Thứ Hai, 10/09/2018 22:00

Hà Tĩnh: Bi đát lò mổ tập trung thiết kế 140 con, chỉ mổ 7 con/ngày

Được đầu tư lên đến hàng tỷ đồng, trong đó hầu hết là tiền vay ngân hàng, nhưng các lò giết mổ gia súc tập trung ở trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đang hoạt động trong cảnh cầm chừng, lay lắt, thua lỗ nặng nề. Nếu không có giải pháp giải cứu từ tỉnh, nhiều lò mổ tập trung này sẽ phá sản.

Thiết kế 140 con, mổ 7 con/ngày

Suốt hơn 2 năm nay, gia đình bà Dương Thị Hải Lan, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh luôn như ngồi trên đống lửa. Nguyên nhân xuất phát từ việc tất cả tiền của, công sức của gia đình đầu tư vào cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo chương trình tăng cường kiểm soát vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm của gia đình bà có nguy cơ trôi xuống sông, xuống biển.

Được đầu tư từ năm 2015 trên diện tích 5.000 m2 với chi phí gần 3 tỷ đồng, theo thiết kế, cơ sở giết mổ của bà Lan có công suất giết mổ 140 con/ngày của 10 xã, phường thuộc huyện Kỳ Anh.

Cơ sở giết mổ tập trung của bà Lan được đầu tư trên khu đất rộng 5.000 m2
Bên trong cơ sở giết mổ tập trung của bà Lan

Thế nhưng, theo bà Lan, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, lò mổ của gia đình bà luôn trong tình trạng lay lắt, số lợn vào lò giết mổ rất ít, chưa bao giờ đạt 30% công suất thiết kế. Càng bi đát hơn khi những tháng gần đây, mỗi ngày cơ sở của bà Lan chỉ giết mổ từ 7 đến 10 con.

Không hoạt động hết công suất đồng nghĩa với thu không đủ bù chi đã làm cho cơ sở giết mổ của bà Lan luôn ở trong tình trạng thua lỗ, điêu đứng, mỗi tháng cơ sở của bà phải bù lỗ hàng chục triệu đồng.

Do hoạt động cầm chừng, thua lỗ nên cơ sở giết mổ tập trung hoạt động hết sức èo uột.

“Cơ sở đầu tư quy mô, bài bản như thế, nhưng nay chỉ mổ mỗi ngày trên dưới chục con heo nên thu cũng mới chỉ đủ trả điện nước, công cho một vài người. Mỗi tháng tôi phải bù lỗ hàng chục triệu đồng chi phí, gồm: tiền nhân công; tiền lãi ngân hàng; tiền hao phí vật dụng; chi phí điện, nước, chất đốt…”- bà Lan buồn bã nói.

Theo bà Lan, ngoài bù lỗ, hiện nay một phần cơ sở giết mổ đã xuống cấp, nhất là vấn đề xử lý nguồn nước và bể lắng lọc, muốn đầu tư sửa chữa cũng không có kinh phí. “Thực sự hiện gia đình tôi đã không thể trụ được nữa, có thể phải đóng cửa hoạt động mà thôi”- bà Lan nói.

Bà Dương Thị Hải Lan hiện đang ngồi trên đống lửa do áp lực trả nợ từ cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư lên đến hàng tỷ đồng.

Thực trạng bi đát của lò mổ thuộc gia đình bà Lan cũng là tình trạng chung của các lò giết mổ tập trung được UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết liệt triển khai từ năm 2015. Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh Hà Tĩnh có tổng cộng 40 lò giết mổ tập trung, trong số này chỉ số ít là hoạt động ở mức “lấy công làm lãi”, số còn lại khoảng 20 cơ sở gặp quá nhiều khó khăn, èo uột.

Chỉ tính riêng tại huyện Cẩm Xuyên, trong số 6 cơ sở giết mổ tập trung thì một nửa trong số đó thua lỗ triền miên. Lò giết mổ Cẩm Bình có công suất thiết kế là trên 40 con/ngày, được xây dựng trên cơ sở quy hoạch vùng giết mổ tập trung cho 7 xã vùng phía bắc Cẩm Xuyên, song trên thực tế chỉ có 1 hộ ở xã Cẩm Bình, 2 hộ ở thành phố Hà Tĩnh tham gia giết mổ với số lượng 7 đến 10 con/ngày. Số lượng giết mổ ít, chủ lò mổ này đang rất khốn đốn, vấn đề đóng cửa chỉ còn là thời gian.

Lò giết mổ Cẩm Bình có công suất thiết kế trên 40 con/ngày, hiện chỉ mổ chưa tới 10 con. Chủ cơ sở này cũng đã tính đến phương án dừng hoạt động vì không kham nổi chi phí duy trì hoạt động.

Trong khi đó, do không thể bù lỗ, chủ cơ sở giết mổ tập trung ở xã Cẩm Lĩnh phục vụ các xã phía Nam huyện Cẩm Xuyên đã phải tìm việc làm khác.

Đâu là nguyên nhân?

Đồng loạt các chủ lò mổ ở thị xã Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê... bức xúc phản ánh, khi lập dự án đầu tư, tỉnh đã cam kết sẽ chấm dứt hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, tự phát, đưa hoạt động giết mổ truyền thống này vào các lò mổ tập trung nhằm kiểm soát vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư.

Thế nhưng, thực tế, cam kết trên đã không được tỉnh, các địa phương thực hiện triệt để, để hoạt động giết mổ tại gia nhỏ lẻ vẫn công khai hoạt động ở khắp các địa phương. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy các lò mổ tập trung được đầu tư tốn kém, đồng bộ vào tình cảnh bi đát.

Bà Dương Thị Hải Lan làm đơn kêu cứu khẩn cấp kiến nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh UBND thị xã Kỳ Anh vào cuộc.

Thực trạng trên đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) chỉ rõ trong bản Báo cáo Công tác quản lý giết mổ gửi UBND tỉnh vào ngày 29/7/2018. Theo báo cáo này, hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh còn có tới 56/262 xã, thị trấn thuộc các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Đức Thọ, thị xã Kỳ Anh không đưa gia súc vào giết mổ tập trung; hoạt động giết mổ ở những xã này diễn ra tại hộ cá thể trái với quy định của nhà nước.

Nhân viên kiểm dịch địa bàn tiếp tay cho hoạt động giết mổ chui

Vào tháng 3/2018, qua phản ánh của người dân, UBND phường Sông Trí (TX Kỳ Anh) phối hợp với cơ quan chức năng đã phát hiện 1 kiểm dịch viên có dấu hiệu tiếp tay cho các cơ sở giết mổ chui. Sau sự vụ này kiểm dịch viên nói trên đã bị Trung tâm Ứng dụng KHKT Cây trồng - Vật nuôi thị xã Kỳ Anh chấm dứt hợp đồng.

Thực tế, ngoài số lượng tới 1/5 xã chưa đưa hoạt động giết mổ vào tập trung, thì còn rất nhiều hộ cá thể vẫn hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, giết mổ chui ở các xã, thị trấn đã có cơ sở giết mổ tập trung như đã nói. Điển hình, dù theo thiết kế lò mổ tập trung ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên phục vụ giết mổ cho 2 xã, gồm Cẩm Lĩnh, Cẩm Nhượng và thị trấn Thiên Cầm, thế nhưng ở 3 địa phương này vẫn còn nhiều hộ giết mổ nhỏ lẻ, hoạt động chui.

Ông Trần Hữu Duyệt, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cùng lãnh đạo một số huyện ở Hà Tĩnh cho rằng, tình trạng nể nang, thiếu giám sát, xử lí chưa mạnh tay của chính quyền các xã là nguyên nhân khiến tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, chui vẫn còn xảy ra.

"Việc kiểm soát hoạt động giết mổ theo phân cấp trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã. Tuy nhiên, thực tế nhiều xã còn thiếu quyết liệt, còn tâm lý nể nang. Đó cũng là lý do đoàn liên ngành xuống xử lý xong, nhưng sau đó cơ sở vẫn tái phạm"- ông Duyệt nói.

Theo ông Duyệt, sắp tới huyện sẽ gắn trách nhiệm của người đứng đầu về vấn đề này, địa phương nào để xảy ra tình trạng giết mổ nhỏ lẻ thì người đứng đầu ở đó sẽ chịu trách nhiệm. Ở cấp huyện cũng gắn trách nhiệm của cán bộ liên quan. "Đây không phải thể hiện trách nhiệm đối với các chủ cơ sở đã đầu tư tiền của vào lò mổ tập trung, mà còn là bảo vệ mức cao nhất vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng"- ông Duyệt nói.

Theo tìm hiểu, trước những phản ứng của các chủ lò mổ đang ngồi trên đống lửa vì thua lỗ, đang đứng trước nguy cơ phá sản, hiện UBND tỉnh Hà Tĩnh đang chỉ đạo nhiều cơ quan chức năng của tỉnh, trong đó đặc biệt là Sở NN&PTNT tỉnh vào cuộc mạnh tay xử lý đối với hoạt động giết mổ chui, giết mổ tại gia trái với quy định.

Được biết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh- ông Đặng Ngọc Sơn- được tỉnh giao trực tiếp chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng giết mổ chui, giải cứu các chủ lò mổ tập trung vốn đang gặp quá nhiều khó khăn.

Văn Dũng - Văn Thành

Dân Trí

Các tin tức khác

>   Chủ tịch Quốc hội: Một số cán bộ tài sản rất lớn nhưng không giải trình được (10/09/2018)

>   Tín hiệu “lạ” của Tân Hiệp Phát (10/09/2018)

>   Tăng nhập khẩu từ Mỹ, Việt Nam ký hợp đồng mua máy bay 18,3 tỉ USD (10/09/2018)

>   Bất ngờ bản án lần 2 đối với "bộ sậu" Công ty Lương thực Vĩnh Long (10/09/2018)

>   Đà Nẵng bàn chuyện dời sân bay hay giữ lại? (10/09/2018)

>   Hai thương hiệu vàng biến động trái chiều, tỷ giá trung tâm tăng (10/09/2018)

>   Giới siêu giàu - họ là ai? (10/09/2018)

>   Đại gia thủy sản miền Tây sở hữu siêu xe, biển số "độc" hầu toà (10/09/2018)

>   Chính phủ đề nghị chọn phương án giải quyết tài sản bất minh tại toà (10/09/2018)

>   Thời trang xa xỉ: Cuộc đua song mã nghìn tỷ (09/09/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật