Kinh tế Đức đối mặt với nguy cơ giảm tốc trong hai năm liên tiếp
Các chuyên gia và nhà tư vấn kinh tế hàng đầu của Đức ngày 27/9 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2018 và 2019, do lo ngại những tác động từ căng thẳng thương mại trên toàn cầu và tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề.
Ảnh minh họa. (Nguồn: CNN)
|
Theo các chuyên gia thuộc các viện nghiên cứu lớn nhất nước Đức như Ifo, RWI, DIW, IfW và IWH, kinh tế nước này trong năm nay sẽ chỉ tăng trưởng 1,7%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, trong khi mức dự báo của năm 2019 cũng được đánh tụt từ mức tăng 2% xuống 1,9%.
Nhu cầu tiêu thụ từ bên ngoài yếu đi và những khó khăn ngày càng gia tăng của các doanh nghiệp trong việc tìm đủ nhân công đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ năng là những yếu tố chính ảnh hưởng tới đà tăng trưởng kinh tế của Đức.
Bất chấp khả năng nền kinh tế giảm tốc, năm viện nghiên cứu kể trên vẫn dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Đức sẽ giảm từ mức ước tính 5,2% năm nay xuống 4,8% năm 2019. Trong khi đó, dự báo lạm phát của Đức được nâng thêm 0,1 % mỗi năm, lên mức tương ứng là 1,8% năm 2018 và 2% năm 2019.
Động thái này diễn ra sau khi Hiệp hội công nghiệp Đức (BDI) ngày 25/9 hạ dự báo tăng trưởng năm 2018 từ 2,25% xuống 2%, với việc viện dẫn nhu cầu đối với hàng xuất khẩu Đức giảm sút do chính sách thương mại của Mỹ và vấn đề Brexit (chỉ việc nước Anh rời EU), cũng như mối đe dọa đối với nền kinh tế hàng đầu châu Âu do chủ nghĩa bài ngoại. Ngoài ra, các cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và khả năng Vương quốc Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận cũng được xem như những mối đe dọa kinh tế đối với Berlin.
Ngoài ra, trong báo cáo được công bố cùng ngày, các viện nghiên cứu kể trên cảnh báo rằng bất kỳ sự leo thang bất đồng thương mại nào liên quan tới Mỹ cũng có thể gây suy thoái lớn tại Đức và châu Âu.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa đánh thuế nhập khẩu ôtô từ Liên minh châu Âu (EU) có thể làm giảm số lượng việc làm, tác động tiêu cực tới hiệu quả sản xuất và nền kinh tế thịnh vượng tại Đức.
Các biện pháp đánh thuế mở rộng với giá trị áp thuế cao từ Washington còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới một cuộc đại suy thoái không chỉ ở Đức mà cả châu Âu. Tuy vậy, EU tuyên bố sẽ đáp trả thích đáng nếu Tổng thống Trump áp đặt thêm các mức thuế nhập khẩu ôtô, trong khi hai bên đang thảo luận cách thức nhằm dỡ bỏ các rào cản thương mại.
Giới chuyên gia nhận định rằng Đức - quốc gia có khoảng 1/3 số công việc phụ thuộc vào ngành xuất khẩu - sẽ chịu tác động nặng nề từ bất kỳ khoản đánh thuế nào của Mỹ đối với các đơn hàng nhập khẩu ôtô, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực ôtô của nước này.
Tình hình căng thẳng vẫn không ngừng leo thang trong tháng Tám vừa qua, sau khi Tổng thống Trump bác đề nghị của EU xóa bỏ các mức áp thuế đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu vào Mỹ, có thể lên tới 25%./.
Minh Trang
Vietnam+
|