Đồng Lira tiếp tục rơi khi Thổ Nhĩ Kỳ dấn sâu vào khủng hoảng
Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục lao dốc trong ngày thứ Hai (13/08) sau khi vị Tổng thống nước này không có dấu hiệu lùi bước trong cuộc xung đột với Mỹ.
Đồng Lira có lúc giảm vượt ngưỡng 7.23 đổi 1 USD vào đầu ngày thứ Hai (13/08), nhưng sau đó đã giảm bớt đà lao dốc, sau khi Cơ quan Quản lý và Giám sát Ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ (BRSA) nhảy vào để giới hạn các giao dịch hoán đổi dựa trên đồng Lira. Bộ trưởng Ngân khố và Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ, Berat Albayrak, cho biết, họ sẽ công bố các bước đi để xoa dịu thị trường trong ngày thứ Hai (13/08), tờ Hurriyet ghi nhận.
Các biện pháp từ BRSA rõ ràng đã kéo đồng Lira trở lại, Ray Attrill, Trưởng Bộ phận Chiến lược ngoại hối tại National Australia Bank Ltd. ở Sydney, cho hay. Dù vậy, “vẫn chưa có gì cho thấy, Chính phủ hoặc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị công bố các biện pháp chính sách tài khóa hay tiền tệ có khả năng vực dậy niềm tin ở Thổ Nhĩ Kỳ một cách nhanh chóng”.
Đồng Lira là “nạn nhân” của một cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng xuất phát từ chương trình thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá của Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc xung đột với Mỹ. Tháng trước, ông Trump đã đe dọa áp các “lệnh trừng phạt lớn” lên Thổ Nhĩ Kỳ, nếu quốc gia này từ chối trao trả tự do cho ông Brunson. Sau đó, vào ngày 01/08/2018, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên hai Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ liên quan quan tới vụ bắt giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson, ngăn chặn người dân Mỹ tiến hành kinh doanh với quốc gia này.
Đà rơi xuống mức thấp kỷ lục của đồng Lira và nỗi lo sợ lan truyền đã gây chấn động trên thị trường toàn cầu, kéo theo đồng tiền của các thị trường mới nổi lao dốc xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm.
Dữ liệu giá Bloomberg cho thấy, đồng USD có lúc tăng tới 13% lên 7.2362 Lira, trong đó một số ngân hàng được chỉ đạo tránh cung cấp mức giá hai chiều trong lúc biến động mạnh như thế này. Tính tới nay, đồng Lira đã rớt hơn 40% và dao động ở mức 6.8242 đổi 1 USD vào lúc 9h09 (giờ Tokyo).
Ngoài ra, làn sóng bán tháo đồng Lira cũng gây áp lực lên đồng Euro và thúc đẩy các đồng tiền trú ẩn an toàn tăng giá. Đồng Euro giảm 0.4% so với đồng JPY – vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn trong những thời điểm khó khăn. Đồng AUD lùi 0.2% so với đồng USD.
Làn sóng bán tháo đồng Lira cũng thể hiện sự không tin tưởng của nhà đầu tư vào chính quyền mới với sự dẫn dắt của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan. Trong những bài phát biểu hôm Chủ Nhật (12/08), ông Erdogan, vẫn thách thức, hứa không bao giờ nhún nhường về việc nâng lãi suất. Ngoài ra, ông cũng bác bỏ về việc có một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Lạm phát nhảy vọt
Nhiều năm chính sách nghiêng về hướng thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá đã khiến nhiều công ty ngập lặn trong nợ nần (nhất là nợ bằng đồng ngoại tệ), lạm phát tăng mạnh và trở thành một trong những quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất trên thế giới.
“Các đợt nâng lãi suất sẽ là không đủ, trong đó các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cần phải sốc lại niềm tin của nhà đầu tư”, Guillaume Tresca, Chiến lược gia thị trường mới nổi cấp cao tại Credit Agricole CIB, cho biết trong báo cáo ngày 10/08. “Cần phải tái cân bằng toàn diện nền kinh tế với một nhóm kinh tế mới và cam kết thực sự đối với tính độc lập của Ngân hàng Trung ương”.
Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ không nâng lãi suất tại cuộc họp gần đây nhất. Hiện lãi suất chính sách đang ở mức 17.75%. “Các vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục chồng chất khi đối mặt với chính sách tiền tệ và tài khóa quá lỏng lẻo”, Chuyên gia kinh tế thị trường cấp cao tại Capital Economics, John Higgins, cho biết trong báo cáo ngày 11/08.
Giá trái phiếu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc trong ngày thứ Sáu (10/08), qua đó đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên tới 22.11%. Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm tăng 75 điểm cơ bản lên 453 điểm cơ bản vào đêm ngày thứ Sáu (10/08), mức cao nhất kể từ tháng 3/2009, dữ liệu CMA cho thấy.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|