JICA nói gì về những vướng mắc trong các khoản vay ODA Nhật Bản?
Mới đây, Bộ Tài chính đã có báo cáo trình lên Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các khoản vay ODA của Nhật Bản trong năm tài chính 2018.
Điều đáng nói, ngay sau đó, đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện vốn ODA của Nhật Bản. Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng, quốc tịch nhà thầu trong các dự án ODA Nhật Bản chủ yếu vẫn là doanh nghiệp Nhật Bản.
Nhà thầu Nhật Bản chiếm đa số?
Nhà thầu Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhà thầu tham gia dự án ODA Nhật Bản.
|
Tuy nhiên, trước thông tin này, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp JICA khẳng định, các công ty Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất trong số các đơn vị thực hiện hợp đồng dự án có sử dụng vốn vay ODA từ Nhật Bản. Đây là kết quả của hoạt động đấu thầu cạnh tranh trong các dự án ODA của Nhật Bản.
Dẫn chứng điều này, JICA cho biết, trong cả những dự án áp dụng điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP) có mức ưu đãi đặc biệt, với lãi suất 0,1%, thời gian trả nợ là 40 năm. Theo đó, quy định STEP chỉ áp dụng cho các dự án mà công nghệ và bí quyết của Nhật Bản được áp dụng một cách đáng kể, tuy nhiên, các nhà thầu Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi đó nhà thầu Nhật Bản tham gia với tư cách là nhà thầu phụ hoặc công ty đối tác liên doanh.
Ngoài ra, số liệu JICA cung cấp cũng cho thấy, trong tổng số vốn vay từ năm 2010 đến năm 2017, các khoản vay STEP chỉ chiếm 38% trong khi 62% còn lại là các khoản vay được cung cấp mà không có bất kỳ hạn chế nào về quốc tịch của nhà thầu hoặc nguồn gốc mua sắm.
Các quy định có thực sự làm tăng chi phí dự án?
Bên cạnh quốc tịch nhà thầu, có nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình thẩm định khoản vay, đối tác Nhật Bản cũng đưa ra các quy định để tăng chi phí dự án và quy mô cho vay, ví dụ như như tiền lương của tư vấn trong nước và quốc tế, dự phòng trượt giá.
Bảng so sánh tỷ lệ vốn vay ODA và trái phiếu Chính phủ.
|
Quan điểm của JICA là mỗi năm tài khoá JICA đều ban hành hướng dẫn chung về thẩm định. Theo đó, các mục được nêu trong hướng dẫn chung là các quy tắc áp dụng mang tính toàn cầu và được thiếp lập cho mục đích ước tính chi phí. Ngoài ra, JICA cũng thảo luận kỹ lưỡng với phía Việt Nam, trong đó có Bộ Tài chính, về các mục trong hướng dẫn chung trước khi tiến hành thẩm định và hoàn tất dự toán chi phí.
Để tránh xảy ra tình trạng thiếu vốn trong quá trình thực hiện dự án, bản Hướng dẫn chung đưa ra các quy định chung về tỷ giá hối đoái, các định mức chi phí, dự phòng và trượt giá nhằm thực hiện ước tính chi phí. Dựa trên chi phí ước tính cho dự án, JICA sẽ quyết định về khối lượng vốn vay được cung cấp theo nguồn tài chính của JICA. Vì vậy, các mục được nêu trong bản hướng dẫn chung được sử dụng để đánh giá khối lượng tài chính thích hợp tài trợ cho dự án.
Về nguyên tắc, hoạt động mua sắm sẽ được tổ chức theo hình thức đấu thầu cạnh tranh hoặc đấu thầu cạnh tranh hạn chế, nếu đó là khoản vay có điều kiện ràng buộc và chi phí thực tế cho mỗi gói thầu sẽ được xác định sau khi đánh giá kết quả đấu thầu, ký kết hợp đồng giữa chủ dự án và nhà thầu, nhà tư vấn trong giai đoạn thực hiện. Giá thực tế được xác định thông qua đấu thầu cạnh tranh, và thường thấp hơn so với ước tính chi phí trong quá trình thẩm định.
Ngoài ra, phía JICA cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng, khoản vay ODA của Nhật Bản thường được cung cấp kết hợp với viện trợ không hoàn lại dưới hình thức nghiên cứu khả thi hoặc hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thực hiện dự án. Trong khi đó, vốn trong nước không có những ưu điểm như vậy.
Trong đó có thể kể đến,các kỹ năng, công nghệ tiên tiến phía Việt Nam tiếp nhận được từ một số dự án vốn vay ODA Nhật Bản. Một là, kỹ năng như quản lý dự án an toàn, hiệu quả; Hai là, công nghệ tiên tiến như hệ thống ống nhiên liệu cho sân bay Nội Bài; Ba là, công nghệ xây cầu, phương pháp thi công và lắp đặt hệ thống giám sát dữ liệu bảo trì cầu Nhật Tân.
Ngọc Hà
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|