Thứ Bảy, 11/08/2018 20:22

Giới ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ họp khẩn để đánh giá tác động từ cú sốc tiền tệ

Trong bối cảnh nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện, câu hỏi lớn hiện nay là cú sốc này có thể lan ra tới đâu.

Đà tụt dốc không phanh của đồng Lira đã gây ra chấn động trên khắp thị trường toàn cầu vào ngày thứ Sáu (10/08), khi căng thẳng diễn ra giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là những đồng minh tại NATO. Trong ngày thứ Sáu (10/08), có lúc đồng Lira rớt tới 20% so với đồng USD, qua đó làm dấy lên lo ngại rằng những rối rắm về tài chính có thể lan rộng tới châu Âu và cả các thị trường mới nổi.

Vấn đề cấp thiết nhất đối với các nhà hoạch định chính sách Thổ Nhĩ Kỳ là hệ thống tài chính – vốn dễ bị tác động bởi cú sốc lãi suất và tỷ giá hối đoái. Bốn người thân cận với vấn đề cho hay, cơ quan điều hành hệ thống ngân hàng đã liên lạc với một số ngân hàng vào ngày thứ Bảy (11/08), sau khi yêu cầu họ nghiên cứu về những tác động tiềm ẩn từ cú sốc tiền tệ. Cơ quan Quản lý và Giám sát Hệ thống ngân hàng (BDDK) ở Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã tổ chức các cuộc trao đổi trong ngày thứ Bảy (11/08), theo nguồn tin từ Bloomberg.

“Đây là một loại khủng hoảng tiền tệ trong sách giáo khóa, một loại khủng hoảng đang dần biến đổi thành cuộc khủng hoảng nợ và thanh khoản vì những sai lầm chính sách”, ông Win Thin, Chiến lược gia tại Brown Brothers Harriman & Co. ở New York, cho hay. “Với cách thức mọi thứ đang diễn ra, thị trường cần phải chuẩn bị cho trường hợp ‘hạ cánh cứng’ của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, khả năng các doanh nghiệp không thể trả nợ bằng ngoại tệ và khả năng khủng hoảng ngân hàng”.

Mặc dù yếu tố kích hoạt cho cú sốc tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt mới từ phía Mỹ, nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng, nền kinh tế 900 tỷ USD này vốn đã đến bờ vực nguy hiểm trước đó. Nhiều năm chính sách nghiêng về hướng thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá đã khiến nhiều công ty ngập lặn trong nợ nần (nhất là nợ bằng đồng ngoại tệ), lạm phát tăng mạnh và trở thành một trong những quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất trên thế giới.

Hiệu ứng dây chuyền (knock-on) diễn ra ngay lập tức. Khi rối ren tại Thổ Nhĩ Kỳ châm ngòi cho nỗi sợ về khả năng lan truyền cú sốc, nhà đầu tư bắt đầu bán đổ bán tháo các tài sản rủi ro và tìm tới sự an toàn trong các trái phiếu ở các nền kinh tế phất triển. Trái phiếu Chính phủ Mỹ và Đức nhảy vọt. Đồng Rand của Nam Phi, đồng Peso Argentina và thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt lao dốc. Đồng Euro giảm tới 1.2% xuống mức thấp nhất trong 1 năm so với đồng USD, khi xuất hiện lo ngại về tỷ trọng tài sản của các ngân hàng châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Chỉ một vài ngân hàng châu Âu đã được xác nhận là nhà đầu tư lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tác động từ Thổ Nhĩ Kỳ không đủ nghiêm trọng để châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngân hàng ở châu Âu, các chiến lược gia cho hay.  

Các biện pháp cùng cực

Hiện nhà đầu tư cho rằng, chỉ có các biện pháp cùng cực (extreme measures) mới có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi vực thẳm. Các chủ đề từng bị cấm kỵ trước đây – như nhờ sự trợ giúp quốc tế hoặc áp các biện pháp kiểm soát vốn – giờ đang được bàn luận ở Thổ Nhĩ Kỳ và trong giới tài chính quốc tế.

Ngoài ra, cũng có những dấu hiệu cảnh báo từ những người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Các đợt viếng thăm tới ba chi nhánh ngân hàng khác nhau ở Istanbul trong ngày thứ Sáu (10/08) cho thấy, yêu cầu rút ngoại tệ ngày càng tăng mạnh. Đây là điều không mấy bình thường đối với các chi nhánh không có đủ ngoại tệ trong tay để thực hiện các đợt rút ngoại tệ lớn, và những nhân viên quầy giao dịch tại các chi nhánh này cho biết, họ đang chờ đợi tiền mặt từ các trụ sở chính để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trong các nhận định ngày thứ Sáu (10/08), ông Erdogan khẳng định các lực lượng bên ngoài sẽ không có khả năng “nghiền nát quốc gia này”. Ngoài ra, ông liên tục nhấn mạnh: “Các kế hoạch lãi suất cũng không khác gì so với một âm mưu đảo chính”. Erdogan – người thực sự có quyền kiểm soát hệ thống ngân hàng – đã từ chối nâng lãi suất khi đồng Lira tụt dốc không phanh. “Hãy đổi đồng Euro, USD, và vàng mà bạn đang giấu dưới gối sang đồng Lira tại các ngân hàng của chúng ta. Đây là cuộc đấu tranh trong nước và quốc gia”, Erdogan cho biết (dựa trên bản phiên dịch của Associated Press).

“Những người cho rằng họ có thể khiến chúng ta đầu hàng hông qua các âm mưu thao túng kinh tế, thì họ có lẽ chẳng biết gì về đất nước của chúng ta”, ông Erdogan cho biết tại Gumushane. Ngoài ra, ông trấn an người dân rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế kỷ lục trong năm 2018, “bất chấp các cuộc tấn công vào đất nước chúng ta thông qua tỷ giá hối đoái”.

Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm ngày càng mạnh trong ngày thứ Sáu (10/08), chạm mức đáy kỷ lục mới, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép tăng gấp đôi hàng rào thuế quan lên nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter: “Tôi vừa cho phép tăng gấp đôi thuế quan lên thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ khi đồng tiền của họ, đồng Lira, rớt giá nhanh chóng so với đồng USD mạnh của chúng ta! Nhôm sẽ chịu thuế 20% và thép thì 50%. Mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ không tốt tại thời điểm này!”.

“Việc thất bại trong việc đảo ngược xu hướng chủ nghĩa đơn phương và thiếu tôn trọng này sẽ buộc chúng ta bắt đầu tìm kiếm những người bạn mới và đồng minh mới”, ông Erdogan nhận định.

Khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy các dấu hiệu lan truyền ra các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Các công ty tư nhân của Thổ Nhĩ kỳ đã vay ngoại tệ quá nhiều và hiện đang có “núi” nợ chồng chất, tương đương khoảng 40% sản lượng kinh tế hàng năm của quốc gia. Trong năm vừa qua, một vài các tập đoàn đa ngành lớn nhất và đáng ngưỡng mộ nhất của Thổ Nhĩ kỳ đã yêu cầu tái cấu trúc hàng tỷ USD nợ bằng ngoại tệ, và nhiều công ty khác cũng làm theo.

Dù vậy, các cổ phiếu ngân hàng tụt dốc 6.4% trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày thứ Sáu (10/08), nâng tổng mức giảm trong năm 2018 lên 37%. Nhà đầu tư đang cho rằng, họ sẽ bị tác động bởi khả năng giảm tốc của nền kinh tế, đà tăng của nợ xấu và lãi suất cao hơn.

Nhà đầu tư tin rằng, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải ngó lơ mong muốn của ông Erdogan và tuyên bố nâng mạnh lãi suất chuẩn để ngăn chặn đà rơi tự do của đồng Lira.

“Trông có vẻ như một sự sụp đổ hoàn toàn, vì vậy họ cần phải hành động ngay bây giờ”, Morten Lund, Chiến lược gia tại Nordea Bank AB ở Copenhagen, cho hay. “Đồng Lira sẽ tiếp tục rơi nếu họ không nâng lãi suất”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Đà Nẵng nan giải giành lại sân Chi Lăng (11/08/2018)

>   Ông Trump dọa áp thuế xe hơi từ Canada (11/08/2018)

>   Rắc rối ở Thổ Nhĩ Kỳ làm chao đảo thị trường toàn cầu (11/08/2018)

>   Ông Trump tăng thuế quan lên nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng Lira rớt gần 20% (10/08/2018)

>   Lao dốc 13%, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ xuống thấp kỷ lục (10/08/2018)

>   Tàu chở đậu tương Mỹ vật vờ ngoài khơi Trung Quốc (09/08/2018)

>   Bất chấp xung đột với Mỹ, xuất khẩu Trung Quốc vẫn tăng mạnh hơn dự báo (09/08/2018)

>   Trung Quốc áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ (08/08/2018)

>   Truyền thông Trung Quốc công khai chỉ trích ông Trump về thương mại (08/08/2018)

>   Trung Quốc sẽ thiết lập ngưỡng nợ cảnh báo đối với các doanh nghiệp Nhà nước (08/08/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật