Sụt gần 7%, dầu Brent có phiên giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Tư (11/07), trong đó hợp đồng dầu WTI ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong 13 tháng, khi e ngại nhu cầu suy yếu và sản lượng mới từ Libya đã làm lu mờ báo cáo về đà giảm mạnh của nguồn cung dầu thô tại Mỹ, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 trên sàn Nymex lùi 3.73 USD (tương đương 5%) xuống 70.38 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 25/06/2018. Đây cũng là phiên sụt giảm mạnh nhất của hợp đồng này về phương diện phần trăm kể từ ngày 07/07/2017 và cũng là mức lao dốc mạnh nhất về phương diện đồng USD kể từ ngày 01/09/2015, dữ liệu từ WSJ Market Group cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 trên sàn Luân Đôn mất 5.46 USD (tương đương 6.9%) còn 73.40 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 21/06/2018. Hợp đồng này ghi nhận phiên sụt giảm mạnh nhất về phương diện phần trăm kể từ ngày 09/02/2016.
Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định: “Các nhà đầu tư thị trường đang tiến hành chốt lời sau khi các báo cáo cho thấy sự phục hồi sản lượng dầu thô tại Libya, khả năng miễn giảm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran cùng với những e ngại về chiến tranh thương mại”.
Dầu suy yếu ngay cả khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong ngày thứ Tư cho biết nguồn cung dầu thô nội địa sụt 12.6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 06/07/2018, cao hơn dự báo giảm 6.8 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API) và dự báo mất 4.8 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts. Đây cũng là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2016 của nguồn cung dầu tại Mỹ.
James Williams, Chuyên gia kinh tế năng lượng tại WTRG Economics, chỉ ra rằng kim ngạch nhập khẩu dầu tại Mỹ giảm 1.6 triệu thùng/ngày, chiếm 11.4 triệu thùng sụt giảm trong dự trữ dầu thô nội địa hồi tuần trước. Ông Williams cho biết một phần đà sụt giảm trong kim ngạch nhập khẩu là do tình trạng thiếu hụt sản lượng tại cơ sở sản xuất dầu Syncrude ở Canada.
Bên cạnh đó, EIA cũng cho biết dự trữ xăng mất 700,000 thùng trong tuần trước, thấp hơn dự báo giảm 1 triệu thùng xăng, trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất vọt 4.1 triệu thùng, cao hơn dự báo tăng 1.7 triệu thùng từ một cuộc thăm dò của Platts.
Trong khi đó, Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Libya đã hoạt động sản xuất trở lại.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư sau khi Mỹ cho biết áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuần trước, Mỹ đã áp hàng rào thuế quan trị giá 34 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Được biết, Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ 2 của Mỹ trong quý 1/2018, dữ liệu từ EIA cho biết. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không áp thuế nhập khẩu đối với dầu thô của Mỹ.
Trong một báo cáo định kỳ hàng tháng vào ngày thứ Tư, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết sản lượng của tổ chức này bình quân đạt 32.33 triệu thùng/ngày trong tháng 6, tăng 173,000 thùng/ngày so với tháng trước đó.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 8 lùi 4.6% xuống 2.0614 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 8 mất 5.5% còn 2.1008 USD/gallon.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 8 tiến 1.5% lên 2.829 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|