Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6.7% trong quý 2/2018
Trong ngày thứ Hai (16/07), Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP quý 2/2018 là 6.7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 6.8% hồi quý 1/2018, trong bối cảnh Bắc Kinh tiến hành kiểm soát chặt chẽ lên các khoản tín dụng rủi ro cao và Trung Quốc đang xung đột thương mại với Mỹ.
Con số trên cũng trùng khớp với dự báo của các chuyên gia phân tích tham gia vào cuộc thăm dò của Reuters.
Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã và đang “đè nặng” lên tâm lý thị trường, nhất là khi thị trường bất động sản đang tăng chậm lại ở những thành phố loại 1 như Bắc Kinh và Thượng Hải, Hao Zhou, Chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường châu Á mới nổi tại Commerzbank, cho hay.
“Tôi nghĩ sẽ có một chút khó khăn tại thời điểm này. Một mặt thì Trung Quốc cam kết giảm bớt đòn bẩy tài chính. Mặt khác, Trung Quốc nhận thấy sự suy giảm tăng trưởng và đà giảm tốc là rủi ro cho cả nền kinh tế nước này”, ông Zhou cho hay.
Tình huống hiện tại tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính sách khi Trung Quốc cần phải triển khai chính sách tiền tệ tương đối chặt chẽ để thực hiện giảm bớt đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, họ cũng cần các điều kiện tiền tệ dễ dàng hơn để hỗ trợ tăng trưởng.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã 3 lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong năm nay.
Trong bối cảnh các rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng chung trong vài năm tới, nếu thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ giảm đáng kể thì Bắc Kinh có khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Zhou nói rõ. Điều này là do tiêu dùng nội địa sẽ tăng chậm lại trong bối cảnh thương mại ngày càng căng thẳng.
Việc tiếp tục tăng trưởng ổn định trong nửa cuối năm 2018 sẽ giúp hỗ trợ chính sách về 2 khía canh: Chống chịu trước các tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, đồng thời tiếp tục chiến dịch kiểm soát nợ và dọn dẹp hệ thống tài chính. Sau đà tăng tốc năm 2017, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm nay, trong đó Chính phủ Trung Quốc đề ra mục tiêu tăng trưởng 6.5% trong năm 2018.
“Doanh số bán lẻ cap hơn đang bù đắp sự suy giảm của sản lượng công nghiệp trong tháng 6/2018. Nhờ nền kinh tế mới, Trung Quốc có khả năng duy trì đà tăng trưởng mạnh”, Raymond Yeung, Trưởng Bộ phận Kinh tế Trung Quốc đại lục tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd. ở Hồng Kông, cho hay. Điều này thể hiện rằng mối lo ngại về chiến tranh thương mại đã bị thổi phồng quá mức, ông nhận định.
Mặc dù số liệu GDP chính thức của Trung Quốc được xem như là chỉ báo về tình hình của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhưng nhiều chuyên gia bên ngoài từ lâu đã hoài nghi về mức độ tin cậy của các báo cáo từ Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Vào đầu tuần này, chính quyền Mỹ đã công bố danh sách 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có khả năng bị áp thuế 10% sau quá trình rà soát. Đáp lại, Trung Quốc đe dọa đưa ra động thái trả đũa và cam kết sẽ khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Hôm thứ Sáu tuần trước (06/07), Mỹ đã chính thức áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trước động thái này, Trung Quốc cũng áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Trung Quốc đang đối mặt với các điều kiện cực kỳ phức tạp và nghiêm trọng ở trong nước lẫn ngoài nước vào 6 tháng cuối năm 2018, cục thống kê Trung Quốc cho biết. Sẽ có thách thức về thương mại trong 6 tháng cuối năm nay, nhưng khoản đầu tư bất động sản có khả năng tiếp tục tăng mạnh, và khoản đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ vẫn ổn định, theo phát ngôn viên Mao Shengyong.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|