Dầu Brent phục hồi trở lại
Các hợp đồng dầu thô tương lai diễn biến trái chiều vào ngày thứ Năm (12/07), trong đó hợp đồng dầu WTI giảm nhẹ còn hợp đồng dầu Brent lại phục hồi từ đáy 3 tuần đã ghi nhận được một ngày trước đó, MarketWatch đưa tin.
Một báo cáo định kỳ hàng tháng từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy nhu cầu dầu thô suy yếu trong thời gian tới và nguồn cung dầu thô gia tăng. Nhà đầu tư cũng chú ý đến sự phục hồi của kim ngạch xuất khẩu dầu tại Libya và xem xét tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đối với kinh tế toàn cầu cùng với nhu cầu dầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 trên sàn Nymex hạ 5 xu (tương đương gần 0.1%) xuống 70.33 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 25/06/2018. Giá dầu cũng tích tắc chạm mức thấp dưới 70 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn 2 tuần.
Trong khi đó, hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 trên sàn Luân Đôn tiến 1.05 USD (tương đương 1.4%) lên 74.45 USD/thùng. Hợp đồng này phục hồi phần nào từ đà sụt giảm gần 7% xuống 73.40 USD/thùng trong ngày thứ Tư, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 21/06/2018.
Tyler Richey, Đồng biên tập tại Sevens Report, nhận định: “Đợt bán tháo năng lượng dần kết thúc vào chiều ngày thứ Năm, ít nhất trong ngắn hạn, sau khi cả hợp đồng dầu Brent lẫn dầu WTI đều được kiểm tra nhưng vẫn giữ được mức hỗ trợ quan trọng tương ứng”.
Dầu đã lao dốc trong ngày thứ Tư (11/07), sau khi Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Libya hoạt động sản xuất trở lại. Các nhà phân tích ước tính các cảng dầu tại Libya có thể đóng góp khoảng 700,000 thùng/ngày cho thị trường toàn cầu.
Lukman Otunuga, Chuyên gia phân tích nghiên cứu tại FXTM, lưu ý: “Thực tế là giá dầu đã giảm mạnh sau thông tin Libya sẽ khôi phục sản lượng dầu tiếp tục nhấn mạnh rằng đà leo dốc của giá dầu vẫn phụ thuộc nhiều vào các thông tin địa chính trị”.
Tuy nhiên, hiện các nhà phân tích thắc mắc rằng phải mất bao lâu lượng dầu tại Libya mới được đưa vào thị trường.
Trong khi đó, “sự sụt giảm sản lượng từ Venezuela và Canada, cùng với khả năng Mỹ áp trừng phạt đối với Iran, đã giúp giá dầu dao động tại các mức cao”, ông Otunuga chia sẻ.
Vào ngày thứ Năm, báo cáo định kỳ hàng tháng từ IEA cho thấy nhu cầu dầu suy yếu với giá cả leo thang là một yếu tố ảnh hưởng. IEA cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu trong nửa đầu năm nay sẽ đạt trung bình 1.5 triệu thùng/ngày, và sau đó giảm xuống 1.3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2018.
Cơ quan này cũng cho biết nguồn cung dầu toàn cầu tăng 370,000 thùng/ngày trong tháng 6, chủ yếu là do sản lượng tăng cao tại Ả-rập Xê-út và Nga. Sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 6 tăng lên đỉnh 4 tháng là 31.87 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, dầu lao dốc trong ngày thứ Tư ngay cả khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa sụt 12.6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 06/07/2018.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 8 tiến 0.5% lên 2.072 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 8 cộng 1.1% lên 2.123 USD/gallon.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 8 lùi 1.1% xuống 2.797 USD/MMBtu.
Giá khí thiên nhiên suy yếu sau khi EIA cho biết nguồn cung hàng hóa này tăng 51 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 06/07/2018, thấp hơn dự báo vọt 60 tỷ feet khối của thị trường.
An Trần
Fili
|