Thứ Hai, 02/07/2018 11:25

Nỗi lo nợ công

Nếu không có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay, mức trần nợ công rất dễ bị phá vỡ trong thời gian tới.

PGS.TS.Nguyễn Đức Thành

Nếu nợ công tăng quá cao thì tác động tới tăng trưởng kinh tế có thể bị đảo ngược. Nếu không kiểm soát vay nợ, Việt Nam sẽ lún sâu vào nợ nần trước khi kịp cất cánh. PGS.TS.Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.

Theo quyết toán ngân sách, bội chi NSNN năm 2017 khoảng 174,3 nghìn tỷ đồng (giảm 4.000 tỷ đồng so với dự toán), bằng khoảng 3,48% so với GDP thực hiện, thấp hơn mức Quốc hội thông qua là 3,5% GDP.

Quốc hội đã nhắc “Chính phủ cần quan tâm điều hành để kiểm soát bội chi các năm sau bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội là tỷ lệ bội chi NSNN cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP”.

Vậy ông đánh giá thế nào về mức độ thâm hụt ngân sách của Việt Nam?

 Với mức thâm hụt ngân sách được Quốc hội cho phép ở mức 3,9% GDP thì cũng là mức khá cao so với các nước trong khu vực. Philippines và Thái Lan có thâm hụt và thặng dư ngân sách chỉ quanh mức 1%. GDP qua từng năm, mức thâm hụt ngân sách của Indonesia và Malaysia cũng không quá 3%.

Không chỉ là ở mức thâm hụt, mà vấn đề là ngân sách liên tục thâm hụt và tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài qua các năm và tỷ lệ thu ngân sách so với GDP đã ở mức rất cao. Như vậy để bù đắp cho thâm hụt ngân sách, và để có nguồn chi cho đầu tư phát triển,  Việt Nam phải vay nợ ngày càng nhiều, khối nợ công ngày càng phình to. Mức nợ công của Việt Nam cao nhất trong các quốc gia trong khu vực và cùng trình độ phát triển. Đây là thực tế đáng lo ngại với một quốc gia chưa giàu đã mang gánh nặng nợ lớn.

Vâng, gánh nặng nợ công đang là nỗi ám ảnh của người dân. Ông nhìn nhận “mức nguy hiểm” của nợ công như thế nào?

Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong giai đoạn 2000-2016, tỷ trọng nợ công/GDP của Việt Nam từ mức thấp nhất trong nhóm nước đang phát triển và mới nổi đã vươn lên đứng hàng đầu vào năm 2016.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2017, dư nợ công bằng khoảng 61,4% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 51,8% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 49% GDP.

Với một nước đang phát triển, vay nợ là công cụ cần thiết để tài trợ vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư và khuyến khích sản xuất khi mức tích lũy của nền kinh tế còn thấp. Tuy nhiên, nếu nợ công tăng lên mức quá cao thì tác động tới nền kinh tế có thể bị đảo ngược. Nếu không có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay, mức trần nợ công rất dễ bị phá vỡ trong thời gian tới. Trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp vay vốn ODA, nếu lạm dụng vay nợ thì gánh nặng nợ trong tương lai là rất lớn. Nếu không kiểm soát vay nợ, Việt Nam sẽ lún sâu vào nợ nần trước khi kịp cất cánh.

Mức nợ công của Việt Nam vài năm gần đây đã vượt qua mức 60% GDP và theo nhiều nghiên cứu, nợ công của Việt Nam đã bắt đầu tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Nếu không có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay, mức trần nợ công rất dễ bị phá vỡ trong thời gian tới

Những tác động tiêu cực đó là?

Là do thâm hụt ngân sách, bội chi ngân sách, như chúng ta đã biết tình trạng này đã kéo dài nhiều năm liên tục. Nợ công tăng là gia tăng áp lực trả nợ. Nhất là gần đây Việt Nam đã tốt nghiệp ODA, các khoản vay thương mại nhiều lên, vay ưu đãi hầu như không còn và Việt Nam cũng giống như các quốc gia phát triển khác phải vay nợ nước ngoài bằng những ngoại tệ mạnh. Áp lực trả nợ ngày càng lớn làm cho tiết kiệm quốc gia giảm, kéo theo sự suy giảm của đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Gần đây để chủ động hơn với nợ công, giảm bớt mức độ ảnh hưởng từ nợ nước ngoài, Chính phủ đã tăng tỷ trọng vay trong nước. Như thế, nợ công làm giảm tích lũy vốn tư nhân. Nguồn cung vốn trên thị trường vốn tư nhân giảm dẫn tới lãi suất tăng, đẩy chi phí đầu tư tăng và dẫn tới đầu tư tư nhân giảm.

Tỷ trọng của chi đầu tư phát triển năm 2016 chỉ còn xấp xỉ 5% GDP, giảm một nửa so với 10% GDP của năm 2009. Chi cho đầu tư phát triển giảm một phần do thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đẩy mạnh xã hội hóa hạ tầng. Nhưng dù sao chi thường xuyên vẫn không có dấu hiệu suy giảm, dẫn tới nguồn lực dành cho chi đầu tư phát triển bị hạn chế, thậm chí có xu hướng giảm dần tính theo % GDP sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế giảm. Tăng trưởng kinh tế giảm thì lại tác động trở lại làm giảm nguồn thu ở vòng sau.

Và các giải pháp cần tiếp tục thực hiện để giữ an toàn nợ công?

Phải bảo đảm khả năng trả nợ, an toàn nợ công và nền tài chính quốc gia.

Quay trở lại nguyên nhân của bội chi, ai cũng biết đó là chi nhiều hơn thu trong đó chi thường xuyên quá lớn, thường xuyên ở mức cao trên 70% tổng chi qua các năm. Vì vậy phải duy trì nỗ lực kiểm soát tiêu ngân sách, đặc biệt là Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể… Triệt để tiết kiệm chi NSNN, hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước.

Tiếp tục củng cố chính sách tài khóa theo hướng cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công, kiểm soát tình trạng chuyển giá, trốn thuế, phát hành trái phiếu, vay nợ phải gắn với nhu cầu sử dụng thực tiễn. Quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, quản lý hiệu quả nguồn vốn vay để nâng hiệu quả kinh tế xã hội, giảm thiểu lãng phí, sử dụng sai mục đích. 

Nếu không kiểm soát tốt nợ công và cân đối ngân sách, trần nợ công chắc chắn bị phá vỡ trong thời gian tới và Việt Nam ngày càng lún sâu vào nợ nần trước khi kịp cất cánh.

Cảm ơn Viện trưởng!

Linh Lan (ghi)

Thời báo ngân hàng


Các tin tức khác

>   Tăng thuế người nghèo thêm gánh nặng (29/06/2018)

>   Siết biên chế cán bộ thuế dựa trên số thu thực tế địa phương (28/06/2018)

>   Nợ BHXH vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng: Khởi tố hình sự - 'chiếc gậy' thu hồi nợ đọng (28/06/2018)

>   Tăng thuế VAT có thể làm gia tăng thêm 200.000 đến 240.000 người nghèo (28/06/2018)

>   Xóa khoảng cách 5% giữa các bậc lương (28/06/2018)

>   Dư nợ nước ngoài của Việt Nam tăng đột biến 73% (27/06/2018)

>   Thuế tài sản nên cân nhắc để phù hợp thực tiễn ở Việt Nam (26/06/2018)

>   Đề xuất thu thuế nước ngọt, giải khát bằng 10% giá xuất xưởng (26/06/2018)

>   Hòa giải vụ kiện giữa Uber B.V và Cục Thuế TP bất thành (23/06/2018)

>   Từ 1/7: Chính thức tăng 6,92% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (21/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật