Thứ Hai, 16/07/2018 16:37

Vòng xoáy nợ nước ngoài của các nước Đông Nam Á

6 quốc gia Đông Nam Á có tỷ lệ nợ nước ngoài cao hơn rất nhiều so với mức bình quân của các nước đang phát triển (dẫn đầu là Lào), qua đó làm dấy lên lo ngại là khu vực này có khả năng bị vướng vào cuộc khủng hoảng nợ.

Lào có tỷ lệ nợ nước ngoài trên thu nhập quốc dân (GNI) cao nhất ở Đông Nam Á với 93.1%, so với mức bình quân chỉ 26% của tất cả các quốc gia đang phát triển, theo một bài phân tích về dữ liệu Ngân hàng Thế giới (WB) của FT Confidential Research (FTCR). Sau Lào là Malaysia, Campuchia và Việt Nam.

Cũng như Malaysia, Lào đang phải gánh chịu khoản nợ hàng tỷ USD vì các dự án cơ sở hạ tầng – vốn được thương lượng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Một ví dụ là kế hoạch kết nối Kunming ở Nam Trung Quốc với Viên Chăng (thủ đô Lào) với tổng trị giá 5.8 tỷ USD, chiếm tới gần 40% GDP nước này. Gần 2/3 khoản nợ của Lào được định danh bằng ngoại tệ, vì vậy sự sụt giá bất ngờ của đồng Kip là rủi ro lớn nhất đối với khả năng trả nợ của Lào. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã xác định Lào là quốc gia có rủi ro khủng hoảng nợ cao.

Ở Malaysia – nơi tỷ lệ nợ/GNI lên tới 69.6%, tân Thủ tướng Mahathir Mohamad đã yêu cầu tái thương lượng 4 dự án BRI đắt đỏ đã được chấp thuận dưới thời của chính quyền Najib Rezak, bao gồm cả dự án đường sắt kết nối Cảng Klang (cảng nhộn nhịp nhất của Malaysia) tới bờ biển phía đông với tổng trị giá ước tính 14 tỷ USD.

Các quốc gia Đông Nam Á đang chú ý tới những gì đã xảy ra ở khu vực Nam Á. Cụ thể, Sri Lanka đã phải giao cảng chiến lược cho Trung Quốc vì không thể trả nợ. Tuy nhiên, mức nợ của Đông Nam Á thường cao hơn so với Nam .

6 quốc gia Đông Nam Á mắc nợ nhiều nhất đã thực hiện vay nợ nước ngoài trong vòng 5 năm vừa qua, nhất là Campuchia, Lào và Việt Nam. Campuchia ghi nhận mức tăng 142% của nợ nước ngoài, mức tăng mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á và hiện có tỷ lệ nợ/GNI là 54.4%. Trung Quốc là chủ nợ song phương lớn nhất của Campuchia, chiếm gần 70% lượng nợ nước ngoài của nước này trong năm 2016. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất của Lào, theo dữ liệu của IMF.

Bất chấp vấn đề nợ tăng nhanh chóng, FTCR vẫn tin rủi ro xảy ra khủng hoảng của Campuchia vẫn thấp hơn Lào, Malaysia và Indonesia. Sở dĩ họ nhận định như thế là vì Lào, Malaysia và Indonesia có tỷ lệ dự trữ ngoại hối trên nợ nước ngoài ngắn hạn khá thấp và tỷ lệ nợ nước ngoài trên xuất khẩu cao.

Tính tới năm 2016, dự trữ ngoại hối của Malaysia chỉ bằng 1.1 lần so với khoản nợ nước ngoài chuẩn bị hết hạn trong vòng 1 năm. Tình hình trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2008. Gần đây, Bộ trưởng Tài chính Malaysia, Lim Guan Eng, cho biết tổng nợ của nước này cao hơn gần 60% so với mức ghi nhận của chính quyền ông Najib, khoản nợ ngắn hạn cũng có thể lớn hơn. Trong khi đó, Thái Lan và Việt Nam có nguồn dự trữ ngoại hối cao và do đó được bảo vệ tốt hơn. Cụ thể, hai nước này có dự trữ ngoại hối khoảng 6.1 lần so với nợ nước ngoài ngắn hạn.

Lào, Malaysia và Indonesia cũng có tỷ lệ nợ nước ngoài trên xuất khẩu tồi tệ nhất. Được biết, tỷ lệ nợ nước ngoài trên xuất khẩu là một chỉ báo mà WB sử dụng để đánh giá khả năng trả nợ của một quốc gia. Tỷ lệ này của Lào và Campuchia lần lượt là 327.9% và 184.2% trong năm 2016, cao hơn mức bình quân 107% của các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Tỷ lệ nợ trên xuất khẩu của Malaysia là 94.5%, nhưng điều này vẫn có thể thay đổi khi xét tới nhận định về nợ của ông Lim.

Đối với Malaysia và Indonesia, đà tăng giá của các hàng hóa xuất khẩu quan trọng có thể cải thiện khả năng trả nợ của họ.

Ở Indonesia, sự gia tăng của nợ - nhất là từ Trung Quốc - có khả năng trở thành vấn đề chính trị lớn trước các cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới.

Theo Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI), khoản nợ với Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi dưới thời ông Widodo. Không tính tới khoản nợ với Hồng Kông, khoản nợ của Indonesia đã lên tới 16.7 tỷ USD trong tháng 4/2018, tăng 110.5% so với thời điểm ông Widodo nhậm chức vào cuối năm 2014. Khoản nợ với Trung Quốc trong tổng nợ của Indonesia tăng từ 4.5% (năm 2014) lên 9.2%. Dưới thời ông Widodo, Trung Quốc là chủ nợ lớn thứ 3 của Indonesia, sau Singapore và Nhật Bản. Nếu loại trừ khoản nợ từ Hồng Kông, Trung Quốc có thể vượt mặt Nhật Bản để trở thành chủ nợ lớn thứ 2 của Indonesia ngay trong năm tới.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)

FiLi

Các tin tức khác

>   Đông Nam Á có phải là nạn nhân tiếp theo của chiến tranh thương mại? (16/07/2018)

>   Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6.7% trong quý 2/2018 (16/07/2018)

>   Google và Facebook có thể bị cuốn vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (15/07/2018)

>   Pakistan nâng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 2008 vì áp lực kinh tế (15/07/2018)

>   Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất từ từ (15/07/2018)

>   Các cửa hàng của Apple đã thay đổi thế giới chúng ta như thế nào? (15/07/2018)

>   Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm sau khi ZTE nộp phạt xong 1.4 tỷ USD (14/07/2018)

>   Johnson & Johnson bị tuyên phạt hơn 4 tỷ USD trong vụ phấn bột gây ung thư (13/07/2018)

>   Chỉ số CPI Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất trong 6 năm (13/07/2018)

>   Donald Trump: Kế hoạch Brexit của bà May sẽ phá tan thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh (13/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật