Thứ Sáu, 28/09/2018 15:41

Cái dây thắt lưng và cuộc chiến thương mại của ông Trump

Đối với những người mua sắm ở Mỹ, nó có lẽ chỉ là một chiếc thắt lưng bằng da. Thế nhưng, hành trình 16,000 dặm để tạo nên và vận chuyển chiếc thắt lưng đơn giản này phụ thuộc một mạng lưới công ty phức tạp – đang chịu áp lực chưa từng thấy từ cuộc chiến thương mại của ông Trump.

Khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gây gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa và nguyên vật liệu khắp Thái Bình Dương, một mạng lưới rộng lớn các nhà cung ứng, nhà phân phối, công ty sản xuất và khách hàng – phải mất hàng thập kỷ để tạo dựng mối quan hệ – giờ đang bị thách thức bởi các hàng rào thuế quan từ cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mỹ nhập khẩu 217 triệu USD dây thắt lưng bằng da sản xuất tại Trung Quốc trong năm 2017, chỉ là một phần nhỏ của hoạt động giao thương đồ da giữa hai quốc gia trị giá hàng tỷ USD mỗi năm. Để đo lường tác động của các hàng rào thuế quan và những mối đe dọa đang tác động tới những “đối tượng chính” trong chuỗi cung ứng này, Bloomberg News đã theo dõi một chiếc dây nịt da trong cuộc hành trình từ một cánh đồng ở Texas cho tới một nhà máy ở phía Nam Trung Quốc và sau đó lại được chuyển về tay của người tiêu dùng Mỹ.

Trong cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng”, Trung Quốc đã áp thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong đó có hàng hóa bằng da. Còn chính quyền Donald Trump đã áp thêm thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong đó da, thắt lưng và các phụ kiện khác đều nằm trong hàng rào thuế quan mới nhất (200 tỷ USD).

Từ lâu đã được xem là công xưởng của thế giới, Trung Quốc sản xuất phần lớn hàng hóa bằng da đang được sử dụng trên toàn cầu. Thế nhưng, giờ đây, ngành da ở Trung Quốc và ở Mỹ đang phải đấu tranh chống lại những hậu quả từ cuộc chiến thương mại khi căng thẳng trong mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ qua giữa Mỹ và Trung Quốc tạo ra cơ hội cho những đối thủ khác.

“Khoảng 10 tỷ USD hàng hóa bằng da (cả nhập khẩu và xuất khẩu) bị tác động”, Su Chaoying, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Ngành Da Trung Quốc (CLIA), nhận định. “Vì vậy, chúng tôi đang phải đối mặt với những vấn đề rất nghiêm trọng”.

Câu chuyện bắt đầu từ một trang trại ở Texas, với một con bò.

Xử lý da

Việc xử lý từ da bò thành dây nịt bằng da bắt đầu tại Texpac Hide and Skin Ltd. ở Fort Worth, Texas. Công ty đã lấy da bò tươi từ các lò mổ và nhà máy đóng gói thịt, sau đó xử lý lại và xuất khẩu chúng khắp thế giới trong 18 năm qua.

Các nhà máy xử lý da ở Mỹ, như Texpac, phụ thuộc nhiều vào các xưởng làm da Trung Quốc mua hàng của họ. Năm 2017, khoảng 1 tỷ USD sản phẩm da của Mỹ – chiếm hơn 50% sản lượng của quốc gia này – xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong tháng này, Trung Quốc đã áp thêm thuế 5% hoặc 10% lên một số loại mặt hàng da nhập khẩu nhất định nhằm đáp trả lại hàng rào thuế quan 200 tỷ USD của Mỹ. Texpac và các công ty xử lý khác hiện đang mất dần thị phần vào các công ty cạnh tranh ở Brazil và Australia – những công ty đang trả mức thuế thấp hơn.

“Nếu phải trả nhiều hơn một chút, những người Trung Quốc sẽ tìm tới các quốc gia khác để cung cấp những gì họ cần”, Jamie Zitnik, Chủ tịch của Texpac, cho hay. “Họ sẽ không có lựa chọn nào khác nếu họ không thể dựa vào chúng ta như là một đối tác thương mại”.

Các hàng rào thuế quan được đưa ra khi thị trường da đang chịu nhiều áp lực, vì ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua sản phẩm có nguyên liệu từ sợi tổng hợp và không ưa chuộng những sản phẩm từ động vật và nông nghiệp công nghiệp (industrial farming).

Công ty Texpac xử lý khoảng 25,000 bộ da mỗi tuần, và chuyển khoảng 80 container da tới Trung Quốc mỗi tháng. Kể từ lúc cuộc chiến thương mại nổ ra, ông Zitnik đã hứa hẹn với những người mua tại Trung Quốc rằng ông sẽ chia sẻ bớt gánh nặng từ hàng rào thuế quan với họ.

Việc áp thuế thêm 5% sẽ làm mỗi container đắt hơn 1,440 USD.

“Đó là con số tăng quá lớn”, ông Zitnik buồn rầu nói.

Vận chuyển

Lượng da – vốn sẽ được xử lý thành dây thắt lưng và các sản phẩm khác ở Trung Quốc – phải được đóng gói trong các container đặc biệt. Những chiếc hộp được lau sạch sẽ một cách kỹ lưỡng, đệm và lót bằng nhựa để tránh làm ẩm da trong suốt chuyến đi.

Hyundai Merchant Marine Co. – công ty vận tải biển lớn nhất của Hàn Quốc – cho biết, họ nhận thấy số lô hàng vận chuyển tăng vọt vì đây là mùa cao điểm và khi các nước đổ xô chuyển hàng trước khi chiến tranh thương mại leo thang.

Thợ thuộc da

Một khi được chuyển tới Trung Quốc, đến lượt các thợ thuộc da (tanner) bắt đầu công việc của họ, lột lông, xử lý về mặt hóa chất và nhuộm da để sản xuất một tấm da hoàn hiện. Giai đoạn này có thể rất nguy hiểm vì phải sử dụng tới các hóa chất như Crom hóa trị 6 – một hóa chất có thể gây ra ung thư phổi.

Công việc này được xử lý bởi các công ty Trung Quốc hoạt động ở các vùng nông thôn, như công ty Dongguan Junxi Leather. Công ty này có nhà máy cách thành phố Quảng Châu khoảng 5 giờ đi xe.

Tổng Giám đốc Lyu Zhihao đã ngừng đặt hàng từ các nhà cung ứng da tại Mỹ. Dù vậy, ông vẫn có hai container đang trên đường đến Trung Quốc, mỗi container chứa lượng da trị giá 700,000 USD. Ông hiện đã dư thừa nguyên liệu và cho biết không thể trả thêm thuế đánh trên các container này. Ông chia sẻ, các cơ quan quản lý cảng Trung Quốc đang kiểm soát nghiêm ngặt những lô hàng từ Mỹ, qua đó gây ra trì hoãn trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

“Thật sự quá khó, vì chúng tôi đã gầy dựng mối quan hệ với các nhà cung ứng Mỹ trong nhiều năm qua, nhưng tôi muốn cắt đứt hoàn toàn nguồn hàng từ Mỹ”, ông nói. “Có quá nhiều nỗi lo khi phải nhập khẩu hàng từ Mỹ”.

Công ty sản xuất dây thắt lưng

Gia đình của Jennie Zhang đã sản xuất dây nịt da ở phía Nam Trung Quốc kể từ năm 1939. Các tấm da hoàn thiện sẽ được bán cho các nhà máy Trung Quốc giống như nhà máy của cô Jennie Zhang – Guangzhou Jinhuamei Leatherware Co.

Công ty của cô Zhang xuất khẩu 1/3 sản lượng cho các công ty bán lẻ ở Mỹ. Các công ty như Target và Walmart – vốn lấy nguồn túi da và dây nịt da từ các nhà cung cấp Trung Quốc như Guangzhou Jinhuamei Leatherware Co. – giờ buộc phải trả thêm thuế 10% để xuất khẩu sang Mỹ. Mức thuế này sẽ tăng lên 25% vào tháng 1/2019.

Kể từ khi chính quyền Trump buông lời đe dọa áp thuế trong tháng 7/2018, Zhang đã chờ đợi cho điều không thể tránh khỏi. Cô đoán rằng những khách hàng ở Mỹ sẽ yêu cầu giảm giá để bù đắp tác động từ các hàng rào thuế quan.

“Nếu chúng tôi nói rằng chúng tôi không giúp đỡ khách hàng để bù đắp chi phí thuế quan và ngừng nhận đơn đặt hàng từ phía Mỹ, có lẽ chúng tôi buộc phải đóng cửa nhà máy và đánh mất tất cả”, cô nói. “Thế nhưng, nếu chúng tôi đồng ý bù đắp một chút chi phí, chúng tôi sẽ phải thua lỗ mỗi tháng. Vì vậy, hoặc là ‘chết’ liền hoặc ‘chết’ từ từ”.

Các nhà bán lẻ

Để hoàn tất hành trình, dây nịt da được vận chuyển từ các nhà máy như Guangzhou Jinhuamei Leatherware Co. sang Mỹ. Ở đó, những nhà bán lẻ và bán buôn sẽ phải gánh chịu thêm chi phí từ thuế quan. Từ các ông lớn bán lẻ cho tới những người chủ cửa hàng nhỏ, thông điệp đều giống nhau: Người mua hàng sẽ phải trả chi phí gia tăng từ thuế quan.

“Những nhà nhập khẩu nói với tôi rằng, họ sẽ không có khả năng gánh chịu thêm thuế quan, vì vậy họ sẽ phải chuyển nó sang ‘người’ khác”, Sara Mayes, người đứng đầu Hiệp hội các Nhà cung cấp Phụ kiện Thời trang (FASA) ở New York, cho hay. “Người tiêu dùng rồi cũng phải trả thêm phần gia tăng”.

Cô cho biết, việc tìm kiếm nguồn cung thay thế bên ngoài Trung Quốc sẽ khó và mất ít nhất 1 năm để tìm.

Khách hàng

Đối với những người mua sắm ở Mỹ, họ chợt nhận ra rằng họ rồi cũng sẽ hứng chịu tác động từ cuộc xung đột thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tại cửa hàng Macy ở New York, nhiếp ảnh gia Antoine Spignardo và stylish Savvy Taylor đang tìm kiếm bộ trang phục để chuẩn bị cho buổi chụp ảnh.

“Khi bắt đầu nhận thấy giá thay đổi 15% hoặc 20%, thì tôi sẽ thực sự chú ý tới sự thay đổi giá này”, Taylor nói, cầm trong tay dây thắt lưng đang được bán với giá 55.8 USD. Đối với một món hàng đắt giá, mức tăng 15-20% sẽ gây ra hiệu ứng rất lớn, Spignardo cho hay.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump giáng cho Trung Quốc thêm đòn thuế? (28/09/2018)

>   Kinh tế Đức đối mặt với nguy cơ giảm tốc trong hai năm liên tiếp (28/09/2018)

>   Nối gót Fed, NHTW Indonesia nâng lãi suất lần năm trong 4 tháng qua (27/09/2018)

>   NHTW Philippines nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (27/09/2018)

>   Chủ tịch Fed lạc quan về kinh tế Mỹ (27/09/2018)

>   Ông Trump tố Trung Quốc muốn can thiệp bầu cử Quốc hội Mỹ (27/09/2018)

>   Donald Trump “nổi đóa” vì Fed nâng lãi suất (27/09/2018)

>   Đúng như dự báo, Fed nâng lãi suất lần ba trong năm 2018 (27/09/2018)

>   Trung Quốc không còn là mỏ vàng với Apple, Coca-Cola, Starbucks (26/09/2018)

>   HSBC: Kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2030? (26/09/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật