Tuyên bố không sợ chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng Bắc Kinh lại hành động khác?
Trong ngày Chủ nhật (07/10), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng và đây là một chỉ báo cho thấy các cơ quan quản lý tại nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới ngày càng tỏ ra lo ngại về cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trong một báo cáo dài 71 trang, Trung Quốc khăng khăng nhấn mạnh, nền kinh tế vẫn “rất kiên cường” và Bắc Kinh không hề sợ chiến tranh thương mại.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Thiên Tân trong tháng 9/2018, một quan chức từ cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc nhận định, chính quyền Donald Trump chẳng thể làm gì để tác động đáng kể với nền kinh tế nước này. Fang Xinghai, Phó Chủ tịch của Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc, nói rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra khi Mỹ áp hàng rào thuế quan lên tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chỉ khiến tăng trưởng của nước này giảm 0.7%.
Tuy nhiên, động thái giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới đây từ PBoC để xoa dịu áp lực lên lĩnh vực ngân hàng lại cho thấy, tình hình của quốc gia này có lẽ không khỏe mạnh đến thế, các chuyên gia cho biết.
“Trung Quốc có lẽ đang đối mặt với giai đoạn tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tất cả thông tin đang chống lại họ”, Fraser Howie, Chuyên viên phân tích độc lập và là người đã viết nhiều cuốn sách về Trung Quốc và hệ thống tài chính của nước này, cho biết trong ngày thứ Hai (08/10).
Trong ngày Chủ nhật (07/10), PBoC giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bớt một điểm phần trăm và có hiệu lực từ ngày 15/10. Kết quả là bơm khoảng 750 tỷ NDT (gần 110 tỷ USD) vào nền kinh tế. Thế nhưng, PBoC vẫn khẳng định, chính sách tiền tệ vẫn thận trọng và trung lập – chứ không phải mang tính hỗ trợ.
Một chính sách tiền tệ trung lập có nghĩa là Ngân hàng Trung ương sẽ không cố kìm hãm hoặc kích thích nền kinh tế. Khi chính sách được cho là mang tính hỗ trợ, nó có nghĩa là Ngân hàng Trung ương đang làm giảm chi phí đi vay đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình với hy vọng họ sẽ gia tăng chi tiêu và từ đó thúc đẩy nền kinh tế.
Một cuộc chiến thương mại kéo dài trong lúc nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh có thể thôi thúc nhiều nhà đầu tư rút tiền khỏi Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh phải thực hiện các động thái để tránh dẫn tới tình trạng rút vốn ra khỏi hệ thống tài chính, qua đó có thể tác động tiêu cực tới một nền kinh tế vốn đang trong giai đoạn giảm tốc, các chuyên viên phân tích cho biết.
“Tại thời điểm đầu năm 2018, tôi nghĩ các đợt giảm RRR có liên quan nhiều hơn tới việc hỗ trợ cho quá trình giảm bớt đòn bẩy trong nền kinh tế, chỉ cung cấp vốn tới các ngân hàng gặp khó khăn về tín dụng, khi chính quyền cố gắng kiểm soát ngành ngân hàng ngầm và một số hoạt động bất ổn khác”, Cindy Ponder-Budd, Chuyên viên phân tích từ công ty nghiên cứu View from the Peak, cho biết trong ngày thứ Hai (08/10). “Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại và bạn bắt đầu nhận thấy chính quyền trở nên chủ động hơn trong việc cung cấp gói kích thích”.
Động thái mới nhất của PBoC được đưa ra trong ngày cuối cùng của Tuần lễ Vàng ở Trung Quốc. Khi thị trường Trung Quốc khép lại tuần trước, chứng khoán Hồng Kông giảm điểm 4 ngày liên tiếp, khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại về tác động của chiến tranh thương mại. Vừa hoạt động trở lại sau Tuần lễ Vàng (Golden Week), thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc mạnh và ghi nhận một khởi đầu tháng 10 tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ. Trước tình cảnh đó, những nhà đầu tư giá lên (bull) còn lại cũng tỏ ra hoảng sợ và rút vốn ra khỏi thị trường.
Trong ngày thứ Hai (08/10), nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9.7 tỷ Nhân dân tệ (tương ứng 1.4 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc loại A, gần đạt mức kỷ lục vừa xác lập từ 8 tháng trước. Chỉ số Shanghai Composite giảm tới 104.84 điểm (tương ứng 3.72%) xuống 2,716.51 điểm.
Đáng chú ý hơn, chỉ số FTSE China A50 Index – bao gồm các cổ phiếu Trung Quốc vốn hóa lớn và có nhiều cổ phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài ưa thích – lao dốc gần 5% trong đợt bán tháo dữ dội nhất kể từ tháng 1/2016. Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ có lúc giảm tới 0.5%.
Một số chuyên viên giao dịch (trader) cho biết, việc thiếu vắng sự can thiệp của nhóm National Team – các quỹ có sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc – đã làm đà giảm trở nên trầm trọng hơn trong phiên chiều. Các biện pháp hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng không thể “chữa lành” nỗi đau, sau quá nhiều thông tin tiêu cực, bao gồm số liệu sản xuất công nghiệp yếu và những lời cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Tuần trước, cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông cũng giảm ở mức độ tương tự.
“Trung Quốc có chút gì đó lo ngại. Có quá nhiều yếu tố tiêu cực đối với Trung Quốc và tôi nghĩ sẽ là hợp lý khi chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất và kỳ vọng vào điều tuyệt vời nhất”, Gareth Nicholson, Trưởng Bộ phận thu nhập cố định của Bank of Singapore, cho biết trong ngày thứ Hai (08/10).
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|