Chủ tịch Quốc hội: Một số cán bộ tài sản rất lớn nhưng không giải trình được
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói như vậy và khẳng định việc xử lý tài sản thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý là cần thiết để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh Gia Hân
|
Sáng 10.9, phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, trong đó, tập trung vào vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.
Báo cáo tại phiên họp, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, sau khi tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án luật đưa ra 2 phương án để xử lý vấn đề này để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, ngoài phương án thu thuế thu nhập cá nhân, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đề xuất thêm phương án xem xét, giải quyết tại tòa án.
Theo phương án này, nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình.
Tranh luận về xử lý tài sản không rõ nguồn gốc
Đồng tình với phương án xem xét, giải quyết tại tòa, song ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, nói rằng ông vẫn băn khoăn về tính khả thi của phương án này.
Ông Phúc cho hay, trước các kỳ đại hội hoặc các lần bầu cử thì đơn thư tố cáo rất nhiều, chủ yếu liên quan tới kê khai tài sản. Do đó, các cơ quan kiểm soát tài sản không biết có thực hiện được không. Bên cạnh đó, việc một người cấp dưới chuyển hồ sơ về tài sản không giải trình được của cấp trên của mình ra tòa thì rất khó.
“Chẳng hạn, Ban Công tác đại biểu của Quốc hội mà kiểm soát tài sản của các đồng chí thường trực ủy ban này, các đồng chí Thường vụ Quốc hội thì có ký chuyển hồ sơ ra tòa không”, ông Phúc nêu ví dụ.
Từ đó, ông Phúc đề xuất thành lập một cơ quan kiểm soát tài sản độc lập để kiểm soát tài sản của những người giữ chức vụ từ tổng cục trưởng trở lên, còn tổng cục phó trở xuống thì giao cho các cơ quan như tại dự thảo luật.
Trong khi đó, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, thì cho rằng, dự thảo luật chưa quy định thế nào là hợp lý trong giải trình tài sản, thu nhập tăng thêm nên nếu kéo nhau ra tòa cãi nhau thì không thể giải quyết được. Bên cạnh đó, ông Chiến cũng đề nghị phải lấy ý kiến của các cơ quan kiểm soát tòa án, cũng như tòa án xem các đơn vị này có thể thực hiện được như phương án xem xét giải quyết tại tòa hay không.
Trong khi đó, nhiều ý kiến lại cho rằng, phương án xem xét, giải quyết tại tòa sẽ phát sinh thủ tục, thời gian giải quyết lâu và cho rằng phương án thu thuế là nhanh gọn và hợp lý hơn.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội, nếu không giải trình hợp lý thì chuyển cho cơ quan thuế yêu cầu nộp thuế 1 lần và phạt việc trốn thuế, nộp chậm. Ông Hiển tính toán, mức thuế hiện nay cao nhất là 35%, phạt thêm 3 lần nữa là 115%, như vậy tổng là 145% rồi cộng thêm số tiền nộp chậm nữa. “Nếu làm nghiêm như thế thì cứ luật thuế mà nộp có khi vượt quá số tài sản mà anh không chịu kê khai”, ông Hiển nói và cho rằng, việc chuyển hồ sơ cho tòa thủ tục rườm rà và phức tạp.
Đồng tình với phương án thu thuế song ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đề nghị vấn đề này không chỉ xin ý kiến của Bộ Chính trị mà đưa ra xin ý kiến của Ban chấp hành T.Ư để tạo được tính thống nhất cao trong nội bộ thì khi triển khai sẽ thuận lợi hơn.
Dân quan tâm nhất là thu hồi được tài sản tham nhũng không
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đối với tài sản do tham nhũng mà có, theo luật Phòng chống tham nhũng hiện hành và dự thảo luật đang được thảo luận đều quy định rõ là tịch thu.
Tuy nhiên, riêng đối với tài sản tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật chưa có quy định nào để xử lý trong khi không loại trừ những tài sản này có nguồn gốc bất hợp pháp.
Theo bà Ngân, thực tế xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm thời gian qua cho thấy, có một số cán bộ công chức, viên chức có tài sản rất lớn nhưng không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Nhà nước cũng chưa có cơ sở pháp lý nào để xử lý vấn đề này.
Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội, việc đưa vấn đề này để xử lý trong luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, phù hợp với xu thế chung.
“Người dân không cần biết ông đó bị tù bao nhiêu năm mà chỉ muốn biết là vụ án tham nhũng đó đã thu hồi được chưa và thu hồi được bao nhiêu. Tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân đều nói như vậy. Người dân quan tâm nhất là có thu hồi được tài sản tham nhũng không”, bà Ngân nói.
Tuy nhiên, bà Ngân cũng cho biết, trong xã hội Việt Nam, người dân có truyền thống tích lũy tài sản từ nhiều đời nên việc xử lý vấn đề này cũng phải tính. Bên cạnh đó, thu nhập của công chức hiện nay cũng nhiều nguồn, từ làm thêm giờ, làm thêm với nhiều hình thức… trong khi nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội.
Do đó, đối với 2 phương án mà cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đưa ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phương án thu thuế và giải quyết tại tòa, bà Ngân cho biết, cả 2 đều có ưu và nhược điểm. Từ đó, bà Ngân đề nghị, sau khi cân nhắc, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo Bộ Chính trị cả 2 phương án này để Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
“Còn việc có đưa ra Hội nghị Ban chấp hành T.Ư để xin ý kiến không sẽ do Bộ Chính trị quyết định. Nếu Bộ Chính trị thấy đây là vấn đề phức tạp, cần xin ý kiến T.Ư thì sẽ xin ý kiến của T.Ư”, bà Ngân chốt lại.
Lê Hiệp
Thanh niên
|