Thêm quyền "sinh - sát" cho cán bộ thuế
Hầu hết các ý kiến đều lo ngại nếu trao quyền điều tra cho cơ quan thuế sẽ dễ dẫn đến lạm quyền, nhũng nhiễu
Bộ Tài chính vừa tiếp tục bổ sung quyền điều tra các hành vi trốn thuế cho cơ quan thuế vào dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mới nhất.
Chỉ nên điều tra chuyển giá
Nêu lý do, Bộ Tài chính cho rằng việc ngày càng tham gia sâu vào thị trường kinh tế thế giới đã kéo theo sự xuất hiện của các hình thức công ty liên danh, liên kết, các tập đoàn đa quốc gia với những hành vi gian lận thuế trong các lĩnh vực mới. Cụ thể, việc gian lận thông qua chuyển giá, báo lỗ giả nhằm trốn thuế, kinh doanh thương mại điện tử, hoàn thuế xuất nhập khẩu... ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, do việc điều tra thuế được giao cho cơ quan công an - nơi không có chuyên môn nghiệp vụ thuế - nên hiệu quả còn thấp; truy thu tiền thuế trốn, tiền thuế chiếm đoạt không kịp thời; tác dụng răn đe bị hạn chế. Chức năng, thẩm quyền của cơ quan thuế chưa được bổ sung kịp thời với diễn biến phức tạp của những hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thuế thời gian qua; làm giảm hiệu quả của hoạt động đấu tranh, xử lý vi phạm, trong đó có xử lý trách nhiệm hình sự các vi phạm pháp luật về thuế.
Ngoài việc khẳng định quy định trên không chồng chéo với công tác điều tra khác, Bộ Tài chính còn cho rằng điều này tốt cho toàn hệ thống quản lý, tiết kiệm nguồn nhân lực cho hệ thống điều tra hiện hành; bảo đảm tránh phiền hà cho các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, tránh để lọt tội phạm.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP HCM, cho rằng bổ sung quyền điều tra cho cơ quan thuế là phù hợp với thông lệ quốc tế và có thể thực hiện được. Tuy nhiên, cơ quan thuế khi điều tra phải bị hạn chế chức năng hoạt động, chỉ điều tra với những nội dung nhất định chứ không phải điều tra tất cả. "Theo tôi, chỉ nên điều tra chuyển giá" - ông Nghĩa nêu.
Luật sư Nghĩa đồng tình với Bộ Tài chính khi cho rằng nếu không có cơ quan điều tra chuyên ngành thì thực sự rất khó điều tra hoạt động chuyển giá hay các hoạt động có tính chất quốc tế bởi cơ quan công an không có nghiệp vụ về thuế. Song, ông lưu ý để tránh gây phiền nhiễu cho DN, cần phân công công việc rõ ràng giữa cơ quan thanh tra - kiểm tra và cơ quan điều tra thuế. Theo đó, cơ quan điều tra chỉ điều tra ở những DN lớn, tập đoàn đa quốc gia; không điều tra DN nhỏ và vừa và chỉ điều tra khi có nghi ngờ.
Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim - một trong những doanh nghiệp vừa bị phạt liên quan đến thuế. Ảnh: TẤN THẠNH
|
Doanh nghiệp sẽ khổ?
Đây không phải lần đầu Bộ Tài chính đề xuất trao quyền điều tra cho cán bộ ngành thuế. Trước đó, đề xuất này đã vấp phải không ít ý kiến phản đối từ các chuyên gia, bộ, ngành. "Tôi không hiểu vì sao đề xuất này đã bị phản đối một lần rồi nhưng vẫn tiếp tục được đưa vào dự luật" - ông Chung Thành Tiến, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, bày tỏ.
Ông Tiến phân tích rõ hàng loạt lý do: "Khi đưa quy định cho cán bộ thuế được quyền điều tra vào luật thì Luật Quản lý thuế sẽ choàng luôn qua Bộ Luật Hình sự, chồng chéo với hoạt động điều tra của công an. Mặt khác, nếu giao cơ quan thuế nhiệm vụ điều tra thì có dám chắc họ sẽ không lạm dụng quyền lực để hù dọa DN? Trong khi đó, với những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, về việc thực hiện pháp luật thuế hiện nay thì DN đủ khổ rồi! Hơn nữa, nhân sự ngành thuế có đủ chuyên môn để đi điều tra ở DN hay không?".
Theo ông Tiến, ngành thuế thay vì đi "giành việc" của cơ quan khác thì nên nâng cao nghiệp vụ để quản lý được việc các DN trốn thuế, gian lận thuế để xử lý dứt điểm nợ đọng thuế, bảo đảm thu ngân sách. Đồng thời, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất để không vướng vào những việc "thỏa thuận cưa đôi, cưa ba" của cán bộ thuế với DN vốn đã bị phản ánh rất nhiều.
"Quan điểm của Chính phủ là tạo mọi điều kiện cho DN phát triển. DN phát triển được thì mới đóng góp tốt cho ngân sách. Khi cảm thấy nghi ngờ thì có thể chuyển hồ sơ sang công an. Nếu công an không có chuyên môn thì họ có quyền trưng cầu các cơ quan khác để đưa phán quyết cuối cùng với DN. Giao cơ quan thuế quyền điều tra làm gì khi có thể sẽ ảnh hưởng đến DN?" - ông Tiến băn khoăn.
Theo ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, trao cho cơ quan thuế quyền điều tra thì thủ tục điều tra sẽ nhanh hơn, mọi vấn đề có thể được làm sáng tỏ hơn vì cán bộ thuế có chuyên môn về lĩnh vực này. Tuy nhiên, trao quá nhiều quyền cho một cơ quan là không nên, bởi sẽ dẫn tới tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Để tránh tình trạng này, nếu Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm ngành thuế được điều tra thì cơ quan thuế bắt buộc phải thành lập riêng một đơn vị chuyên làm nhiệm vụ điều tra. "Cán bộ vừa đi thanh tra - kiểm tra vừa điều tra thì không phù hợp. Nhưng nếu tách thành bộ phận riêng, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như hiện nay, liệu có nên? Chưa kể, cán bộ thuế muốn làm được công tác điều tra thì phải học nghiệp vụ điều tra, gây tốn kém ngân sách, không hiệu quả" - ông Được lo ngại.
Theo ông Được, làm DN rồi mới thấy riêng việc thanh tra - kiểm tra trung bình 2-3 năm/lần đã quá mệt mỏi. "Cơ quan thuế đã thanh tra - kiểm tra mà lại được thêm quyền điều tra thì DN rất khổ. Quan điểm của tôi là không nên giao nhiều quyền để xã hội được chuyên môn hóa" - ông bày tỏ.
Có thể làm giảm tính khách quan
Một đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng hiện nay, cơ quan thuế chịu trách nhiệm quản lý thu thuế, thanh tra thuế. Nếu bổ sung chức năng điều tra thuế cho cơ quan thuế thì cùng một cơ quan, cùng một bộ máy vừa thực hiện thu thuế vừa thực hiện thanh tra rồi lại thực hiện hoạt động điều tra thuế. Việc này sẽ có thể làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch của hoạt động quản lý thuế.
Do đó, VCCI đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc khi đưa quy định này vào dự luật.
|
TS BÙI TRINH, chuyên gia kinh tế:
Đừng tạo thêm phiền hà
Mỗi DN nhỏ, siêu nhỏ có tới 2-3 báo cáo thuế để phục vụ hoạt động kinh doanh của DN, nộp cơ quan thuế... Để làm được điều này, không thể tránh tình trạng cán bộ thuế "chỉ điểm, bắt tay" với DN. Giờ nếu thêm cho cơ quan thuế quyền điều tra đối với DN trốn thuế thì chẳng khác nào tăng quyền "sinh - sát" cho cán bộ thuế.
Thực tế, vừa qua ngành thuế dù đã cải thiện nhưng vẫn là một trong những ngành nắm trong tay quyền lực và có thể gây khó cho DN (cùng hải quan, bảo hiểm...). Do đó, nếu quy định của Bộ Tài chính có hiệu lực, e rằng DN sẽ càng gặp khó khăn. Khi đó, cơ quan thuế càng không thu thêm được thuế, ngân sách sẽ thất thu. Dù môi trường kinh doanh có cải thiện nhưng DN vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Đừng tạo thêm phiền hà, cơ hội cho cán bộ thuế nhũng nhiễu DN.
Luật sư TRẦN XOA, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang:
Không nên!
Việc Bộ Tài chính đưa nội dung này vào dự thảo Luật Quản lý thuế khiến rất nhiều DN lo lắng. Lâu nay, DN đã rất khổ sở vì bị "hành" và nhũng nhiễu, tiêu cực từ cán bộ ngành thuế. Nay nếu trao thêm quyền điều tra, khả năng sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền vì "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Quan trọng hơn, đề xuất này đi ngược tinh thần nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về việc tinh giản nhân sự trên phạm vi cả nước. Ngay tại TP HCM, theo tinh thần này, 24 chi cục thuế sẽ cắt giảm còn 22. Nếu cơ quan thuế được quyền điều tra thuế DN thì sẽ phải tăng cường nhân sự, lập thêm phòng, ban chuyên môn và tốn thêm chi phí cho cán bộ thuế đi học nghiệp vụ điều tra. Trong khi đó, cơ quan công an đang đảm đương công việc này, nếu cần điều tra thuế DN thì họ sẽ phối hợp với cơ quan thuế thực hiện.
Cộng đồng DN đang cần cơ quan thuế chấn chỉnh đạo đức cán bộ, công chức; hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu; tập trung làm tốt công tác chuyên môn, tham mưu cho Bộ Tài chính trong việc ban hành văn bản luật, dưới luật chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động đúng pháp luật; hạn chế tối đa việc ban hành chính sách không rõ ràng, dẫn đến hàng loạt văn bản hướng dẫn khiến DN rối văn bản theo hướng gài bẫy, làm khó DN.
T.PHƯƠNG - T.NHÂN ghi
|
Phương Nhung
NLĐ
|