bằng cách áp thêm thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Dự báo của IMF chưa tính tới khả năng Donald Trump thực hiện áp thuế lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc
Ngoài ra, IMF cũng giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc vì tác động của hàng rào thuế quan, hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 xuống 6.2%, thấp hơn 0.2% so với mức ước tính của 3 tháng trước.
IMF dự báo, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tăng trưởng 2% trong năm nay, thấp hơn 0.2% so với ước tính tháng 7/2018, vì khu vực này tăng trưởng yếu hơn dự báo trong 6 tháng đầu năm 2018.
Tuy nhiên, Quỹ này lại nâng dự báo tăng trưởng của Nhật Bản lên 1.1% trong năm 2018, tăng 0.1% so với ước tính tháng 7/2018.
Một vài thị trường mới nổi cũng bị hạ dự báo tăng trưởng, bao gồm Argentina, Brazil, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó phản ánh các yếu tố như tín dụng thắt chặt hơn.
IMF cho biết, họ kỳ vọng lạm phát trên thế giới sẽ tăng nhanh hơn trong năm nay, phần lớn là do đà tăng của giá hàng hóa. Lạm phát lõi – loại bỏ những mặt hàng biến động như năng lượng và thực phẩm – sẽ thay đổi theo từng quốc gia, họ cho biết.
Ở Mỹ, chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (core PCE) – thước đo lạm phát yêu thích của Fed – được dự báo tăng lên 2.1% trong năm 2018 và 2.3% vào năm tới, khi các gói kích thích tài khóa của chính quyền Mỹ đẩy tăng trưởng vượt mức tiềm năng.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|