Tăng thuế người nghèo thêm gánh nặng
Tăng thuế giá trị gia tăng sẽ tác động tiêu cực tới các hộ gia đình khó khăn, người dân ở nông thôn và khiến hàng trăm nghìn người từ cận nghèo rơi xuống diện nghèo đói, theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách.
Nguồn: VEPR/Ảnh: Ngọc Dương/ Đồ họa: Du Sơn
|
Thuế tăng hơn 1 điểm %, thêm 240.000 người nghèo
Ngày 28.6, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức hội thảo “Đánh giá tác động của tăng thuế giá trị gia tăng lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi gia đình”.
Trước đó, để cân đối lại cơ cấu thu - chi, hỗ trợ ngân sách trong bối cảnh một số nguồn thuế cắt giảm theo các hiệp định tự do thương mại, Bộ Tài chính đã đưa ra các phương án tăng thuế giá trị gia tăng (VAT). Trong đó, dự kiến kịch bản 1 sẽ tăng thuế suất các loại hàng hóa dịch vụ cơ bản từ 5% lên 6%; các mặt hàng khác đang chịu thuế suất 10% sẽ tăng lên 12%.
Bộ Tài chính đánh giá, phúc lợi của người thu nhập thấp sẽ không bị ảnh hưởng. Song nhóm nghiên cứu của VEPR không đồng tình với lập luận này. Bằng phương pháp thống kê, so sánh, các chuyên gia VEPR chỉ ra nhóm người nghèo nhất đã dành 57% chi tiêu cho nhóm hàng hóa - dịch vụ chịu thuế suất VAT 10%. Trong khi đó, nhóm người giàu nhất chỉ dành 12% chi tiêu cho nhóm hàng hóa - dịch vụ chịu thuế suất VAT 5% và hơn 8% chi tiêu cho nhóm hàng hóa - dịch vụ không thuộc diện chịu thuế.
Nếu phân chia theo nông thôn và thành thị, người dân nông thôn dành 65% chi tiêu cho nhóm hàng hóa - dịch vụ chịu thuế suất VAT 10%, con số này với người dân thành thị là gần 76%. Với hàng hóa - dịch vụ chịu thuế suất VAT 5% và không chịu thuế, người dân nông thôn chi tiêu lần lượt là 26% và 8%, người dân thành thị là 16% và 7%.
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Việt Cường cho biết, với giả định người tiêu dùng phải chịu hoàn toàn gánh nặng thuế và chưa thay đổi cơ cấu tiêu dùng của mình, kết quả nghiên cứu cho thấy tăng thuế suất VAT làm giảm sức mua của người tiêu dùng gần 0,9%. Tỷ lệ nghèo tăng thêm 0,26 điểm phần trăm tương ứng với khoảng là 240.000 người đang ở ngưỡng cận nghèo sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói. Các hộ gia đình có đặc điểm như đông người, có tỷ lệ trẻ em và người già từ 80 tuổi trở lên cao hơn, tỷ lệ lao động nữ lớn, chủ hộ có học vấn thấp và kỹ năng thấp, hộ làm việc trong nông nghiệp, sẽ dễ rơi vào nghèo đói khi tăng thuế suất VAT hơn các nhóm khác.
Đối với kịch bản thứ 2, thay vì duy trì hai mức thuế suất 5% và 10%, thuế của các hàng hóa - dịch vụ ở mức 5% sẽ được tăng lên mức 10% để tăng hiệu quả thu thuế và giảm gian lận thuế. Theo phương án này, nghiên cứu đánh giá cũng chỉ ra, tỷ lệ người nghèo tăng thêm cao gần bằng với kịch bản 1 (0,22 điểm phần trăm) và có 202.000 người sẽ chuyển từ mức cận nghèo sang mức nghèo đói.
Phúc lợi hộ gia đình giảm
Nhóm nghiên cứu cũng phân tích, thời gian qua việc sử dụng vốn ngân sách chủ yếu vào chi thường xuyên, trả nợ trong khi chi đầu tư phát triển không đáng kể. Điều này đã khiến sản lượng thực của nền kinh tế không tăng và làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. “Thậm chí, nếu tiền thuế tăng thêm lại được Chính phủ đưa vào chi thường xuyên mà không chi đầu tư phát triển sẽ làm sản lượng thực của nền kinh tế giảm. Do đó, nghiên cứu này không đồng tình với đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính đã đưa ra. Bộ Tài chính có thể nghĩ đến các giải pháp như cải thiện hiệu quả thu thuế nhằm giảm gian lận thuế để làm tăng nguồn thu”, PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, lưu ý thêm.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, cho rằng việc tăng thuế VAT chắc chắn sẽ làm người nghèo chịu gánh nặng nhiều hơn. “Tôi đang tiêu dùng 1 đồng khi tăng thuế VAT sẽ làm tăng chi tiêu khoảng 40%, trong khi đối với hộ giàu chỉ có 20%”, chuyên gia này phân tích. Đặc biệt, với phương án đánh thuế tất cả các mặt hàng thuế suất 10% nếu được thực thi, theo TS Hồ, cơ quan quản lý “hành thu” thu dễ dàng hơn nhưng khiến hộ thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nhiều hơn, đặc biệt người nông dân. Những đối tượng này quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trong khi các hàng hóa, nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp lại tăng giá chắc chắn sẽ không chịu được. “Theo tôi từ nay đến năm 2020 tạm dừng việc đề xuất tăng thuế VAT, kể cả thuế tài sản để tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn”, TS Hồ kiến nghị.
Cần minh bạch trong thu - chi
Không riêng thuế VAT, các loại thuế khác như thu nhập cá nhân, bảo vệ môi trường, xuất nhập khẩu..., người dân VN đang phải gánh chịu khá cao so với các nước.
Nghiên cứu của VEPR chỉ rõ, do cân đối thu - chi chưa hiệu quả, VN chứng kiến thâm hụt ngân sách triền miên, cao nhất trong khu vực. Điều này dẫn tới việc Chính phủ phải tăng cường vay nợ để chi đầu tư phát triển, kéo theo nợ công tăng cao. Mức nợ công của VN đã bắt đầu vượt ngưỡng gây tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Nếu không kiểm soát vay nợ, VN sẽ lún sâu vào nợ nần trước khi kịp cất cánh.
Thâm hụt ngân sách của VN lên tới 6 - 7% GDP, cao hơn nhiều mức trung bình các nhóm nước và ASEAN-5, thể hiện cân đối thu chi kém hiệu quả. Thu hầu như chỉ đủ cho chi thường xuyên và trả nợ. VN phải tăng cường vay nợ để có vốn cho đầu tư phát triển, nhưng hiệu quả đầu tư còn chưa được cao.
Đáng lo ngại hơn là sự suy giảm nguồn thu từ dầu thô rất mạnh, từ sau năm 2014 ở mức 12,7% GDP nay chỉ còn khoảng 3% GDP. Bên cạnh đó, nguồn viện trợ không hoàn lại có xu hướng giảm dần sau khi VN trở thành nước thu nhập trung bình thấp. Từ đó, Chính phủ phải đẩy mạnh thu nội địa: thuế bảo vệ môi trường, nghiên cứu đánh thêm thuế tài sản, thu tiền sử dụng đất, thu từ DNNN khiến tỷ lệ động viên thuế của VN cao nhất nhì khu vực. Đặc biệt, nguồn thu thuế hiện nay ngày càng dựa nhiều vào các loại thuế gián thu (thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt…). “Gánh nặng thuế lên người dân VN tương đối lớn (chiếm 20% GDP), cao hơn nhiều nước trong khu vực”, nghiên cứu của VEPR khẳng định. Trong đó, thuế VAT chiếm nguồn thu ngân sách từ thuế lớn nhất.
“Một điểm đáng lưu tâm hơn, các đề xuất tăng thuế gần đây luôn bị công luận phản đối rất mạnh. Do đó, trước khi tăng thuế Chính phủ phải thuyết phục được người dân về tính hợp lý của các khoản chi tiêu chính phủ. Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách cần phải được nâng cao hơn và theo kịp với chuẩn mực quốc tế trước khi đưa ra các đề xuất tăng thuế”, PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, dẫn lại kiến nghị của nhóm nghiên cứu.
Cần cải cách lại các loại thuế
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Thành, trong trường hợp vẫn cần phải tăng thuế để bù đắp cho thâm hụt và giảm nợ công, Chính phủ nên nghĩ đến việc cải cách lại các loại thuế, trong đó có thuế tài sản, vì hiện nay tỷ trọng của loại thuế này trong tổng số thu thuế còn quá khiêm tốn. Tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng số thu thuế đã ở mức trên 60%, tăng thêm thuế suất bất cứ một loại thuế tiêu dùng nào cũng sẽ làm gánh nặng thuế của nhóm người có thu nhập thấp càng thêm nặng.
|
Anh Vũ
Thanh Niên
|