Trung Quốc có thể sử dụng quy định an ninh mạng để đối phó với Mỹ?
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mỗi lúc một nóng hơn, Trung Quốc có thể sử dụng các tiêu chuẩn an ninh mạng như là “một công cụ vô hình” để đáp trả lại các hàng rào thuế quan từ phía Mỹ, theo nhận định của một chuyên gia.
Những tiêu chuẩn an ninh mạng là những nguyên tắc do Chính phủ Trung Quốc ban hành, trong đó hướng dẫn về những thứ như bức tường lửa (firewall) và phần mềm – vốn mang tính tự nguyện về công nghệ, nhưng đôi khi lại được xem là bắt buộc đối với các đối tác doanh nghiệp Trung Quốc của các công ty nước ngoài. Trong vài năm vừa qua, Bắc Kinh đã phát hành gần 300 tiêu chuẩn quốc gia mới, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết trong một báo cáo trước đó trong tháng này.
Theo báo cáo trên, những tiêu chuẩn bổ sung trên khiến Trung Quốc trở thành một thị trường ngày càng khó tiếp cận đối với một số công ty. Những tiêu chuẩn mới có khả năng làm gia tăng chi phí đối với các công ty sở hữu nước ngoài và còn làm trì hoãn hoạt động ở Trung Quốc. Thậm chí, chúng có thể còn khiến các công ty phải đóng cửa các hoạt động ở Trung Quốc.
Hiện nay, xuất hiện lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng cơ chế tiêu chuẩn của mình để đáp trả lại Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Và nếu nền kinh tế lớn nhất châu Á này thật sự dùng những quy định này làm “vũ khí” để tác động tới các doanh nghiệp Mỹ thì chi phí từ việc này sẽ rất khó đo lường. Ngoài ra, tác động của tiêu chuẩn mới lên các công ty nước ngoài có thể kéo dài giai đoạn căng thẳng hiện tại, theo báo cáo từ CSIS.
Không như hàng rào thuế quan, các tiêu chuẩn an ninh mạng ít có khả năng nới lỏng trở lại khi cuộc chiến thương mại kết thúc. Điều này một phần là do chiến dịch gia tăng sức mạnh về mạng (cyber power) của Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình.
CSIS đưa ra lời cảnh báo về những quy định an ninh mạng sau khi Trung Quốc đáp trả lại hàng rào thuế quan của Mỹ bằng cách áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ – động thái mới nhất của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại.
Bà Sacks cho hay, có khả năng là Bắc Kinh sẽ đáp trả lại hàng rào thuế quan của Mỹ thông qua một công cụ “vô hình” như các tiêu chuẩn an ninh mạng.
Cho tới nay, Nhà Trắng đã áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và kế đó là hàng rào thuế quan lên 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 23/08.
Chưa dừng lại ở đó, chính quyền Mỹ đang xem xét áp thuế từ 10% đến 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tức hơn 500 tỷ USD. Ngoài ra, ông cũng đang xung đột với Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh khác của Mỹ.
Từ các công ty công nghệ cho tới công ty giày dép
Các chuyên viên phân tích cho rằng, các tiêu chuẩn an ninh mạng của Trung Quốc hiện không chỉ bao gồm ngăn chăn các cuộc tấn công mạng mà còn phục vụ mục đích bảo vệ các công ty trong nước khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài.
Mặc dù một số tiêu chuẩn kỹ thuật số đã được Chính phủ Trung Quốc triển khai chỉ là để đáp ứng mục tiêu an ninh mạng, nhưng một số quy định khác được tạo ra để đáp ứng các mục tiêu “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” (Made in China 2025), Bà Sacks cho biết. Kế hoạch “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” là sáng kiến lớn của Trung Quốc nhằm xây dựng chuyên môn trong các lĩnh vực sản xuất tiên tiến như robot và các phương tiện vận chuyển sử dụng năng lượng sạch.
Sacks nói thêm rằng, các tiêu chuẩn an ninh mạng sử dụng các ngôn ngữ mô hồ quanh việc xác minh và kiểm tra.
Nếu Trung Quốc quyết định sử dụng các tiêu chuẩn an ninh mạng để gây tổn thương cho các công ty Mỹ thì điều này có thể tác động tới thế giới doanh nghiệp trên diện rộng.
“Nhiều người nghĩ rằng các quy định an ninh mạng sẽ chỉ ảnh hưởng tới công ty công nghệ hay công ty mạng xã hội. Tuy nhiên, tác động là trên diện rộng”, bà cho hay. “Những quy định này có thể ảnh hưởng tới tất cả lĩnh vực phụ thuộc vào công nghệ thông tin và viễn thông, vì thế mà bao gồm các công ty có sử dụng trang web hoặc mạng lưới ảo riêng. Nó còn có thể ảnh hưởng tới công ty giày dép, bán lẻ, thương mại điện tử và sản xuất công nghiệp”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|