Nên thêm quyền cho cơ quan thuế?
Theo dự thảo, ngoài quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giữ người, áp giải người vi phạm, cơ quan thuế có quyền quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế.
Người dân làm thủ tục tại Chi cục Thuế Q.1, TP.HCM.
Ảnh: Ngọc Dương
|
Được bán tang vật
Các quy định này được dự thảo luật Quản lý thuế mà Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến gần đây. Theo đó, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, trưởng đoàn thanh tra thuế có quyền quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế.
Theo quy định chung, trường hợp kiểm tra thuế, thanh tra thuế mà phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện, cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm phối hợp với cơ quan điều tra trong việc thực hiện điều tra tội phạm về thuế theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng dự thảo luật Quản lý thuế lại quy định trong quá trình thanh tra thuế, nếu đối tượng thanh tra có biểu hiện tẩu tán, tiêu hủy tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế thì thanh tra viên thuế đang thi hành nhiệm vụ được quyền tạm giữ tài liệu, tang vật đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tạm giữ tài liệu, tang vật, thanh tra viên thuế phải báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý thuế hoặc trưởng đoàn thanh tra thuế ra quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật. Trong thời hạn
8 giờ làm việc, kể từ khi được báo cáo, người có thẩm quyền phải xem xét và ra quyết định tạm giữ. Việc tạm giữ phải được lập biên bản. Trường hợp người có thẩm quyền không đồng ý việc tạm giữ, thanh tra viên thuế phải trả lại tài liệu, tang vật trong thời hạn 8 giờ làm việc.
Tang vật được đề cập ở đây gồm tiền VN, ngoại tệ, vàng bạc, đá quý, kim khí quý và những vật thuộc diện quản lý đặc biệt phải được bảo quản theo quy định của pháp luật. Trường hợp tang vật là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phải tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay để tránh tổn thất. Tiền thu được phải được gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước để bảo đảm thu đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Thời gian tạm giữ tang vật là 10 ngày, nhưng những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh có thể kéo dài tối đa không quá 60 ngày.
Ngoài ra, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có quyền quyết định khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế. Trong trường hợp là nơi ở thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật phải có mặt người chủ nơi bị khám và người chứng kiến. Trong trường hợp người chủ nơi bị khám vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người chứng kiến. Không được khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật vào ban đêm, ngày lễ, ngày tết, khi người chủ nơi bị khám có việc hiếu, việc hỉ, trừ trường hợp phạm pháp quả tang và phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Dễ lạm quyền
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng trong thanh tra thuế mà cán bộ thuế mới thấy có dấu hiệu tội phạm đã thực hiện các biện pháp tạm giữ tài liệu, tang vật, bán tang vật là hàng hóa… thì không ổn. Để kết tội có trốn thuế hay không cần phải ra tòa và lúc đó mới thực hiện các biện pháp khi tòa tuyên án có trốn thuế hay không. Nhiều khi "dấu hiệu" chưa hẳn là bản chất trốn thuế. Nếu không có những quy định rõ ràng rất dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, phát sinh tiêu cực của cơ quan thuế, cũng như quyền lợi của người nộp thuế bị xâm phạm.
Ông Trần Xoa cho rằng việc khám xét là việc của cảnh sát điều tra được quy định tại bộ luật Hình sự. Nếu cho cơ quan thuế thực hiện quyền điều tra, khám xét là đã làm phần việc của cơ quan công an. Nếu như không cho cơ quan thuế thực hiện việc điều tra thì những biện pháp như tạm giữ, khám xét trong thanh tra cần phải xem lại, không được phép thực hiện. Ông Trần Xoa cho rằng cơ quan thuế cần phối hợp với cơ quan công an để thực hiện khi thấy rõ hành vi trốn thuế, chứ không nên giao hẳn quyền cho cơ quan thuế.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, ủng hộ việc trao quyền cho cơ quan thuế trong việc điều tra, khởi tố vụ án vì lĩnh vực thuế đòi hỏi chuyên môn sâu mà nếu chờ chuyển qua cơ quan công an thì rất lâu mới đưa vụ việc ra xét xử. Tuy nhiên, ông Đức cũng lưu ý cơ quan thuế cần có sự thay đổi tách bạch giữa bộ phận thực thi và xử lý, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Thanh Xuân
THANH NIÊN
|