Kinh tế Singapore giảm tốc do ảnh hưởng từ xung đột thương mại
Singapore được xem là một “hàn thử biểu” của tăng trưởng kinh tế toàn cầu bởi quy mô “khủng” của hoạt động ngoại thương...
Xung đột thương mại Mỹ-Trung đang phủ bóng lên tăng trưởng kinh tế Singapore - Ảnh: Reuters.
|
Tăng trưởng kinh tế Singapore chậm lại trong quý 2 vừa qua và không đạt dự báo, do ngành chế tạo giảm tốc và xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế vốn phụ thuộc vào thương mại của đảo quốc sư tử.
Hãng tin Reuters dẫn số liệu do Bộ Công Thương Singapore công bố sáng 13/7 cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này trong quý 2 chỉ tăng 1% so với quý 1, so với mức dự báo tăng 1,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Trong quý 1, GDP của Singapore tăng 1,5% so với quý 4/2017.
"Quan điểm chung là nền kinh tế Singapore sẽ tiếp tục giảm tốc, một phần bởi mức tăng cao đạt được vào năm ngoái, một phần bởi ngành điện tử đang suy yếu đi", bà Selena Ling, trưởng bộ phận chiến lược thuộc OCBC Bank, nhận định.
So với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế Singapore tăng trưởng 3,8% trong quý 2, so với mức dự báo tăng 4%, và mức tăng 4,3% đạt được trong quý 1.
Năm 2017, ngành chế tạo và xuất khẩu hàng điện tử là một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế Singapore. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử của Singapore đến nay đã giảm 6 tháng liên tiếp, làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu của thị trường toàn cầu đối với mặt hàng này.
Đầu tháng này, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã lên tiếng cảnh báo về rủi ro gia tăng đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu do căng thẳng thương mại leo thang và áp lực lạm phát gia tăng.
Singapore được xem là một "hàn thử biểu" của tăng trưởng kinh tế toàn cầu bởi quy mô "khủng" của hoạt động ngoại thương so với quy mô nền kinh tế. Kim ngạch thương mại của Singapore tương đương tới 200% GDP của nước này.
Hồi tháng 5, Bộ Công Thương Singapore dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 2,5-3,5%. Năm ngoài, nền kinh tế nước này tăng trưởng 3,6%, mức tăng mạnh nhất trong 3 năm.
"Trong thời gian tới, những rủi ro suy giảm tăng trưởng đối với nền kinh tế Singapore sẽ bao gồm rủi ro chuỗi cung ứng do thuế quan thương mại Mỹ-Trung", ông Jeff Ng, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực châu Á của Continumm Economics, nhận định. "Cùng với đó, các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản có thể hạn chế sự tăng trưởng kinh tế ngắn hạn của Singapore".
Tuần trước, Chính phủ Singapore bất ngờ có động thái kiểm soát sự tăng giá nhà.
Hồi tháng 4, Ngân hàng Trung ương Singapore lần đầu tiên thắt chặt chính sách tiền tệ trong 6 năm. Giới phân tích hiện đang có những dự báo trái chiều quanh việc liệu động thái thắt chặt này có phải là sự khởi đầu cho một chu kỳ thắt chặt chính sách dài hạn hay không.
Thăng Điệp
vneconomy
|