Đông Nam Á có phải là nạn nhân tiếp theo của chiến tranh thương mại?
Theo triển vọng của các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, năm 2018 lẽ ra không diễn ra như thế này.
Ngoài cuộc chiến tranh thương mại, các yếu tố khác như làn sóng thắt chặt chính sách trên toàn cầu, giá dầu cao và tình hình chính trị cũng đang gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng của khu vực này. Các nhà hoạch định chính sách đang xem xét lại các chiến lược kinh tế khi mức độ biến động tăng mạnh, trong một số trường hợp nhấn mạnh nhiều hơn tới sự ổn định tiền tệ hoặc sự thay đổi cấu trúc.
Nguồn: Bloomberg
|
“Khi chiến tranh thương mại giờ đã thành hiện thực, điều này sẽ tạo ra rào cản lớn đối với hoạt động xuất khẩu”, Tamara Henderson, Chuyên gia kinh tế tại Bloomberg Economics ở Singapore, cho hay. “Hoạt động đầu tư – hiện đang chịu áp lực từ chính sách tiền tệ thắt chặt – cũng có khả năng bị tổn thương vì chiến tranh thương mại”.
Sự không chắc chắn về các cuộc bầu cử ở Indonesia và Thái Lan, cũng như những hoài nghi về khả năng củng cố về mặt tài chính của chính quyền Malaysia có thể gia tăng nỗi lo của nhà đầu tư trong khu vực Đông Nam Á trong 6 tháng cuối năm 2018, Henderson cho hay.
Việt Nam
Xét tới tỷ lệ thương mại trên GDP của Việt Nam là khoảng 200%, nền kinh tế nước này đang cực kỳ nhạy cảm với diễn biến căng thẳng về thương mại – vốn đang đe dọa tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam sẽ phải cực kỳ chú ý tới đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc vì những hiệu ứng dây chuyền của nó tới hoạt động thương mại Đông Nam Á, và cũng chịu sức ép từ lộ trình nâng lãi suất tại Mỹ.
Trong quý 2/2018, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại so với 3 tháng đầu năm 2018 vì đà suy giảm của sản lượng khai khoáng và khoản đầu tư Nhà nước. Chính phủ Việt Nam dự báo tăng trưởng sẽ còn chậm lại trong 6 tháng cuối năm nay, đồng thời thực hiện thêm các biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh, Tổng Cục Thống kê Việt Nam cho biết trong tháng trước.
Indonesia
Các nhà hoạch định chính sách ở Indonesia đang cố gắng giảm bớt kỳ vọng về tăng trưởng khi họ chuyển hướng sang thúc đẩy sự ổn định tài chính giữa lúc đồng Rupiah lao dốc. Thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng trầm trọng và tình trạng thoái vốn đầu tư đang gia tăng khả năng Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) nâng lãi suất trong khoảng thời gian còn lại của năm 2018. Ngoài ra, các cam kết giảm bớt chi tiêu và giới hạn nhập khẩu có lẽ cũng tác động tiêu cực tới tăng trưởng. Vào ngày thứ Năm (19/07), BI sẽ đưa ra quyết định chính sách.
Malaysia
Sự bất ổn xuất hiện đầy rẫy ở Malaysia, nơi chính quyền mới bắt đầu đưa ra bức tranh rõ ràng hơn về chính sách kinh tế. Thuế doanh số mới – dự kiến áp dụng trong năm nay – có thể kìm hãm tăng trưởng của chi tiêu tiêu dùng, và với nhiều dự án cơ sở hạ tầng vẫn còn đang đóng băng, bức tranh đầu tư và chi tiêu của Chính phủ vẫn còn khá mờ mịt.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia) đã giữ nguyên lãi suất. Các chuyên viên phân tích đã giảm bớt dự báo nâng lãi suất khi triển vọng tăng trưởng ảm đạm và lạm phát thấp. Lập trường “bồ câu” hơn từ NHTW Malaysia sẽ đi ngược với xu hướng của khu vực và cả toàn cầu.
Philippines
Lạm phát tăng mạnh và vượt khỏi mức trần mục tiêu đang khiến Ngân hàng Trung ương Philippines lo ngại rằng tình trạng quá nhiệt đang diễn ra. Đà tăng giá nhanh chóng cũng có thể giảm bớt sự lạc quan từ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhất là khi NHTW bị buộc phải nâng lãi suất nhanh chóng hơn. Có khả năng là NHTW Philippines sẽ nâng lãi suất lần thứ 3 vào ngày 09/08/2018.
Singapore
Các biện pháp kìm hãm thị trường bất động sản gần đây có thể tác động tiêu cực tới tâm lý và làm giảm chi tiêu tiêu dùng. Singapore cũng gặp nhiều khó khăn trong việc vực dậy niềm tin của các nhà sản xuất, khi kỳ vọng của nhóm này vốn đã suy giảm sau khi thương mại tăng trưởng đột biến hơn dự báo trong năm 2017.
Các chuyên gia kinh tế tại Standard Chartered ở Singapore cho rằng: “Chúng tôi đã dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chững lại trong 6 tháng cuối năm 2018, thế nhưng nhiều diễn biến thương mại đang làm gia tăng rủi ro giảm tốc mạnh hơn. Số lượng các đơn hàng xuất khẩu mới dùng để tính toán chỉ số PMI cũng giảm sâu”.
Thái Lan
Nền kinh tế Thái Lan có vẻ là một trường hợp ngoại lệ của khu vực Đông Nam Á. Trong quý 1/2018, kinh tế Thái Lan đạt mức tăng trưởng 4.8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 5 năm. Lạm phát chỉ mới ở mức thấp nhất của phạm vi 1%-4% của NHTW, qua đó cho phép các nhà hoạch định chính sách giữ nguyên lãi suất gần mức thấp kỷ lục.
“Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có lẽ vẫn còn mạnh trong ngăn hạn, nhưng nếu tăng trưởng toàn cầu suy giảm và bất ổn chính trị gia tăng thì sự tăng trưởng gần đây có thể mất đà vào năm tới”, các chuyên gia kinh tế tại Capital Economics cho biết trong báo cáo nghiên cứu hồi tuần trước.
Theo dự kiến, Thái Lan sẽ có một cuộc bầu cử vào đầu năm tới.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|