Thứ Ba, 14/08/2018 06:25

Các đồng tiền của thị trường mới nổi “cắm đầu” vì khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ

Đà lao dốc của đồng Lira đã khiến nhà đầu tư cảm thấy hoảng sợ và bán đổ bán tháo các đồng tiền khác của thị trường mới nổi.

Đồng Lira đã mất hơn 40% trong năm nay, vì nỗi lo về một nền kinh tế đang quá nhiệt và cuộc xung đột với Mỹ. Tuy nhiên, nỗi lo về đà bán tháo của đồng Lira không chỉ tác động tới Thổ Nhĩ Kỳ mà còn lan rộng ra trên khắp thế giới, đáng chú ý nhất là đồng tiền của các thị trường mới nổi đều rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Đồng Rand của Nam Phi bị tác động mạnh nhất, có lúc giảm hơn 10%, nhưng đã phục hồi đôi chút lên mức 14.51 đổi 1 USD. Đồng Rand hiện đang dao động ở mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Đồng Rupee của Ấn Độ rơi xuống mức thấp nhất mọi thời đại tại 69.62 đổi 1 USD vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai (13/08), trước khi phục hồi trở lại 69.695 đổi 1 USD sau các động thái từ Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ. Reuters ghi nhận rằng, đồng Rupiah của Indonesia có lúc chạm mức thấp nhất trong gần 3 năm, nhưng sau đó, Ngân hàng Trung ương của nước này đã can thiệp vào thị trường để hỗ trợ đồng Rupiah.

Vào lúc 4h30 (giờ ET), đồng Lira dao động ở mức 6.78 đổi 1 USD. Trước đó, đồng tiền này có lúc chạm mức thấp nhất mọi thời đại là 7.24 đổi 1 USD.

Đà hồi phục của đồng Lira diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ quyết định cải thiện thanh khoản vào phiên chiều ngày thứ Hai (13/08). NHTW Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ sẽ giám sát chặt chẽ thị trường và giá, đồng thời thực hiện mọi biện pháp cần thiết để duy trì sự ổn định. Hôm thứ Hai (13/08), Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết họ sẽ phát hành một loại trái phiếu kỳ hạn 91 ngày để “đa dạng hóa công cụ vay nợ và hỗ trợ thị trường tài chính”.

Về phần thị trường chứng khoán, chỉ số Bist 100 của Thổ Nhĩ Kỳ chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009 (xét trên phương diện đồng USD), trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng bị tác động cực kỳ nặng nề.

Và ở châu Âu, cổ phiếu của 3 ngân hàng có tỷ lệ tài sản ở Thổ Nhĩ Kỳ lớn nhất là Unicredit, BBVA và BNP Paribas đều lao dốc trong ngày thứ Hai (13/08), vì đà trượt dốc không phanh của đồng Lira.

Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ được nhìn nhận là cực kỳ “mong manh” vì mức nợ ngoại tệ cao. Đồng Lira càng suy yếu thì việc trả nợ ngoại tệ càng đắt đỏ hơn. Theo các ước tính mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm tới hơn 50% GDP của quốc gia này.

Lo ngại về tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, giới đầu tư đang đổ xô mua những tài sản an toàn như đồng USD, Franc Thụy Sỹ và Yên Nhật.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Mỹ “đút túi” hơn 1.4 tỷ USD từ hàng rào thuế quan thép và nhôm (14/08/2018)

>   Vì đâu Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào khủng hoảng? (13/08/2018)

>   Khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ nguy hiểm cỡ nào? (13/08/2018)

>   Trung Quốc đề xuất cấm tạo nền tảng cho vay trực tuyến mới (13/08/2018)

>   Đồ hàng hiệu bỗng trở nên rẻ hơn rất nhiều ở Thổ Nhĩ Kỳ (13/08/2018)

>   Thổ Nhĩ Kỳ công bố kế hoạch khẩn cấp chống khủng hoảng tài chính (13/08/2018)

>   Đồng Lira tiếp tục rơi khi Thổ Nhĩ Kỳ dấn sâu vào khủng hoảng (13/08/2018)

>   NHTW Trung Quốc tuyên bố sẽ không dùng Nhân dân tệ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ (12/08/2018)

>   Giới ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ họp khẩn để đánh giá tác động từ cú sốc tiền tệ (11/08/2018)

>   Đà Nẵng nan giải giành lại sân Chi Lăng (11/08/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật