Thứ Bảy, 13/10/2018 14:00

Chân dung công ty đánh bại Apple và Samsung ở châu Phi

Chưa bao giờ bán một chiếc điện thoại nào trong nước, cũng như không hề “có tên tuổi” ở phương Tây, nhưng gã khổng lồ đến từ Trung Quốc này lại đang thống trị các thị trường khắp châu Phi và khiến những “tay chơi” như Samsung và Apple phải “chào thua” ở lục địa với dân số hơn một tỷ người.

Tại các thành phố như Lagos, Nairobi và Addis Ababa, những con phố nhộn nhịp đang tràn ngập những cửa hàng xanh dương của Tecno, thương hiệu hàng đầu của Transsion. Một điều lạ lùng là, ở Trung Quốc, công ty này không hề có lấy một cửa hàng, và trụ sở cao chót vót của họ ở siêu đô thị phía nam của Thâm Quyến hầu như lọt thỏm giữa các tòa nhà chọc trời mang tên của những công ty công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, công ty này đã chọn một con đường khác để thành công, chứ không như các nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu khác của Trung Quốc như Huawei và Xiaomi, bắt đầu ở Trung Quốc rồi mở rộng ra nước ngoài.

Transsion xây dựng doanh nghiệp ở châu Phi. Và hiện tại, họ không có kế hoạch trở về quê nhà.

Hoàn hảo cho những bức ảnh selfie

Trong trung tâm mua sắm Edna trên con đường Bole nhộn nhịp ở Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia, Mesert Baru đang tạo dáng cho chiếc Tecno Camoni. "Điện thoại này chụp ảnh selfie rất tốt", cô trợ lý cửa hàng 35 tuổi cho biết, đồng thời tỏ ra ngưỡng mộ bức ảnh mình vừa chụp.

Sự hài lòng của Mesert không phải là không có lý. Các camera của chiếc Tecno đã được tối ưu hóa cho làn da châu Phi - Phó Chủ tịch của Transsion, Arif Chowdhury, giải thích. "Máy ảnh của chúng tôi điều chỉnh nhiều ánh sáng hơn cho làn da sẫm màu hơn, vì vậy, bức ảnh đẹp hơn. Đó là một trong những lý do chúng tôi đã thành công”, ông tiết lộ.

Người sáng lập ra Transsion, George Zhu, đã dành gần một thập niên để đi châu Phi với vai trò là trưởng bộ phận bán hàng cho một công ty điện thoại di động khác trước khi nhận ra rằng bán cho dân châu Phi những chiếc điện thoại di động được sản xuất riêng cho các thị trường phát triển là cách tiếp cận sai lầm.

Và việc chọn đúng thời điểm của ông hầu như là không thể tốt hơn. Vào giữa những năm 2000, Chính phủ Trung Quốc, với chiến lược "hướng ra ngoài" của họ, đã khuyến khích các doanh nhân nhìn ra nước ngoài và thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ hơn, đặc biệt là với những quốc gia châu Phi.

Điện thoại di động đang lan rộng nhanh chóng ở Trung Quốc, nhưng ở châu Phi – với tổng dân số gần tương đương - chúng vẫn là một mặt hàng xa xỉ. Nói cách khác, châu Phi có thể là một Trung Quốc mới.

Cung cấp cho người tiêu dùng những gì họ muốn

Năm 2006, Zhu tung ra Tecno ở Nigeria, nhắm vào quốc gia đông dân nhất châu Phi đầu tiên. Ngay từ đầu, phương châm của công ty ông là "suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”, nghĩa là sản xuất ra những chiếc điện thoại đáp ứng nhu cầu cụ thể của người dân châu Phi.

"Khi bắt đầu kinh doanh ở châu Phi, chúng tôi nhận thấy mọi người có nhiều SIM trong ví của họ và phải luôn tháo điện thoại ra để đổi SIM để tránh những mức phí gọi khác mạng ngất ngưởng. Tuy nhiên, họ không đủ khả năng mua hai chiếc điện thoại, vì vậy chúng tôi mang đến một giải pháp cho họ”, Chowdhury cho biết. Thế là Zhu làm cho tất cả những chiếc điện thoại di động Tecno đều có thể sử dụng SIM kép.

Nhiều sáng kiến ​​hơn cũng được Transsion cho ra đời sau đó. Họ mở các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc, Nigeria và Kenya nhằm tìm ra cách thu hút người dùng châu Phi hơn. Các ngôn ngữ địa phương như Amharic, Hausa và Swahili đã được thêm vào bàn phím và điện thoại được cung cấp pin có thời lượng lâu hơn.

Điều tưởng nhỏ này hóa ra lại rất quan trọng. Chẳng hạn, ở Nigeria, Nam Phi và Ethiopia, chính phủ thường xuyên tắt nguồn điện để bảo tồn năng lượng, khiến mọi người không thể sạc điện thoại của họ trong nhiều giờ. Còn tại các thị trường kém phát triển, như Cộng hòa Dân chủ Congo, Chowdhury cho biết, người tiêu dùng có thể phải đi bộ 30 km để sạc điện thoại của họ tại ngôi chợ trong vùng và phải trả tiền. "Đối với những người tiêu dùng đó, thời lượng pin dài hơn là một ‘phước lành’", ông nói thêm.

Sewedo Nupowaku, Giám đốc điều hành của công ty giải trí Revolution Media, cho biết ông đã chuyển từ Samsung S3 sang Tecno L8 vì lý do này. "Tôi có thể có đến 24 giờ liên tục để nói chuyện, duyệt web trên điện thoại này, không vấn đề gì. Với Samsung thì không đời nào được thế".

Nhưng có lẽ động thái thông minh nhất của Transsion là chuyện giá cả. Họ có ba thương hiệu chính: Tecno, Infinix và Itel. Hầu hết các điện thoại bình thường và điện thoại thông minh của họ đều được bán với giá từ 15 USD đến 200 USD.

Mesert cho biết cô đã mua điện thoại thông minh Tecno với giá 2,000 birr (72 USD). Tại một cửa hàng gần nơi làm việc của cô, một chiếc iPhone 7 có giá tương đương 906 USD và Samsung Galaxy J7 khoảng 360 USD. Tiền lương trung bình hàng tháng ở Ethiopia dao động từ 1,500 birr (54 USD) đến 3,000 birr (108 USD), và hầu hết các nhà cung cấp trên khắp châu Phi đều không cho phép khách hàng trả góp.

"Khoảng 95% điện thoại thông minh của Transsion có giá dưới 200 USD", Mo Jia, một nhà phân tích của hãng nghiên cứu công nghệ Canalys cho biết. "Họ là vua của điện thoại thông minh giá rẻ”.

Tecno: 'Chúng tôi là người châu Phi'

Chưa đầy một thập niên trước, điện thoại Trung Quốc hầu như không được chú ý đến ở châu Phi. Trong năm 2010, Nokia và Samsung thống trị doanh số trên toàn châu lục. Đến nửa đầu năm nay, thị phần của Nokia đã sụp đổ và Samsung chỉ bán được 1/10 trong tổng số điện thoại được bán ra ở đây. Theo Canalys, Transsion đã bất ngờ nổi lên để chiếm hơn 50% thị trường. Chỉ riêng mảng điện thoại thông minh, họ chiếm gần 1/3 tổng doanh số ở châu Phi, theo IDC.

Jia cho rằng Apple đã tự mãn về thị trường châu Phi, bởi vì họ xem mức lợi nhuận ít ỏi trên những chiếc điện thoại giá rẻ là không đáng để cạnh tranh. Trong khi đó, Transsion lại rất vui khi kiếm được mức lợi nhuận biên thấp, ông nói thêm.

Trong chính sách tiếp thị, Transsion không nhấn mạnh đến nguồn gốc Trung Quốc của họ. "Ở châu Phi, chúng tôi nói rằng mình là người châu Phi", Chowdhury giải thích lý do tại sao các cửa hàng của Tecno không mang các ký tự Trung Quốc hay biển hiệu của một thương hiệu Trung Quốc. Trong báo cáo 100 Thương hiệu châu Phi năm 2017-2018 do tạp chí African Business xuất bản, Tecno được xếp hạng là thương hiệu được ngưỡng mộ thứ 7 ở châu Phi, tăng vọt so với vị trí thứ 14 của năm trước, nhưng vẫn xếp sau Samsung (xếp thứ 2) và Apple (xếp thứ 5). iPhone vẫn được coi là một sản phẩm cao cấp mà nhiều người châu Phi khao khát được sở hữu.

Ở Ethiopia, Transsion tiến thêm một bước nữa để đồng hóa. Kể từ năm 2011, mọi chiếc điện thoại được bán tại quốc gia đông dân thứ hai của châu Phi này được lắp ráp tại các cơ sở ở ngoại ô Addis Ababa. Khoảng 700 công nhân lắp ráp những màn hình, bảng mạch và pin được sản xuất tại Thâm Quyến để cho ra đời 2,000 chiếc điện thoại thông minh và 4,000 chiếc điện thoại bình thường mỗi ngày.

Transsion cho biết họ có tổng cộng 10,000 nhân viên địa phương ở châu Phi và 6,000 nhân viên ở Trung Quốc. Theo Jia, lực lượng lao động châu Phi chi phí thấp giúp họ giảm giá thành và cũng làm tăng thêm sự hấp dẫn đối với một số người tiêu dùng. "Tôi thích điện thoại của mình được sản xuất ở Ethiopia”, Mesert nói.

Mở rộng ở Ấn Độ và xa hơn nữa

Đối với Transsion, tăng trưởng trong tương lai có thể đến từ việc xây dựng doanh nghiệp bên ngoài châu Phi, ở các thị trường đang phát triển khác, chẳng hạn như Nga, Indonesia và Bangladesh. Trong năm 2017, họ cho ra mắt Tecno ở Ấn Độ và trong vòng một năm đã chiếm được 5% thị trường khổng lồ này, theo IDC.

Làm thế nào Tecno tăng trưởng nhanh như thế? Chowdhury cho rằng đó là nhờ vào một sự đổi mới khác phù hợp với phong tục địa phương.

"Người Ấn Độ sử dụng bàn tay để bốc thức ăn, vì thế ngón tay của họ thường dính đầy dầu mỡ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn đang ăn trưa và ông chủ của bạn gọi? Bạn cố gắng nhận cuộc gọi nhưng vân tay của bạn sẽ không có tác dụng".

Và giải pháp của họ là: Cho ra đời những màn hình có thể đọc các ngón tay trơn tuột.

Nhã Thanh (Theo CNN)

FILI

Các tin tức khác

>   Donald Trump: Chính Fed khiến thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh (12/10/2018)

>   Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng: Mỹ đang là nền kinh tế “nóng” nhất trên thế giới (11/10/2018)

>   Dow Jones rớt hơn 800 điểm, Donald Trump nói đây chỉ là một đợt điều chỉnh (11/10/2018)

>   Sau 10 năm, nhà đầu tư tìm kiếm tín hiệu về cuộc khủng hoảng kế tiếp (10/10/2018)

>   Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc từ chức để tranh cử Tổng thống? (10/10/2018)

>   Mỗi giờ Mercedes-Benz kiếm được bao nhiêu? (10/10/2018)

>   IMF: Căng thẳng thương mại có thể châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu (10/10/2018)

>   Donald Trump lại dọa áp thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (10/10/2018)

>   Donald Trump: Fed đang nâng lãi suất quá nhanh (10/10/2018)

>   Tuyên bố không sợ chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng Bắc Kinh lại hành động khác? (09/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật